(Báo Quảng Ngãi)- Trải qua thời gian dài do sự tác động của thiên nhiên, sự tàn phá của chiến tranh, đình làng Phú Khương, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) xuống cấp nặng nề. Trước thực trạng đó, người dân thôn Phú Khương đã đồng lòng góp sức xây dựng lại ngôi đình của làng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sau khi huy động được 250 triệu đồng từ 228 hộ dân và các mạnh thường quân đóng góp, người dân thôn Phú Khương đã cùng nhau góp công tiến hành xây mới lại đình làng trên diện tích hơn 50m2. Tuy đây không phải là di tích cấp tỉnh, nhưng nó tượng trưng cho nét văn hóa tâm linh của địa phương, nên người dân quyết tâm bảo vệ, giữ gìn.
Giữ lại giá trị văn hóa
Đưa chúng tôi đi tham quan những gì còn lại của ngôi đình cổ, ông Bùi Tấn Khoa, người coi quản ngôi đình cho biết: “Chẳng biết đình này có từ đời nào, nhưng tôi chắc rằng nó có tuổi đời khá cao. Các tường, trụ, bài vị... trong đình đều bài trí theo kiểu cổ xưa và được xây dựng bằng các chất liệu đá khối. Hiện giờ trong đình cổ còn bảy bàn thờ lớn nhỏ, thờ các vị thần hoàng làng, chuyên cai quản và phù hộ cho dân làng...”.
Cổng đình làng Phú Khương hiện nay. |
Cũng theo ông Khoa, đình cổ Phú Khương từng là căn cứ địa cách mạng của chiến sĩ và nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến. Đặc biệt với những trận đánh lớn, thì nơi đây là kho vũ khí và kho lương thực của cách mạng. Chính vì thế, những gì còn sót lại của đình làng Phú Khương đều được người dân ở đây trân trọng, gìn giữ.
“Chẳng biết đình này có từ đời nào, nhưng tôi chắc rằng nó có tuổi đời khá cao. Các tường, trụ, bài vị... trong đình đều bài trí theo kiểu cổ xưa và được xây dựng bằng các chất liệu đá khối. Hiện giờ trong đình cổ còn bảy bàn thờ lớn nhỏ, thờ các vị thần hoàng làng, chuyên cai quản và phù hộ cho dân làng...”. Ông BÙI TẤN KHOA, người coi quản ngôi đình Phú Khương. |
“Hiện giờ cái đình cũ còn lại 3 tấm vách đá và bàn thờ, bài vị của các vị thần. Từ khi đình sụp đổ, chúng tôi quyết giữ lại tất cả bằng cách rào chắn, không cho trẻ con phá. Sau đó, chúng tôi quyết định xây ngôi đình mới sát bên đình cũ, dựa trên hình mẫu ban đầu của nó”, ông Khoa cho biết thêm.
Thành công từ sự đồng thuận
Đối với người dân thôn Phú Khương, việc bảo tồn và xây dựng đình làng là một việc làm xuất phát từ tâm nguyện của nhiều người dân. Vì đây không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh mà còn là nơi hội tụ, gắn kết của các thế hệ, để con cháu thể hiện lòng tôn kính, biết ơn công đức của tổ tiên.
Để tôn tạo, phát huy những giá trị lịch sử của di tích, lãnh đạo thôn đã tổ chức họp, tuyên truyền, vận động để người dân tích cực hưởng ứng. Các gia đình, dòng họ trở thành cầu nối để trưởng thôn, trưởng xóm liên hệ vận động, kêu gọi những người con xa quê thể hiện trách nhiệm và tình cảm của mình đối với quê hương. Bởi thế, ngay từ lúc mới huy động, nhiều người đã cùng chung tay, góp sức. Nhờ tích cực vận động, nên chỉ riêng ông Trần Văn Trường (nguyên trưởng thôn Phú Khương) đã quyên góp được hơn 60 triệu đồng.
Những phế tích của đình làng cũ được bà con thôn Phú Khương giữ gìn, bảo vệ. |
Bà Trần Thị Thái, ở xóm Cát, thôn Phú Khương tự hào nói: "Ngôi đình làng này tôn tạo, xây dựng đẹp, bề thế như ngày hôm nay là có sự đóng góp rất lớn của người dân chúng tôi và những người con xa quê hương...".
Bí thư Đảng ủy xã Hành Tín Tây Đào Thanh Minh cho biết: “Sau khi nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con Phú Khương muốn xây dựng lại đình làng, chính quyền xã thống nhất để bà con thực hiện. Điều đáng mừng là, bà con đã tự huy động kinh phí để xây dựng. Đây là một trong những cách làm hay và là tâm nguyện của đông đảo người dân ở địa phương”.
Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU