Phát triển toàn diện văn hóa, con người Quảng Ngãi

10:01, 11/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghị quyết Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ năm, khóa XIX về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững là tiền đề quan trọng để tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi một cách toàn diện.

TIN LIÊN QUAN

Nghị quyết đã nêu lên những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi trong thời gian qua; đồng thời cũng chỉ ra những mặt hạn chế, yếu kém cũng như những mục tiêu, giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi trong giai đoạn mới.
 

“Để xây dựng con người Quảng Ngãi phát triển toàn diện đòi hỏi hệ thống chính trị và toàn xã hội phải chủ động đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng văn hóa và con người Quảng Ngãi trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.
Giám đốc Sở VH-TT&DL NGUYỄN ĐĂNG VŨ

Đời sống tinh thần ngày càng phong phú

Trong những thập niên qua, kể từ khi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cũng như cả nước, Quảng Ngãi đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng trên lĩnh vực văn hóa, xây dựng con người, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Các hoạt động, sản phẩm văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng. Quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, các thiết chế văn hóa từng bước được đầu tư; nhiều di sản văn hóa, lịch sử, tôn giáo được bảo tồn, phát huy. Sự phát triển của khoa học công nghệ, truyền thông, sự hội nhập văn hóa... cũng góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền văn hóa mới, con người mới.

Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Đăng Vũ cho biết: Các giá trị mới về văn hóa, con người của thời kỳ công nghiệp hóa, hội nhập như năng động, cởi mở, thân thiện, hợp tác, sẻ chia, thích ứng nhanh với cái mới, khát khao làm giàu... đang hình thành và được khẳng định; giao lưu, hợp tác về văn hóa của tỉnh từng bước được mở rộng, góp phần phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy dân chủ hóa xã hội, làm phong phú đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

 

Trong những năm qua, nhiều hoạt động văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số được gìn giữ và phát huy.  Ảnh: T.Phương
Trong những năm qua, nhiều hoạt động văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số được gìn giữ và phát huy. Ảnh: T.Phương


Tuy nhiên, trong xu thế phát triển, hội nhập hiện nay, môi trường văn hóa, tính cách con người Quảng Ngãi cũng còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, yếu kém. Thụ hưởng văn hóa còn chênh lệch lớn giữa các vùng miền, các tầng lớp nhân dân; đời sống tinh thần ở một bộ phận dân cư còn nghèo nàn. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ lo lắng nói: Văn hóa chưa thẩm thấu sâu và vững chắc vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội.

Các biểu hiện văn hóa thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục, tệ nạn xã hội... có chiều hướng gia tăng. Chưa phát huy đúng mức những giá trị văn hóa truyền thống và đức tính tốt đẹp của con người Quảng Ngãi; chưa khắc phục thật sự hiệu quả tính hẹp hòi, khắt khe, cố chấp, cứng nhắc, thụ động, thiếu hợp tác, ý thức chấp hành kỷ luật lao động trong một bộ phận cán bộ và nhân dân. Đó là những nhân tố gây cản trở và ít nhiều làm chậm tiến trình đổi mới, hội nhập và phát triển của tỉnh.
 

Trong những năm gần đây, ngành GD&ĐT cũng đã tập trung đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29. Đó là, phát triển phẩm chất, năng lực, kỹ năng của người học; chú trọng nhân cách, đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, kiến thức pháp luật và ý thức công dân. Thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể nâng cao thể lực và tầm vóc người Quảng Ngãi, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống.
Vì vậy, việc ban hành nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi trong giai đoạn hiện nay sẽ góp phần quan trọng vào việc phát huy những mặt đạt được cũng như dần khắc phục những hạn chế, yếu kém để phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Tôn vinh đức tính nhân ái, trung thực

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi toàn diện, hướng đến chân, thiện, mỹ. Văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần, là động lực cho sự phát triển của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của tỉnh.
 
Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp gắn với xây dựng, hình thành các giá trị mới của con người Quảng Ngãi với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tự trọng, tự chủ, sống nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, có tri thức, sức khỏe, năng động, sáng tạo, có trách nhiệm công dân, tuân thủ pháp luật, có tinh thần hợp tác cao, khẳng khái, khoan dung, thân thiện, có ý thức bảo vệ môi trường; đồng thời từng bước khắc phục những khiếm khuyết trong tính cách một bộ phận dân cư, như tính hẹp hòi, khắt khe, đố kỵ, cố chấp, thụ động, cứng nhắc, thiếu hợp tác, ý thức lao động thấp.
Xây dựng văn hóa, con người Quảng Ngãi toàn diện, hướng đến chân, thiện, mỹ.                 Ảnh: MINH THU
Xây dựng văn hóa, con người Quảng Ngãi toàn diện, hướng đến chân, thiện, mỹ. Ảnh: MINH THU


Đây không phải là mục tiêu xa vời, nhưng để thực hiện có hiệu quả đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cụ thể là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững của tỉnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa có chất lượng; đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò của hệ thống chính trị trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi.

TRỊNH PHƯƠNG

 


.