(Báo Quảng Ngãi)- Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) ở tỉnh ta đã góp phần làm thay đổi những miền quê. Cái khó, cái nghèo ngày một lùi xa, nhường chỗ cho sự trù phú và thanh bình.
Cuộc vận động này, theo thời gian ngày càng đi vào thực chất và có chiều sâu. Mỗi một địa phương đều có cách làm riêng, nhưng lại có điểm đến chung nhất là, xây dựng được nếp sống văn hóa trong mỗi gia đình, thôn, tổ dân phố; đồng thời là cơ sở để xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
Về với những vùng quê thanh bình
Sau những ngày rét lạnh, mưa phùn, nắng hanh vàng làm sáng rực cả làng quê. Chúng tôi về thôn Vĩnh Bình, xã Phổ Ninh (Đức Phổ) khi người dân nao nức chuẩn bị đón một năm mới. Những đứa trẻ trong thôn cũng vui không kém khi có khu vui chơi trong nhà văn hóa thôn. Dọc hai bên đường, lúa đông xuân, rau màu đang lên xanh mơn mởn, nhà cửa khang trang minh chứng cuộc sống no đủ trên vùng quê thuần nông này.
Một góc làng quê ở xã Bình Dương (Bình Sơn) hôm nay. Ảnh: MH |
Trưởng KDC Phú Thọ, thôn Vĩnh Bình Phạm Văn Chinh, phấn khởi, kể: “Có 97% hộ gia đình trong KDC được công nhận gia đình văn hóa. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, đường giao thông từng bước được bê tông, cánh đồng sản xuất được dồn điền đổi thửa. Nhìn chung, điều kiện sản xuất, đi lại đã được cải thiện rất nhiều. "Điều rất vui là, với sự tham gia tích cực của người dân, nên thôn đã giữ vững danh hiệu thôn văn hóa 15 năm liền", ông Chinh cho biết.
Nhiều vùng quê khác ở Quảng Ngãi cũng có nhiều khởi sắc. Ở nơi cuối con sông Trà Bồng, xã Bình Dương (Bình Sơn) vẫn luôn giữ vững danh hiệu xã văn hóa từ nhiều năm nay. Người dân đã chung sức, đồng lòng, đóng góp trên 19 tỷ đồng, để xây dựng các công trình chợ, kè, công viên, cầu Bà Dầu vượt qua sông Trà Bồng, nối liền 2 xã Bình Dương và Bình Thới, với chiều dài gần 200m. Người dân còn góp tiền xây dựng cổng làng, tu sửa vạn chài Đông Yên, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, đầu tư đóng mới tàu thuyền công suất lớn... Bí thư Đảng ủy xã Bình Dương Lê Minh Chính, cho biết: Chủ trương xây dựng KDC tiên tiến, xây dựng thôn văn hóa để góp phần xây dựng xã nông thôn mới được người dân hưởng ứng và tham gia tích cực.
Phong trào “TDĐKXDĐSVH” đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và nâng cao dân trí, mở rộng dân chủ. Diện mạo nông thôn và đô thị trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc. Toàn tỉnh có hơn 275 nghìn/324 nghìn hộ gia đình; gần 910/hơn 1.100 thôn, tổ dân phố; hơn 1.700/1.900 cơ quan đạt chuẩn văn hóa. Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TRẦN XUÂN TIÊN |
Khi người dân đồng lòng
Phó Trưởng Phòng VH-TT huyện Đức Phổ Trương Thị Hương, tự hào kể: Trên địa bàn huyện có nhiều thôn đạt thôn văn hóa 15 năm liền. Có được kết quả này là nhờ người dân đồng lòng, vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu chi ủy, thôn, Ban công tác Mặt trận và các hội, đoàn thể ở địa phương...
Thôn văn hóa Vĩnh Bình, xã Phổ Ninh đạt thôn văn hóa 15 năm liền có sự đóng góp của ông Nguyễn Kính - có thâm niên hơn 30 năm làm trưởng thôn. Ông Kính cho biết: Trước đây, cuộc sống của người dân thôn Vĩnh Bình gặp nhiều khó khăn, phần lớn là đường đất, sản xuất manh mún, môi trường ô nhiễm... Nhưng kể từ khi phát động phong trào “TDĐKXDĐSVH”, người dân đã có nhiều thay đổi trong sản xuất, chăn nuôi, tham gia tích cực các phong trào thi đua ở địa phương nên diện mạo làng quê có nhiều khởi sắc như ngày hôm nay.
Nghĩa Hành là huyện điểm trong xây dựng huyện nông thôn mới của tỉnh. Do đó, trong những năm qua, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị tham gia có hiệu quả trong phong trào “TDĐKXDĐSVH”. Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Bùi Đình Thời, cho rằng: Huyện đã thực hiện 6 giải pháp trọng tâm, trong đó chú trọng lồng ghép phong trào “TDĐKXDĐSVH” vào các cuộc họp quan trọng của huyện, xã; các hội đoàn thể ở thôn. Kiện toàn Ban chỉ đạo phong trào và giao việc cụ thể cho từng cán bộ, bám sát và lắng nghe nhân dân để thực hiện các phong trào thi đua. Đến nay, huyện có gần 20.000/23.600 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa; gần 80/84 thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa và có 9/11 xã đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”.
MAI HẠ