Đua thuyền: Nét văn hóa đặc sắc vùng sông nước

07:02, 24/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi độ Tết đến, Xuân về, một số địa phương ven biển và vùng sông nước trong tỉnh đã tổ chức hội đua thuyền. Đây không chỉ là sân chơi thể thao bổ ích, tạo khí thế sôi nổi trong những ngày đầu năm, mà còn là nét văn hóa đặc trưng của cư dân vùng ven sông, ven biển của tỉnh.

TIN LIÊN QUAN


Nằm dọc dải đất miền Trung, Quảng Ngãi có nhiều sông ngòi chia cắt và có đến khoảng 130km bờ biển. Từ lâu, cư dân sinh sống vùng sông nước này đã có những nét văn hóa đặc trưng riêng. Từ trong lao động sản xuất, đánh bắt, khai thác hải sản, các thế hệ cha ông đã sáng tạo ra nhiều hình thức vui chơi, giải trí, mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng vùng miền. Hoạt động đua thuyền dịp đầu năm là một trong những trò chơi, góp phần gắn kết cộng đồng, cùng nhau vươn lên xây dựng cuộc sống mới.  

Đua thuyền ở Lý Sơn.                                         ẢNH: T.L
Đua thuyền ở Lý Sơn. ẢNH: T.L


Hoạt động đua thuyền ngày xuân thường quy tụ rất nhiều đội. Mỗi đội có từ 20 - 30 vận động viên được chọn lựa từ những người có tay chèo giỏi, thanh niên có sức khỏe trong làng. Mỗi đội có người chỉ huy, có người lái ở đuôi và có người ở giữa tát nước. Số người còn lại được bố trí hai bên thuyền.

Sáng Mùng 2 Tết, trên sông Trà Bồng, trong tiếng trống thúc giục vang lên, chúng tôi được thưởng ngoạn 20 tay đua của hai đội trong thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận (Bình Sơn) so tài trong sự hò reo cổ vũ của hàng trăm người dân trong và ngoài xã.

Trong bán kính 200m, với kỹ thuật nhuần nhuyễn, hai đội đã thi đấu rất kịch tính. Nhiều kỹ thuật chèo đẹp mắt được tung ra càng khuấy động thêm không khí sôi nổi vùng sông nước. Ở phía bờ những cổ động viên là những người cha, người chị, mẹ và các con cùng nhau hò reo theo nhịp thuyền lướt trên sóng nước. Ông Nguyễn Văn Thành, ở thôn Tuyết Diêm 1, bộc bạch: “Hai đội đều có kỹ thuật ngang tài. Sự phối hợp nhịp nhàng, hài hòa của các thành viên trong đội cùng với sự cổ vũ khích lệ của người dân, khiến cuộc thi thêm phần hấp dẫn”.
 

Thực hiện tinh thần chỉ đạo của tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, những năm qua, cùng với việc phục hồi các hoạt động lễ hội văn hóa dân gian, vào dịp Tết đến, Xuân về, Sở VH-TT&DL tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống ở các vùng sông nước trong tỉnh. Các địa phương thường xuyên tổ chức và duy trì nét đẹp văn hóa này là Sa Huỳnh (Đức Phổ), Đức Lợi (Mộ Đức), Bình Sơn, TP.Quảng Ngãi và Lý Sơn...

Còn tại cửa biển Đức Lợi (Mộ Đức), từ sáng sớm Mùng 4 Tết, các bậc cao niên, trưởng vạn, nhân dân trong xã đã tập trung tại điểm xuất phát đua thuyền để chuẩn bị làm lễ. Hương đèn, hoa quả cùng các loại bánh Tết truyền thống... được bày biện tươm tất, vun đầy, thể hiện lòng thành kính, mong ước của ngư dân có một năm bội thu. Sau khi xong các nghi thức cúng tế, hồi trống lệnh vang lên, các tàu cá giương cờ xuất hành ra khơi ngay ngày đầu năm. Đây cũng là lúc các đội thi lắc thúng, đua ghe và đan lưới bước vào phần thi sôi nổi.

Lễ hội đua thuyền còn mang ý nghĩa tâm linh. Bởi trò chơi này gắn liền với nghề lao động của cư dân vùng sông nước. Vì vậy, trong mỗi đường đua, những trận thắng các thành viên trong đội đều gửi gắm niềm mong muốn làm ăn thuận lợi, đánh bắt bội thu. Chính lẽ đó mà trước khi bước vào đường đua, những chiếc thuyền còn trang trí hình biểu tượng của các con vật như: Lân, long, quy, phụng; có đội còn chuẩn bị lễ vật.  

Trưởng vạn thôn An Chuẩn Phan Thanh (80 tuổi), cho biết: Lễ ra quân đánh bắt đầu năm là lễ hội truyền thống của bà con nơi đây để cầu mong một năm trời yên, biển lặng, đánh bắt bội thu... Qua đó, gắn kết cộng đồng và gìn giữ, phát huy các trò chơi dân gian. Ngày trước, thường tổ chức lễ hội đua thuyền, mỗi thuyền rồng có cả chục thanh niên trai tráng tham gia, giờ thì biến tấu đơn giản hơn là đua ghe, lắc thúng... nhưng cũng không kém phần hấp dẫn.

Ở phần thi lắc thúng, đua thuyền góp phần nâng cao kỹ thuật đánh bắt cho ngư dân, thì phần thi đan lưới của các cô, các chị ở làng chài thể hiện được sự khéo léo, nhanh nhẹn nhằm tạo ra sản phẩm bền chắc để làm phương tiện đánh bắt khơi xa. Chị Nguyễn Thị Thúy Vy, ở thôn Kỳ Tân (Đức Lợi), cho biết: Cả gia đình tôi đến đây từ 6 giờ sáng để chờ đợi xem và cổ vũ mọi người tham gia thi. Những hội thi như thế này góp phần tạo nên không khí rộn ràng, tươi vui cho ngày đón Tết, vui Xuân”.  

Lễ hội đua thuyền hằng năm đã đi vào tiềm thức của bao cư dân vùng sông nước. Bộ môn này vừa mang tính chất giải trí, vừa giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương; đồng thời là dịp để người dân thể hiện tình đoàn kết, gửi gắm niềm tin trước sóng gió biển khơi.


    PV


 


.