"Bà Dứa dân ca" ở nóc Ka La

03:04, 15/04/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hi” nhưng bà Đinh Thị Dứa ở nóc Ka La, thôn Nước Min, xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây vẫn còn khá minh mẫn. Bà chơi thành tạo và chế tác được các loại nhạc cụ như đàn Brooc, sáo Tà lía, đàn Ra ngói và được mệnh danh là “thư viện” dân ca của đồng bào Ca Dong xứ ngàn cau.
 
 
“Chong đèn nghe bà Dứa hát dân ca”
 
Câu chuyện có thật ấy đã diễn ra ở khu dân cư nóc Ka La vài chục năm nay. Cứ tầm khoảng 6 giờ chiều, là các hộ sống quanh nhà bà Dứa lại rủ nhau ra ngồi trước hiên nhà, gióng tai về phía đang ngân vang giọng hát của nghệ nhân này.
 
Làn điệu Ka choi, Ka lêu du dương, lúc trầm lúc bổng, hòa cùng tiếng đàn thánh thót như dòng suối chảy róc rách khiến ai nấy đều cảm thấy mình hiện diện trong điệu hát đó. Thấy cả sự buồn vui của cuộc đời, thế sự.
 
Ông Đinh Văn Thằng, 40 tuổi, người sống cùng thôn với bà Dứa kể lại rằng, ngày trước, khi ở đây còn hiu quạnh, điều kiện sống thiếu thốn. Điện vẫn chưa về với thôn. Các loại hình giải trí hiện đại như ti vi, đầu máy, điện thoại chưa thịnh hành thì giọng hát của bà được xem là nguồn sống tinh thần của người dân. Bà được ví như “đốm lửa hồng” luôn rực cháy nơi đại ngàn.
 
Bà Dứa trổ tài hát dân ca.
Bà Dứa trổ tài hát dân ca.
 
Lúc chúng tôi đến, bà Dứa còn ở nhà chưa lên rẫy. Trước sự tò mò của khách, để khẳng định tài nghệ của mình, bà quay sang vớ cây đàn Brooc treo lủng lẳng trên tường, dùng những ngón tay thô ráp, chai sạn căn chỉnh, so cung rồi lần lượt thể hiện những điệu hát Ka choi, Ka lêu với hàm ý chào mừng khách lạ đến thăm, ca ngợi tình yêu đôi lứa, núi rừng hùng vĩ…
 
Âm vực của tiếng đàn khiến cho những ai lắng nghe đều thốt lên rằng “hay quá”. Dứt bài hát, dừng tiếng đàn, bà nói với chúng tôi bằng tiếng Kinh: “Người Ca Dong sử dụng những nhạc cụ, điệu hát này thường là để trải lòng mình với thiên nhiên, cuộc sống. Đàn Brooc trông dễ sử dụng nhưng người chơi không có tâm hồn thì tiếng đàn, giọng hát khó hòa quyện vào nhau. Nó lẻ loi và cô độc lắm!”.
 
Ngoài khả năng chơi thành thạo các loại nhạc cụ truyền thống của người Ca Dong, hát các điệu dân ca, bà Dứa còn có thể sử dụng được rất nhiều nhạc cụ khác. Trong chiếc gùi bà vẫn thường mang đi rẫy, lúc nào cũng có các nhạc cụ gọn, nhẹ như đàn Ra Ngói (kèn môi), sáo Tà Lía…
 
Đặc biệt là đàn Ra Ngói, nó vẫn được bà sử dụng khi muốn liên hệ với những người thân khi đi rẫy. Bà cho biết, khi xưa chiếc đàn này thường được đồng bào vùng dùng vào việc thông báo cho bản làng biết khi người đi săn được thú, cần người làng giúp khiêng về, ngoài việc tạo ra những âm thanh trong trẻo như tiếng chim hót. Có thể nói, bà khá am tường văn hóa của dân tộc mình.
 
Khát vọng lưu truyền
 
Bà Dứa còn có khả năng chế tác các loại nhạc cụ. Ngoài ra, bà còn biết may váy áo và làm các loại trang sức vòng, kiềng của dân tộc Ca Dong. “Nhạc cụ do bà chế tác được đánh giá là âm phát ra chuẩn, hình thức đẹp mắt, phù hợp với biểu diễn, giữ được nét nguyên bản vốn có”, anh Đinh Văn Thung - Cán bô phụ trách văn hóa xã hội xã Sơn Mùa, cho biết.
 
Bà thừa nhận mình không phải là người có khả năng bẩm sinh mà tất cả là do sự cần cù, chịu khó của bản thân. Ở độ tuổi trăng rằm, bà đã tìm cách tiếp cận và đi sâu nghiên cứu các loại nhạc cụ, điệu hát dân ca cũng như trang phục của người Ca Dong. “Một phần cũng là nhờ ông bà, các mẹ, các dì và mọi người xung quanh truyền dạy cả”, bà bộc bạch.
 
Có lẽ vì thế mà khát vọng lưu truyền cho thế hệ con cháu hôm nay luôn cháy bỏng trong bà Dứa. Đó như là cách bà ứng xử đẹp với văn hóa của dân tộc, với ông bà đi trước, khi mà “bọn trẻ bây giờ không còn mặn mà mấy”.
 
Khát vọng lưu truyền.
Bà Dứa hướng dẫn con cháu trong thôn chế tác nhạc cụ.
 
Hằng ngày, sau những giờ nương rấy, bà Dứa lại lấy nhạc cụ ra chơi. Bọn trẻ thấy vậy lại tụ tập đến nhà. Tranh thủ những lúc chúng say sưa với văn hoá của dân tộc, bà hướng dẫn chúng làm nhạc cụ rồi dạy cho chúng sử dụng.
 
“Làm được nhạc cụ, rồi chơi được nhạc cụ, tụi em thích lắm. Bà vẫn hay căn dặn chúng em, đã làm thì phải làm cho đẹp, tỉ mỉ. Thối cái sáo thì thổi cho vút tận trời xanh. Kéo đàn thì kéo cho ma quỷ kinh hồn”, em Đinh Thị Oanh, 19 tuổi vui vẻ chia sẻ.
 
Đến mùa lễ hội nào, bà cũng vận động lớp trẻ, hôm nào được nghĩ học thì ra nhà văn hóa cùng với xóm làng ăn mừng, tham gia múa hát. Theo bà, đây là cơ hội tốt để chúng bảo tồn và học hỏi thêm những nét đặc trưng của dân tộc mình.
 
Sự tận tâm của bà trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc càng khiến cho những bậc già làng, trưởng bản yên tâm hơn bao giờ hết vì “cội gốc” của mình chưa hề mất.
 
“Tiếng tăm của bà Dứa về tài nghệ trên đã vang xa khỏi buôn làng bé nhỏ. Ngoài tham gia đội văn nghệ xã Sơn Mùa, bà Dứa được xem là một nghệ nhân gạo cội của huyện. Trong các kỳ biểu diễn văn nghệ ở huyện, hoặc biểu diễn ở tỉnh, hiếm khi nào vắng mặt bà. Những việc làm của bà Dứa đã góp phần rất lớn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể ở địa phương”, ông Lê Phương Nam - Phó Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sơn Tây tự hào.
 
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu

 


.