Phát triển du lịch sinh thái gắn với di tích lịch sử

09:04, 11/04/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Là địa phương có nhiều di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh, huyện Nghĩa Hành đang tập trung khai thác thế mạnh để phát triển du lịch theo hướng  kết nối giữa du lịch sinh thái với các di tích lịch sử.
TIN LIÊN QUAN

Giàu tiềm năng du lịch

Huyện Nghĩa Hành được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh đẹp như: Suối Chí ở xã Hành Tín Đông; núi Kỳ Lân, suối nước nóng ở xã Hành Nhân, Hố Chình ở xã Hành Tín Tây... Mỗi thắng cảnh đều có vẻ đẹp hoang sơ, không khí trong lành, nằm ẩn mình bên các dãy núi lớn.
Di tích kiến trúc nghệ thuật đình An Định, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành).
Di tích kiến trúc nghệ thuật đình An Định, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành).


Với địa hình vừa có núi, có dải đất nằm thoai thoải trải dài bên các dòng sông Phước Giang, sông Vệ, Nghĩa Hành được chọn để xây dựng các căn cứ cách mạng trong kháng chiến. Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều di tích lịch sử như: Trụ sở Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ (thị trấn Chợ Chùa); Khu lưu niệm nơi làm lễ xuất quân tình nguyện Việt Nam - Lào (Hành Phước)...

Theo dòng du lịch gắn với di tích lịch sử ở Nghĩa Hành, du khách không chỉ hiểu hơn sự tài trí, nhãn quan tinh tường của người chọn lựa vị trí ưu việt để xây dựng Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ, mà còn nghe những câu chuyện kể về cuộc đời và sự nghiệp của chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng.

Huyện Nghĩa Hành đã đầu tư hàng tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, đồng thời gắn với việc mở rộng không gian tuyến, điểm du lịch của tỉnh. Trên địa bàn huyện hiện có 5 di tích cấp quốc gia và 15 di tích cấp tỉnh.

Nghĩa Hành còn có di tích đình An Định (Hành Dũng) được xây dựng từ rất lâu đời với kiến trúc nghệ thuật độc đáo; có di tích Trường Lũy trải dài từ phía bắc đến phía nam của huyện... Đến với vùng trung du Nghĩa Hành, du khách được đắm mình trong quang cảnh làng quê yên bình, thơ mộng.

Đặc biệt, du khách sẽ được tham quan, thưởng thức các loại trái cây như chôm chôm, sầu riêng, bưởi da xanh, chuối ngự... chẳng khác nào ở miệt vườn Nam Bộ; ăn những món ăn dân dã mang đậm hương vị của làng quê như bánh xèo, gỏi mít, sùng cát, cá lóc nướng trui, gỏi hoa chuối...

Ở huyện trung du này còn có các làng nghề thủ công truyền thống như làng nghề làm chổi đót ở xã Hành Thuận; "thủ phủ" trồng cây kiểng ở xã Hành Đức; nghề làm bánh tráng ở xã Hành Trung hay nuôi tằm ở xã Hành Nhân...

Kết nối các điểm đến

Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Bùi Đình Thời cho hay: Với tiềm năng, lợi thế về du lịch, huyện Nghĩa Hành đang kêu gọi đầu tư xây dựng các điểm đến, đa dạng các sản phẩm du lịch, trong đó chú trọng kết nối du lịch sinh thái, nhất là ở Suối Chí với các điểm du lịch lịch sử, tâm linh, nhằm đa dạng sản phẩm du lịch trong hành trình tham quan, trải nghiệm của du khách.

Trước hết, UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng khảo sát một số địa danh có tiềm năng phát triển du lịch để đề nghị UBND tỉnh xem xét, bổ sung các địa danh vào quy hoạch phát triển du lịch Quảng Ngãi như: Di tích Trụ sở Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ, di tích Trường lũy, khu lưu niệm nơi làm lễ xuất quân tình nguyện Việt Nam - Lào.
 
Huyện tiếp tục tạo môi trường thông thoáng để kêu gọi khảo sát đầu tư vào các thắng cảnh trên địa bàn; tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng; hình thành các vườn cây ăn quả tập trung có quy mô lớn thu hút du khách đến tham quan...
        
Bài, ảnh: M.HẠ

.