(Báo Quảng Ngãi)- Cồng chiêng là loại nhạc cụ độc đáo, là tiếng nói, tâm hồn của đồng bào Hrê. Thời gian gần đây, huyện Minh Long đã chú trọng truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Khơi dậy sức sống cồng chiêng
Anh Đinh Văn May, cán bộ Phòng VH-TT huyện Minh Long, cho biết: "Những ngày đầu mở lớp học, chúng tôi đã vận động, khuyến khích thanh niên có năng khiếu đánh cồng chiêng tham gia. Đồng thời, chúng tôi dành nhiều thời gian để giúp các em hiểu ra ý nghĩa của việc học cồng chiêng. Khi hiểu được ý nghĩa, không cần nhắc nhở, đến giờ tập là các em lại tập trung đông đủ để các nghệ nhân hướng dẫn".
Nghệ nhân Đinh Thô (bên trái) hướng dẫn các học viên cách đánh cồng chiêng. |
Để tạo niềm tin cho các thành viên của lớp học, huyện đã nhờ sự giúp đỡ của các nghệ nhân có uy tín, giỏi sử dụng nhạc cụ. “Mới đầu tôi dạy các bạn cách phân biệt, gọi tên từng chiếc chiêng trong một bộ. Sau đó dạy các bạn cách đánh sao cho đúng vị trí và giai điệu, cách chơi nhiều người cùng một lúc. Phải hướng dẫn tỉ mỉ từng động tác để học viên dễ hiểu và tiếp thu”, nghệ nhân Đinh Thô cho biết.
Để minh chứng cho lời nói của mình, nghệ nhân Đinh Thô đã tập hợp thanh niên trong làng đến nhà biểu diễn. Đúng như lời nói, những đôi tay đánh theo từng điệu nhạc, từng nhịp chiêng vang vọng của bài Chiêng Ca-oa. Khi tiếng chiêng vừa dứt, gương mặt ai cũng rạng ngời niềm tự hào. “Ngoài dạy thanh niên, vào dịp lễ, Tết hay họp khu dân cư, tôi cũng hay đánh các bài chiêng cho người dân, trẻ em xem, mọi người ai cũng hào hứng”, nghệ nhân Đinh Thô chia sẻ.
“Tiếp lửa” cho niềm đam mê
Khi tham gia học đánh cồng chiêng, anh Đinh Văn Kê, học viên của lớp, cho biết: "Khó nhất là đánh chiêng cho đúng điệu nhạc để tránh lạc nhịp với các thành viên khác trong đội. Lúc mới tập thấy khó, nhưng khi đánh thuần thục bài chiêng đầu tiên, mình lại muốn được học nhiều hơn". Còn anh Đinh Văn Minh, một thành viên khác của lớp, chia sẻ: "Lúc nào mình cũng phải lắng tai nghe, vì chỉ mất tập trung một chút thôi là không thể hòa nhịp theo cả dàn chiêng".
Sau một thời gian chăm chỉ luyện tập dưới sự chỉ dẫn nhiệt tình của các nghệ nhân, đến nay, các học viên đã có thể đánh thuần thục những bài chiêng truyền thống từ bài cơ bản đến bài khó nhất. Ngoài việc tổ chức dạy đánh cồng chiêng, huyện Minh Long cũng quan tâm, ưu tiên trang bị các loại chiêng, cồng, đó là nguồn động viên, khích lệ to lớn, giúp các bạn hăng say hơn trong việc gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.
Tiếng cồng, tiếng chiêng truyền thống giờ đây lại tiếp tục ngân lên trong các ngày hội lớn của làng. Sau những buổi làm việc vất vả, làng lại trở nên rộn ràng hơn bởi những tiếng cồng chiêng ngân vang. “Hiện nay, tất cả các thôn, xã đều có đội cồng chiêng thanh niên. Đây là cách làm thiết thực để gìn giữ và tiếp nối truyền thống văn hóa của cha ông để lại”, anh May nhấn mạnh.
Bài, ảnh: TRUNG ÂN