Khơi dậy tiềm năng công viên địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh

10:05, 10/05/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Công viên địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh với giá trị cao về địa chất, khảo cổ học lẫn văn hóa đã được thừa nhận. Nhưng công viên rộng 4.600 km2 ấy vẫn còn những “khoảng trống” cần lấp đầy để nâng vị thế giá trị di sản lên tầm quốc tế.
Vùng ven biển Bình Châu, Sa Huỳnh, Lý Sơn gắn liền danh lam thắng cảnh, miệng núi lửa cổ ở Ba Làng An, hang Cau, chùa Hang, núi Thới Lới… có niên đại hàng triệu năm. Tất cả những giá trị ấy chỉ có duy nhất ở công viên địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh.
 
Mặc cho bao biến thiên, lớp trầm tích núi lửa hay những vách đá nghìn năm tuổi vẫn sừng sững, đã tạo nên một Lý Sơn- Sa Huỳnh mang sắc thái riêng. Bất cứ nhà nghiên cứu, khảo cổ học nào đã từng đến với công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh đều “phải lòng” với một vùng đất ẩn chứa nhiều giá trị quí hiếm đến thế. Họ là những chuyên gia, nhà khoa học đến từ Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản,  UNESCO và các nước Pháp, Nhật, Hàn Quốc.
 
Lớp trầm tích núi lửa ở Hang Cau với niên đại hàng triệu năm tuổi mang giá trị địa chất hiếm có trên thế giới
Lớp trầm tích núi lửa ở hang Cau (Lý Sơn) với niên đại hàng triệu năm tuổi mang giá trị địa chất hiếm có trên thế giới
 
Họ đến với Quảng Ngãi để giúp tỉnh khảo sát 1.130 địa điểm, vị trí vùng lõi và vệ tinh trong phạm vi công viên Lý Sơn – Sa Huỳnh. Sau khảo sát, họ lại một lần nữa khẳng định, những vết tích địa chất từ các danh lam, thắng cảnh ở khu vực Lý Sơn- Bình Châu được hình thành từ hoạt động núi lửa cách đây khoảng 12 triệu năm và gần đây nhất là 3.000 năm.
 
PGS. TS Trần Tân Văn - Viện Trưởng Viện khoa học địa chất khoáng sản  chia sẻ: Vùng biển Lý Sơn – Bình Châu là “công viên” núi lửa lớn. Những dấu tích này là di sản địa chất hiếm hoi trên thế giới.
 
Ông Văn đánh giá, Lý Sơn- Sa Huỳnh đã hội tụ những điều kiện cần của một công viên địa chất toàn cầu trong tương lai. Nhưng điều kiện đủ thì lại phụ thuộc vào động thái của chính người dân và chính quyền Quảng Ngãi.
 
Hiện Quảng Ngãi đang tập trung hoàn thiện và dự kiến nộp hồ sơ Công viên Địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh cho UNESCO tháng 11 tới. Sau đó, địa phương tiếp tục lập hồ sơ trình Ủy ban Di sản Quốc gia công nhận và trình lên Hội đồng Di sản thế giới để UNESCO công nhận Lý Sơn - Sa Huỳnh là Công viên Địa chất toàn cầu. 
 
Tuy nhiên, song song với công tác này, Quảng Ngãi vẫn cần nhanh chóng “lấp khoảng trống” cho Lý Sơn- Sa Huỳnh. Hiện có 81 vị trí di sản địa chất, văn hoá, tâm linh, phi vật thể nằm trong khuôn viên công viên cần bảo tồn và khai thác ngay. Bỏ ra nhiều năm công sức hoàn thiện hồ sơ để trình lên UNESCO, nhưng Quảng Ngãi lại “bỏ ngỏ” việc thành lập hệ thống chỉ dẫn địa lý, giới thiệu các cụm di sản, bảo tàng tự nhiên trong phạm vi công viên.
 
