Giỗ Tổ Hùng Vương trong tâm thức người Quảng Ngãi

09:04, 06/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”. Đây là câu ca dao đã ăn sâu vào trong tâm thức người Việt nói chung và nhân dân Quảng Ngãi nói riêng. Câu ca dao ấy như lời nhắc nhở người dân Việt Nam, dù ở bất kỳ phương trời nào cũng thành kính hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10.3 ÂL).

TIN LIÊN QUAN


Hằng năm, cứ đến ngày 10.3 (ÂL) là người dân cả nước lại bồi hồi, xúc động hướng về Phú Thọ- nơi có Đền thờ Quốc tổ Vua Hùng. Vào những ngày này, dòng người lại ngược về vùng đất Phú Thọ để thắp hương tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc đến các Vua Hùng. Ở Quảng Ngãi, mặc dù người dân ít có cơ hội về với Đất Tổ, nhưng trong tâm thức luôn hướng về các Vua Hùng.

Ban tế lễ tổ 4, phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) cùng bàn bạc cho việc chuẩn bị lễ giỗ.
Ban tế lễ tổ 4, phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) cùng bàn bạc cho việc chuẩn bị lễ giỗ.


Mỗi người dân Quảng Ngãi đều thành kính dâng lên các Vua Hùng những nén tâm nhang, để tỏ lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên. Vì thế, Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành lễ hội văn hóa lớn của cả dân tộc Việt Nam, dù ở bất cứ phương trời nào. “Đây là dịp để khẳng định truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thắt chặt tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên toàn dân tích cực học tập, lao động sản xuất, cống hiến công sức, trí tuệ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”,  Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Cao Văn Chư nói.
 

“Qua việc tổ chức lễ giỗ, chúng tôi muốn nhắc nhở cháu con phải giữ gìn truyền thống của dân tộc và có trách nhiệm duy trì việc tổ chức về sau”.
Thành viên Ban tế lễ, ông TẠ MINH BẢN (63 tuổi).

Là một trong số những người từng được tham dự lễ hội Đền Hùng, ông Cao Văn Chư chia sẻ: Vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, hàng vạn người dân ở mọi miền Tổ quốc về Đất Tổ để viếng đền. Điều đó thể hiện ý thức cội nguồn của người Việt rất cao. Nhiều người dân trong cả nước nói chung và Quảng Ngãi nói riêng, dù không có cơ hội hành hương về Đất Tổ, nhưng vẫn luôn hướng về nguồn cội. Vào ngày 10.3, nhiều gia đình sau khi thắp nén nhang cho ông bà tổ tiên vẫn không quên thắp nén tâm nhang cho Thủy tổ Lạc Long Quân và Âu Cơ cùng Quốc tổ Hùng Vương.

Theo truyền thống của người dân Quảng Ngãi, thường vào ngày 10.3 AL, nhiều khu dân cư tổ chức lễ giỗ Thanh Minh, nhằm gắn kết với ngày Giỗ Tổ. Đấy là dịp để thắt chặt tình đoàn kết giữa người với người, giữa các khu dân cư với nhau. Ông Bạch Văn Huynh (71 tuổi), Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi tổ 4, phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi), thổ lộ: Đã 17 năm nay, cuốn sổ vàng ghi tên những gia đình đóng góp tổ chức lễ cúng nhân ngày 10.3 AL của tổ 4 được ông gìn giữ cẩn thận. Như thường lệ, vào những ngày đầu tháng 3, ông cùng với các bậc cao niên trong khu dân cư lại đi thu tiền từ các hộ gia đình để chuẩn bị lễ giỗ. Mỗi gia đình đóng góp, tùy theo điều kiện kinh tế.

Từ những bậc cao niên đến những cặp vợ chồng trẻ đều nhiệt tình tham gia. Bởi với họ, đấy là dịp để tri ân, tưởng vọng những người đã khuất, các bậc tổ tiên. Hơn nữa, lễ giỗ được người dân nơi đây tổ chức tại nơi 68 liệt sĩ đã ngã xuống. Tại đây, ngày 31.1.1968, Mỹ, ngụy đã thiêu đốt và chôn chung 68 đồng chí giải phóng quân sau khi đã chiến đấu dũng cảm hy sinh trong cuộc Tổng tiến công năm Mậu Thân 1968. “Không chỉ tưởng nhớ 68 liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập nước nhà, mà sâu xa hơn nữa là lòng biết ơn sâu sắc đối với các Vua Hùng, tổ tiên đã có công đức trong việc lập quốc”, ông Hoàng Anh Báu (76 tuổi), tổ 4, phường Nghĩa Chánh, chia sẻ.

Chính vì ý nghĩa thiêng liêng ấy, nên người dân trong khu dân cư đã bầu chọn những người có đức và được nhân dân tín nhiệm làm Ban tế lễ. Ban tế lễ mặc áo dài khăn đóng trong lúc làm lễ và cùng phân công nhiệm vụ để tổ chức phần lễ chu đáo. Sau phần lễ luôn luôn có phần hội. Bởi ngày Giỗ Tổ người dân cả nước được nghỉ. Đó là dịp để cháu con trở về quây quần cùng gia đình, bà con lối xóm.

 Việc các khu dân cư tổ chức lễ giỗ là dịp để những người lớn tuổi kể cho con cháu nghe về công đức dựng nước của các bậc tiền hiền. Giới trẻ được giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, được nghe những câu chuyện kể về các Vua Hùng cũng như lịch sử hào hùng của dân tộc. Qua đó, giúp thế hệ trẻ thêm hiểu và tự hào về truyền thống, lịch sử của dân tộc để ra sức phấn đấu học tập, rèn luyện,  trở thành người có ích cho xã hội và xứng đáng với lời dạy của Bác: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.