Người lưu giữ "tinh hoa" của đồng bào Cadong

03:07, 25/07/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Những nhạc cụ của người Cadong ông đều rành rõi, biết sử dụng để biểu diễn và chịu khó tìm tòi, chế tác lại. Đó là già làng Đinh Thanh Sơn, thôn Nước Min, xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây.

TIN LIÊN QUAN


Nhạc cụ là “cơm ăn, nước uống”…

Nhà già làng Đinh Thanh Sơn nằm cạnh con suối Min thơ mộng, bình lặng. Cái địa danh được gắn cho cả thôn. Thuở nhỏ, cậu bé Sơn đã có “duyên” với các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Từ những buổi dạo chơi cùng cha ra suối Min bắt cá, hay những lần đi rẫy, Sơn luôn mang theo chiếc đàn brooc và cây sáo bên mình.

Cứ thế, trong chốc lát nghỉ ngơi, ngồi trên vách đá, hay dưới tán cây lâu năm mát rượi, Sơn được thưởng thức những thanh âm trong trẻo phát ra từ những nhạc cụ mà cha mình thổi rồi đem lòng yêu mến nó.

Rồi sáo hay đàn Brooc đã thành “tri kỷ” của Sơn. Nhiều lần tung tăng cùng bạn ở rừng sâu bị lạc, nhờ tiếng sáo ngân vang của cha mà Sơn tìm được về nhà.

Người ta có câu “lạc đường theo chó, lạc ngõ theo trâu” nhưng Sơn thì lại theo một sự chỉ dẫn khác, đó là sự cảm thấu đặc biệt với sáo, đàn, các loại nhạc cụ của người Cadong.

 

Ông Sơn thành thạo nhiều loại nhạc cụ của người Ca dong.
Ông Đinh Thanh Sơn (giữa) thành thạo nhiều loại nhạc cụ của người Ca dong từ sự truyền dạy của gia đình và nhiều thế hệ dân làng đi trước.

 

Nhận thấy cậu con trai của mình có “cơ duyên”, cha ông cùng các già làng khác trong thôn đã thay phiên nhau truyền thụ tất cả những kỹ nghệ về loại nhạc cụ này.

Ông Sơn hồi ức: “Tôi vẫn nhớ như in cái hồi mình mười tám, đôi mươi. Dưới bóng trăng sáng ngần trải xuống nóc nhà, thấy rõ một vùng núi xa xa, tôi ngồi bên cha, học đệm những tiếng đàn theo lời hát của mấy chị, mấy mẹ một cách hồn nhiên nhất”. Nói xong, ông cười một tràng dài tỏ vẻ khoái chí.

“Tiếng đàn cũng như tiếng “đời”, hội đủ vui, buồn, yêu, ghét. Khi vui thì tiếng đàn thánh thót, êm tai như tiếng chim hót; khi buồn thì âm thanh u uất, còn khi oán giận thì như dòng suối Min kia ào ào chảy về xuôi như muốn cuốn đi mọi thứ về phía hạ nguồn. Bởi vậy, nếu ai đủ hiểu về nó thì nghe người ta đánh cũng đủ biết tâm trạng thế nào”- ông Sơn chia sẻ.

Năm nay, ông Sơn đã đi qua 46 mùa lúa rẫy. Ở cái tuổi không còn trẻ ấy, ông vẫn dành hết tâm can của mình cho nhạc cụ, ví như “cơm ăn, nước uống” hằng ngày không thể thiếu.

“Mỗi ngày không đem nhạc cụ ra chơi, ngày đó thấy trống vắng vô cùng. Chỉ hôm nào bận quá hoặc đau ốm mới đem chúng treo tường, bỏ tủ”, ông bộc bạch.

Quả thật, ông Sơn có thể chơi thành thạo các loại nhạc cụ như a khung (hay còn gọi là đàn Tơrưng), các loại brooc krau, brooc tru, brooc a khung…  Với brooc, ông đã đạt tới độ tuyệt đỉnh, chẳng giai điệu nào không chơi được.

 

Đàn brooc là loại nhạc cụ truyền thống ông yêu thích nhất. Không chỉ am hiểu, sử dụng thành thạo, ông còn biếc chế tác nhạc cụ.
Đàn brooc là loại nhạc cụ truyền thống ông yêu thích nhất. Không chỉ am hiểu, sử dụng thành thạo, ông còn biếc chế tác nhạc cụ.


Như minh chứng cho tài năng của mình, ông Sơn với tay lên tường nhà lấy xuống một chiếc đàn brooc sẫm màu thời gian. Một bên đàn vốn nhẵn mịn, láng cóng do tiếp xúc nhiều với da người.