Công viên địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh có 81 điểm di sản cần được bảo tồn và khai thác phát triển du lịch mang tính bền vững
Công viên địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh có 81 điểm di sản cần được bảo tồn và khai thác phát triển du lịch mang tính bền vững
 
Ông Guy Martini – Tổng Thư ký Chủ tịch hội đồng Công viên địa chất toàn cầu, kiêm Tổng thư ký Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu khẳng định: “Không phải chờ khi được công nhận là công viên địa chất toàn cầu thì mới hình thành, xây dựng chỉ dẫn, thuyết minh di sản. Phải làm ngay, bảo tồn và khai thác du lịch để phát huy giá trị văn hoá đó”.
 
Ông Guy Martini cũng nói thêm, Quảng Ngãi cần thành lập trung tâm thông tin, tổ chức cho cộng đồng tại 81 điểm tham quan để người dân cùng tham gia bảo tồn, khai thác. Người dân tham gia và hưởng lợi từ công viên địa chất thì mới đạt được mục tiêu, ý nghĩa mà UNESCO đề ra khi công nhận một công viên mang tính toàn cầu.
 
Còn một trong những điều các nhà nghiên cứu lo ngại cho Lý Sơn- Sa Huỳnh chính là lực cản lớn từ sự ô nhiễm môi trường. Trong quá trình khảo sát, bên cạnh những trầm trồ vì giá trị địa chất hiếm có, vẫn xen lẫn những tiếng thở dài ngao ngán của các nhà khoa học.
 
Họ thực sự e ngại khi những giá trị địa chất triệu năm tuổi đang bị tác động tiêu cực bởi vấn nạn rác thải tràn lan, nhất là ở vùng lõi của di sản địa chất. Vùng biển Lý Sơn, Sa Huỳnh, Bình Châu... đang bị rác sinh hoạt của người dân và khách du lịch “tấn công”.  
 
“Một di sản rất đẹp ở ngay trước mắt nhưng nằm giữa những đống rác ngổn ngang. Vấn đề này nếu không được giải quyết thấu đáo, căn cơ thì thật sự khó, nhất là khi Lý Sơn – Sa Huỳnh đã được công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Công viên địa chất để phát triển du lịch thì không thể ô nhiễm, phải giải quyết vấn đề này” – PGS, TS Trần Tân Văn nhấn mạnh.
 
Tiềm năng lớn để được nâng tầm quốc tế, nhưng công viên địa chất Lý Sơn cần được lấp những
Tiềm năng lớn để được nâng tầm quốc tế, nhưng công viên địa chất Lý Sơn cần được lấp những "khoảng trống" mới có thể phát huy hết giá trị
 
Công viên địa chất giá trị với diện tích 4.600 km2 cũng đang đặt ra những trăn trở đối với chính quyền địa phương. Theo quy định, vùng lõi của công viên địa chất toàn cầu có ít nhất 20 di sản có giá trị được công nhận. Và các di sản ấy phải được bảo vệ nghiêm ngặt, không cho tác động. Trong khi đó, những vùng phụ cận của công viên bao gồm cả khu kinh tế, công nghiệp thì vẫn phát triển thương mại, sản xuất kinh doanh.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng cho hay: “Chúng tôi đang nỗ lực để hoạch định lại chính sách, tìm hướng đi bền vững hơn để đồng hành cùng cộng đồng, người dân. Phải xây dựng những giá trị mới khi Lý Sơn – Sa Huỳnh được công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Chính người dân hưởng thành quả trên những giá trị đấy”.
 
Phát triển kinh tế bền vững ngay giữa lòng công viên địa chất mà không tác động xấu đến những giá trị di sản. Bài toán này cần một lời giải thấu đáo. Để được công nhận là công viên địa chất toàn cầu thì Lý Sơn- Sa Huỳnh cần có sự trợ lực từ cộng đồng và những chính sách đúng đắn từ phía chính quyền.
 
Bài, ảnh: Khả Nhiên

.