(Báo Quảng Ngãi)- Dân ca bài chòi miền Trung vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tuy nhiên, cũng như các tỉnh trong khu vực, thời gian qua, loại hình nghệ thuật này ở tỉnh ta vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, loại hình nghệ thuật bài chòi phát sinh từ cuộc sống lao động, sản xuất của người dân. Người hát luôn có tính sáng tạo, nội dung xuất phát từ tâm tư, tình cảm trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày... Sau này, loại hình nghệ thuật này được biến tấu thành trò chơi dân gian, kết hợp khéo léo với cả thơ, nhạc, hát, diễn xướng, ứng tác... mang tính nghệ thuật diễn xướng dân gian đặc sắc.
Nhân rộng niềm đam mê bài chòi
Vì yêu bộ môn nghệ thuật bài chòi mà Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố Trịnh Công Sơn lấy ngôi nhà của mình (ở phường Lê Hồng Phong, TP.Quảng Ngãi) làm nơi hoạt động của trung tâm. Hằng ngày, lời ca, tiếng hát bài chòi ở ngôi nhà nhỏ này vẫn cứ vang lên. Hiện nay, vợ chồng ông Trịnh Công Sơn đang luyện tập cho Câu lạc bộ bài chòi của Bộ CHQS tỉnh.
Dân ca bài chòi cần được đầu tư để bảo tồn và phát triển hơn nữa. |
Ông Trịnh Công Sơn và vợ là bà Trần Thị Mỹ Lệ, cả hai từng giữ vai “đào kép” trong các vở tuồng bài chòi của Đoàn Dân ca, kịch bài chòi tỉnh Nghĩa Bình cũ. Họ đến với nhau cũng xuất phát từ niềm đam mê bài chòi. Tuy nhiên, theo thời gian, loại hình nghệ thuật này không có nơi để diễn xướng nên đã tự tan rã. Năm 2013, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố được thành lập, với hơn 40 thành viên tham gia. Vợ chồng ông Sơn đã tìm mọi cách để duy trì. Bên cạnh mở lớp dạy cho các câu lạc bộ ở các đơn vị có nhu cầu, vợ chồng ông Sơn còn đến các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên... tham gia viết kịch bản, dạy hát bài chòi. Mỗi lần có đợt thi dân ca bài chòi ở tỉnh bạn, ông lại tích cực luyện tập cho đội dân ca bài chòi Quảng Ngãi và luôn đạt giải cao.
“Qua những lần thi dân ca bài chòi ở các tỉnh, dân ca bài chòi Quảng Ngãi luôn được đánh giá có bản sắc riêng. Nếu biết cách bảo tồn và gắn với phát triển du lịch thì chắc chắn bài chòi sẽ có đất sống”. Nguyên Trưởng Đoàn Dân ca kịch bài chòi tỉnh Nghĩa Bình, nhà viết kịch, nhà thơ NGUYỄN THẾ KỶ |
Cần sự vào cuộc của chính quyền
Ông Trịnh Công Sơn cho rằng, để gìn giữ và phát huy giá trị của di sản dân ca bài chòi rất cần sự quan tâm của tỉnh và các ngành chức năng. Cần có kế hoạch mở các câu lạc bộ bài chòi trong các hội, đoàn thể và trường học...
Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca bài chòi xã Bình Thuận (Bình Sơn) Nguyễn Thực cho biết, hiện câu lạc bộ có 31 thành viên, với độ tuổi từ 14 - 88 tuổi, hoạt động bằng niềm đam mê. Kinh phí hoạt động chủ yếu lấy từ tiền đoạt giải tại các đợt thi dân ca bài chòi. Tuy vậy, để loại hình nghệ thuật này sống được trong lòng quần chúng rất cần sự hỗ trợ kinh phí để dựng chòi, mua sắm trang phục, đạo cụ, bồi dưỡng diễn viên, người dạy.
Được biết, UBND tỉnh vừa có kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 – 2020. Đây là cơ hội để bài chòi "sống lại", trở thành món ăn tinh thần trong đời sống của người dân. Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Ngọc Thái, nếu tỉnh có chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị bài chòi ngay từ trong nhà trường, ngành giáo dục sẽ sắp xếp, phân bổ thời gian để đưa loại hình dân ca này vào giảng dạy trong 20% chương trình giáo dục địa phương.
Bài, ảnh: MAI HẠ