Ông Sơn đặt những ngón tay thô ráp lên dây đàn, rồi so cung. Brooc thường được khảy để tiễn hoàng hôn. Âm vực sâu lắng của tiếng brooc như  bắt đầu... Bên tách trà, ông cùng khách và một vài bậc cao niên như say sưa, phiêu cùng tiếng đàn. Màu nắng cuối ngày như đỏ quạch, tiếng rừng rầm rì, đen thẫm... Hoàng hôn nơi rừng sâu như cô quạnh hơn, con người cũng cảm thấy nhỏ bé đến kỳ lạ.

Ông cho hay, người Cadong sử dụng nhạc cụ này phần lớn là để trải lòng với thiên nhiên. Tuy brooc có cấu tạo đơn giản, gần giống với đàn bầu nhưng không dễ sử dụng. Nếu không có tấm lòng của con người thì tiếng đàn trở nên lạc lõng, cô độc.

Không chỉ chơi thành thạo, khác với nhiều người, ông còn biết cách chế tác nhạc cụ. Cách tự làm cây đàn cho mình, hồi đó ông cũng được cha dạy cho từng tý một.

Nói rồi ông làm thử một cây đàn brooc cho khách lạ xem từ quả bầu khô khoét rỗng ruột và một ống lồ ô dài hơn sải tay, và lấy dây dưới là dây đàn… Mọi thao tác đều thành thạo và nhuần nhuyễn trong vòng nửa giờ đồng hồ khi có sẵn dụng cụ, vật liệu.

“Hiện nay, trung tâm văn hóa huyện vẫn còn lưu giữ một số cây đàn do chính tay tôi làm để trưng bày cho du khách đến tham quan. Khi huyện có sự kiện biểu diễn mà thiếu nhạc cụ, tôi luôn sẵn sàng, không ngại khó để làm đàn cho các nghệ nhân, người chơi nhạc cụ sử dụng”, ông nói.

Khát vọng lưu truyền

Ở địa phương, ông Sơn còn được biết đến là người biết sáng tác, phổ nhạc bài hát. Bài mới đây ông thực hiện là “Sơn Mùa ngày mới”, ca ngợi khung cảnh thiên nhiên ở quê hương nơi ông sinh ra vào buổi sáng bình minh. Ngoài ra, ông còn biết đánh các loại chiêng. Trong nhà ông, hiện vẫn còn lưu giữ vài bộ chiêng lớn, nhỏ khác nhau với khoảng 13 cái chiêng.

Nhà ông Sơn còn lưu giữ nhiều bộ chiêng quí của người Ca dong.
Nhà ông Sơn còn lưu giữ nhiều chiêng quý của người Ca dong.

Hơn nửa đời người, với ông không gì quý hóa hơn khi được là thế hệ “hậu duệ” trong làng gìn giữ được những giá trị tinh hoa của người Cadong.

Sự ghi nhận lớn nhất là niềm tin của dân làng, địa phương dành cho mình. Những lần đứng trên các sân khấu khi có sự kiện biểu diễn ở xã, huyện, tỉnh… với ông đó là tất cả niềm tự hào.

“Phải nói sự đóng góp của ông Sơn trong phong trào văn nghệ địa phương rất đáng ghi nhận. Suốt nhiều năm qua, trong mọi hoạt động biểu diễn ở huyện, tỉnh, ông luôn là hạt nhân đại diện được lựa chọn đầu tiên của xã, huyện”, ông Đinh Xuân Bình- Chủ tịch UBND xã Sơn Mùa nhấn mạnh.

Ông khoe, sắp tới đây, huyện có dự định mở các lớp truyền dạy nhạc cụ giới trẻ. Sau khi có kế hoạch cụ thể, ông sẽ được mời về huyện để truyền dạy cho các thế hệ sau này. 

“Mong ước lớn nhất của tôi bây giờ là được truyền dạy cho con cháu đời sau như chính cha tôi, và những bậc cao niên trong làng đã từng truyền lại cho mình. Bởi ca dao, dân ca, hay giai điệu của nhạc cụ, tiếng chiêng… là cả cái hồn của người Cadong”, ông bày tỏ.

Chiều như đã nhạt dần nơi rừng sâu, tiếng kêu của côn trùng bắt đầu rộn rã. Chúng tôi tạm biệt ông Sơn khi ông vẫn còn cặm cụi lau từng cái chiêng, sửa soạn lại cây đàn brooc để khi nào có dịp đại diện cho xã, huyện tham gia các hoạt động văn hóa thì đem ra dùng cho mới. Tiếng brooc thi thoảng cất lên khắp thôn Nước Min như nói hết nỗi niềm mong mỏi truyền lại những tinh hoa của đồng bào Cadong cho thế hệ sau...


                                                                                                                                   Bài, ảnh: Thiên Hậu
 

 


.