(Báo Quảng Ngãi)- Bảo tàng là nơi lưu giữ nhiều hình ảnh, hiện vật có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, trong đó có những hiện vật được đánh giá là “độc nhất vô nhị”. Đến bảo tàng, lịch sử từ ngàn đời của một dân tộc, vùng đất và con người được tái hiện, cùng với đó là những điều huyền bí của người thiên cổ mà đến nay vẫn chưa được lý giải, những nét độc đáo chỉ riêng ở thời xa xưa.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bảo tàng là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, “sở hữu” tài sản vô cùng to lớn là thế, nhưng thật lấy làm tiếc khi nhiều người ví von “buồn như bảo tàng”. Đây là thực trạng chung của nhiều bảo tàng trong nước nói chung và ở Quảng Ngãi nói riêng.
Nhiều người chưa đến bảo tàng
Bảo tàng tổng hợp tỉnh nằm ở một vị trí đắc địa, dễ nhìn thấy, thế nhưng nhiều người dân Quảng Ngãi lại chưa một lần đặt chân đến. Bảo tàng Tổng hợp tỉnh luôn trong tình trạng vắng vẻ, nhiều hôm bảo tàng mở cửa rồi lại đóng mà không có khách đến tham quan. Thậm chí, học sinh, sinh viên cũng không “mặn mà” với việc đến tham quan bảo tàng. Nhiều em chưa hề có suy nghĩ đến bảo tàng để tìm hiểu lịch sử, dù rằng nhiều người trăn trở “thế hệ trẻ bây giờ nhiều em không yêu thích môn lịch sử”.
Đến bảo tàng là một cách để học tốt môn lịch sử, để hiểu biết nhiều hơn về lịch sử-văn hóa của địa phương và của dân tộc, nhưng tiếc là nhiều học sinh, sinh viên chưa hề đến bảo tàng. Một phụ huynh bộc bạch: “Đúng là muốn con biết nhiều về lịch sử, nhưng ngay cả mình còn chưa một lần đến bảo tàng nói gì đến con trẻ. Nơi đây vắng vẻ quá, nên cũng ngại đưa con đến tham quan”.
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh luôn trong tình trạng vắng vẻ. |
Nhiều chuyên gia nghiên cứu văn hóa cũng lấy làm tiếc, khi Bảo tàng Tổng hợp tỉnh không thu hút được khách. Trong khi đó, tại đây lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị, trải qua lịch sử cách đây hàng nghìn năm. Đặc biệt là bộ xương cốt của người thiên cổ từ thời văn hóa Sa Huỳnh, cùng với nhiều di sản văn hóa Chămpa, tiêu biểu như tượng tu sĩ hóa thân của thần Siva vốn được các nhà nghiên cứu nhận định đây là bức tượng hiếm có ở Đông Nam Á... Qua thực tế ở nhiều bảo tàng trên thế giới, người ta “hái” ra tiền từ di sản văn hóa, tại đây những hình ảnh, hiện vật đều trở nên sống động và biết nói để trao truyền những giá trị di sản văn hóa từ quá khứ đến với hiện tại.
Một chuyên gia nghiên cứu văn hóa cho rằng: “Không nên để bảo tàng chết, hãy làm cho nó sống lại từ những hiện vật. Mỗi hiện vật đều gắn với câu chuyện lịch sử, nếu chúng ta biết khai thác sẽ trở nên sống động, hấp dẫn người xem. Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cần có sự đổi mới để phù hợp với nhu cầu của xã hội hiện đại”.
Tất yếu phải thay đổi tư duy
Bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ, bảo quản di sản văn hóa, mà vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát huy giá trị của di sản, trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ đối với nhân dân ở địa phương mà thu hút cả khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng để giáo dục truyền thống, nhất là đối với thế hệ trẻ. Điều này được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã tổ chức rất nhiều cuộc họp bàn về vấn đề này và đã đi đến thống nhất triển khai dự án “Trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng” tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Dự án “Trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng” tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, nhằm mục đích huy động nguồn lực xã hội theo phương thức xã hội hóa để đầu tư nâng cấp, đa dạng hóa các hình thức hoạt động tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Chuyên gia nghiên cứu văn hóa Nguyễn Tuấn Lâm, hiện là Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây dựng Đoàn Ánh Dương (đơn vị thực hiện dự án) cho biết, với mục tiêu đưa di sản vào đời sống, xây dựng bảo tàng thành điểm đến hấp dẫn, dự án sẽ phục dựng, tái hiện lại các di sản văn hóa của Quảng Ngãi qua hình thức trưng bày ngoài trời; đổi mới nội dung và hình thức trưng bày ở bảo tàng theo hướng hiện đại, cùng với đó triển khai các dịch vụ lồng ghép, nhưng trên tinh thần lấy văn hóa để nuôi văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa-lịch sử.
Để dự án nói trên được triển khai đạt hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở VH-TT&DL tổ chức quán triệt và triển khai chủ trương dự án đến toàn thể cán bộ, viên chức tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Quyền Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Lê Hồng Khánh nêu quan điểm: “Xã hội hóa để phát huy giá trị di sản văn hóa ở bảo tàng là chủ trương đúng đắn. Sở VH-TT&DL đã giao nhiệm vụ cho bảo tàng quán triệt đến toàn thể cán bộ, nhân viên về chủ trương này”.
Bài, ảnh: Lý Phương