"Kho báu" từ những con tàu cổ

09:07, 17/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Con tàu cổ bị đắm ở vùng biển Dung Quất thuộc thôn Tuyết Diêm 3, xã Bình Thuận (Bình Sơn) được phát hiện cuối tháng 7.2017 khi đơn vị thi công nạo vét, thông luồng cảng biển và luồng quay tàu ở cảng Hào Hưng. Đây là con tàu thứ 7 được phát hiện trên vùng biển Quảng Ngãi.

TIN LIÊN QUAN

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cùng với Sở VH-TT&DL hiện đang khẩn trương triển khai công tác khai quật tàu cổ đắm tại vùng biển này.

Kết nối quá khứ và hiện tại

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Ngay trong khuôn viên của cảng biển Dung Quất đang phát triển kinh tế hết sức mạnh mẽ, lại có một công trình văn hóa khai quật tàu cổ xuất hiện. Điều này cho thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa quá khứ phát triển sầm uất và hiện tại".

 

Nhà sử học Dương Trung Quốc (thứ 2 từ phải sang) và các chuyên gia khảo cổ học hàng đầu trong nước khảo sát vị trí khai quật tàu đắm tại vùng biển Dung Quất..
Nhà sử học Dương Trung Quốc (thứ 2 từ phải sang) và các chuyên gia khảo cổ học hàng đầu trong nước khảo sát vị trí khai quật tàu đắm tại vùng biển Dung Quất..


Nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định, quá khứ trên vùng biển Bình Sơn khá sầm uất dựa vào số lượng tàu cổ bị đắm. Con tàu cổ bị đắm được phát hiện tại vùng biển Dung Quất là con tàu thứ 7 được phát hiện ở vùng biển Quảng Ngãi từ trước đến nay. Qua khảo sát, con tàu có chiều dài khoảng 20-30m, mạn tàu đã phát lộ, trên thân tàu có nhiều chồng gốm, như chén, đĩa, bát với nhiều kích cỡ và hoa văn khác nhau, có niên đại khoảng thế kỷ XV – XVI.

Trước đó, vào năm 2013 và 2014, ngư dân cùng các ngành chức năng trong tỉnh liên tiếp phát hiện 6 tàu cổ đắm, cùng hàng nghìn cổ vật ở vùng biển Vũng Tàu thuộc xã Bình Châu (Bình Sơn). “Trên cơ sở các hiện vật đã được khai quật, nhìn vào bản đồ cổ của Việt Nam, vị trí Quảng Ngãi nằm trên hải trình tấp nập nhất trong việc giao thương buôn bán mạnh mẽ với bên ngoài trên con đường tơ lụa, gốm sứ trên biển.

Điều này càng chứng minh vùng biển Bình Sơn là nơi neo đậu của các thuyền buồm trên hải trình, giao dịch thương mại và bị gặp nạn. Vì vậy, chúng ta càng thấy ý nghĩa về hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam, đó là dải biển nằm bên ngoài tạo hành lang an toàn nhất để cho những con tàu quốc tế có thể đi từ Châu Âu sang Châu Á và ngược lại, lên Bắc và xuống Nam Thái Bình Dương. Điều đó thể hiện rất rõ, Việt Nam là một phần cấu thành của hàng hải quốc tế”, ông Dương Trung Quốc nhận định.

Hiện nay, tàu cổ bị đắm ở Dung Quất đang được khai quật. Đây sẽ là cơ sở để các nhà nghiên cứu làm rõ thêm các giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất Quảng Ngãi trong quá khứ và hiện tại.

Giữ cho muôn đời sau

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, TS.Nguyễn Văn Cường cho biết: So với 6 con tàu cổ phát hiện trước đây, thì con tàu cổ ở vùng biển Dung Quất tiến hành khai quật thuận lợi hơn. Trước đây, do thiếu kinh phí nên việc khai quật tàu cổ đều dựa vào các chuyên gia nước ngoài; các tài sản văn hóa không đảm bảo tính nguyên vẹn. Điều đau xót là nhiều cổ vật có giá trị sau khi được trục vớt đem ra đấu giá, để chi phí cho khai quật và bảo quản.

Đối với tàu cổ đắm ở vùng biển Dung Quất, sau khi phát hiện Chính phủ đã hỗ trợ kinh phí 48 tỷ đồng, để tiến hành khai quật. Suốt một năm qua, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cùng với các ngành chức năng đã nỗ lực để hoàn thành các phương án, quy trình khảo cổ học, nhằm đảm bảo tính logic khảo cổ học, lịch sử... Việc khai quật do các chuyên gia khảo cổ học dưới nước Việt Nam thực hiện.

Sau khi khai quật, toàn bộ hiện vật thu được sẽ lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, nhằm chứng minh Quảng Ngãi nói riêng và Việt Nam nói chung có vị trí, vai trò quan trọng trong con đường giao lưu quốc tế trên Biển Đông và khẳng định chủ quyền biển, đảo của nước ta. Qua đó góp phần giáo dục cho con, cháu muôn đời sau về ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.


Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.