Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh: Miền đất của những chuyển động

10:05, 17/05/2019
.
Ông Nguyễn Minh Trí. Ảnh: P.LÝ
Ông Nguyễn Minh Trí. Ảnh: P.LÝ
(Báo Quảng Ngãi)- “Sau một thời gian xây dựng và phát triển, diện mạo của một công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu đang định hình và từng bước hoàn chỉnh tại Quảng Ngãi. Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh trải dài trên địa bàn của 9 huyện, thành phố, với diện tích tự nhiên khoảng trên 2.000km2 đất liền và 2.600km2 mặt biển”, Giám đốc Sở VH-TT&DL, Phó Trưởng ban Thường trực Ban quản lý (BQL) CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh Nguyễn Minh Trí cho biết.
TIN LIÊN QUAN

Theo ông Nguyễn Minh Trí, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước khẳng định, đây là khu vực có giá trị địa chất, địa mạo kỳ thú, văn hóa đặc sắc và đa dạng sinh học hấp dẫn, xứng đáng được UNESCO bổ sung vào danh mục mạng lưới CVĐC toàn cầu. Hiện nay, BQL tập trung cao độ triển khai kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO.

PV: Xin ông cho biết những phần việc quan trọng trong xây dựng CVĐC đã thực hiện trong thời gian qua?


Ông Nguyễn Minh Trí: Đến thời điểm này, một trong những công việc nặng nề nhất trong xây dựng CVĐC Lý Sơn-Sa Huỳnh đã hoàn thành, đó là quá trình khảo sát. Viện Khoa học Địa chất&Khoáng sản phối hợp với BQL CVĐC đã tiến hành 11 đợt khảo sát địa chất, địa mạo - cảnh quan và địa - văn hóa tại 9 huyện, thành phố thuộc phạm vi xây dựng CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh nhằm xác định các thông tin cơ bản về giá trị di sản địa chất và văn hóa, khẳng định ý nghĩa quốc tế, xác định ranh giới của công viên.

Viện Khoa học Địa chất&Khoáng sản và BQL CVĐC cũng đã phối hợp khảo sát, tiến hành xác định 4 tuyến du lịch địa chất trong phạm vi công viên, với tổng cộng 87 điểm dừng chân. Hiện BQL CVĐC đang tiến hành viết nội dung giới thiệu, xây dựng biển bảng thuyết minh và làm việc với các địa phương liên quan để chuẩn bị cơ sở vật chất tại các điểm dừng chân.

 

Địa chất, địa mạo độc đáo tại thắng cảnh hang Câu ở Lý Sơn.     Ảnh X.Thiên
Địa chất, địa mạo độc đáo tại thắng cảnh hang Câu ở Lý Sơn. Ảnh X.Thiên


PV: Các điểm di sản phân bố trên 4 tuyến du lịch hội tụ với nhau tạo nên diện mạo “Miền đất của những chuyển động”, ông cho biết rõ hơn về nhận định này?

Ông Nguyễn Minh Trí: Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh là điểm đến kỳ thú với hàng loạt các điểm địa chất và điểm văn hóa đan xen và tích hợp lẫn nhau, bố cục theo tuyến tính (đông, tây, nam, bắc), mang chủ đề riêng cho từng tuyến. Các điểm di sản có chọn lọc phân bố trên 4 tuyến hội tụ với nhau tạo nên diện mạo “Miền đất của những chuyển động”. Đó chính là chủ đề của CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh. “Bí ẩn nơi đảo thiêng” là tuyến phía đông, đây chính là chuyến hải trình tham quan đảo Lý Sơn, được xem là vùng lõi của CVĐC với 30 điểm di sản địa chất và văn hóa đan xen, tích hợp lẫn nhau.

Ngược lên phía tây, đại ngàn trùng điệp của hương quế Trà Bồng, du khách sẽ bị cuốn vào “vũ điệu thời gian”. Đó là vũ điệu của lục địa cổ, của các lớp thạch quyển nâng lên, hạ xuống, của các lớp đá biến chất va chạm vào nhau trong quá trình kiến tạo. Xuôi về phía nam chính là bắt đầu “hành trình ngược về các nền văn hóa cổ”. Dù được coi là trung tâm của nền văn hóa Sa Huỳnh, khu vực này còn lưu dấu vết của nền văn hóa Chăm-pa, văn hóa Đại Việt. Tuyến phía bắc công viên là trở về với “ký ức chiến tranh” và “Tiếng vọng của biển” trên địa bàn huyện Bình Sơn.

Tựu chung, CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh hiện hữu như một “Miền đất của những chuyển động”. Chuyển động từ tây sang đông là sự dịch chuyển, nâng lên hạ xuống của lớp thạch quyển lục địa cổ Trà Bồng và miền tây Quảng Ngãi, là sự cuộn chảy của những dòng nham thạch trên đảo Lý Sơn. Chuyển động từ bắc xuống nam là dòng thời gian, dòng chảy của những nền văn hóa giao thoa và tiếp biến lẫn nhau từ Sa Huỳnh, Chăm-pa và Đại Việt.

PV: Tháng 11.2019 là thời hạn hoàn thành hồ sơ CVĐC trình UNESCO. Vậy những công việc cần gấp rút thực hiện trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Trí: Khối lượng công việc còn lại trong kế hoạch xây dựng CVĐC là rất lớn. Trong đó cần phải tiến hành khoanh vùng các điểm di sản; xây dựng các cơ sở vật chất phục vụ du khách gồm các trung tâm truyền thông, nhà trưng bày, biển bảng thuyết minh; khảo sát, xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững cho cộng đồng; tổ chức hội thảo quốc tế về giá trị di sản CVĐC; dọn vệ sinh, xây dựng cảnh quang; đẩy mạnh chiến dịch truyền thông, quảng bá CVĐC...

 

Miệng núi lửa ở Bình Châu (Bình Sơn), một trong những điểm di sản của công viên địa chất.                                                    Ảnh: Phước Trung
Miệng núi lửa ở Bình Châu (Bình Sơn), một trong những điểm di sản của công viên địa chất. Ảnh: Phước Trung

Khó khăn gặp phải là nguồn nhân lực BQL CVĐC hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện tại chỉ có một chuyên gia làm việc toàn thời gian, còn lại thành viên BQL là cán bộ kiêm nhiệm. Theo yêu cầu của UNESCO, cán bộ BQL CVĐC phải là những người am hiểu về địa chất, văn hóa, du lịch... Trước mắt, để hoàn thành hồ sơ trình UNESCO, UBND tỉnh đã cho phép hợp đồng với các chuyên gia trong và ngoài nước. Công việc xây dựng hồ sơ đang được khẩn trương thực hiện, nhằm đảm bảo chất lượng, đúng thời hạn vào tháng 11.2019.


PHƯƠNG LÝ
(thực hiện)


.