Vài suy nghĩ về việc xây dựng văn hóa và con người Quảng Ngãi

08:10, 06/10/2016
.

LTS: Theo chương trình Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ năm, khóa XIX diễn ra vào ngày 7.10, dự kiến Tỉnh ủy sẽ thảo luận và thông qua Nghị quyết “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững”, Báo Quảng Ngãi giới thiệu bài viết “Vài suy nghĩ về việc xây dựng văn hóa và con người Quảng Ngãi” của tác giả Nguyễn Ngọc Trạch.

TIN LIÊN QUAN

Từ ngày ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, bất kỳ giai đoạn nào văn hóa cũng được Đảng ta quan tâm và thể hiện khá rõ nét trong các văn kiện. Nhất là từ khi khởi xướng công cuộc đổi mới và mở rộng quan hệ quốc tế, vai trò của văn hóa ngày càng được đề cập rõ hơn trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và các Nghị quyết chuyên đề. Đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Tiếp thu có chọn lọc

Một nhiệm vụ cũng không kém phần quan trọng là phải kết hợp hài hòa và chú trọng yếu tố giao lưu và hợp tác văn hóa trong và ngoài nước. Ngày nay, sự bùng nổ của khoa học và công nghệ, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện nghe nhìn "sự đóng cửa khép kín" chỉ làm cho dân tộc đó cô lập, lạc hậu, làm cho nền văn hóa đó nghèo nàn, khô kiệt. Chính vì vậy, tiếp thu, giao lưu có chọn lọc, sẽ kích thích sự sáng tạo, thúc đẩy văn hóa "bản địa" phát triển, gạt bỏ các yếu tố tiêu cực từ bên ngoài, tạo ra sức "đề kháng" từ bên trong. Nhấn mạnh yếu tố này để khẳng định: Một nền văn hóa cùng những con người phát triển, luôn là kết quả của sự tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của cộng đồng và nhân loại.

Đối với tỉnh ta, sự nghiệp văn hóa đã được cấp ủy và chính quyền... các cấp nhận thức sâu sắc, xem đường lối văn hóa và xây dựng con người trên quê hương Quảng Ngãi là nhiệm vụ chính trị thường xuyên. Văn hóa với vai trò là nền tảng tinh thần xã hội đã từng bước hình thành, chuẩn giá trị văn hóa và con người Quảng Ngãi từ đó cũng nảy nở, tỏa sáng, hòa nhập với sự phát triển chung của xã hội, từng bước đóng vai trò là động lực, sức mạnh nội sinh, góp phần đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Nếu đúc kết sự tăng trưởng của văn hóa Quảng Ngãi và con người Quảng Ngãi trong những năm qua, thành quả to lớn và vô cùng quan trọng, đó là môi trường văn hóa đã được xây dựng, hình thành và phát triển. Các thiết chế văn hóa của Nhà nước và nhân dân được hình thành ngày càng đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, các mô hình sinh hoạt văn hóa ra đời ngày một đa dạng và phong phú, nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy, các hội thi, hội diễn được duy trì trong phong trào quần chúng.

Giá trị đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc được khơi dậy, quy tắc ứng xử, tình làng nghĩa xóm đã hình thành và phát triển. Các phong trào tình nguyện, phong trào thi đua yêu nước của Mặt trận, thanh niên, phụ nữ, y tế, giáo dục, công an, quân đội... đã ra đời. Từ đó đã định hình những giá trị văn hóa, mang lại luồng sinh khí tươi mới trong cộng đồng dân cư, góp phần kiến tạo nền tảng tinh thần xã hội.
 

Văn hóa Quảng Ngãi và con người Quảng Ngãi là một bộ phận không thể tách rời nền văn hóa, từ trong lòng nó hàm chứa những giá trị chuẩn của con người Việt Nam. Xét về quy luật phát triển của văn hóa, nhân tố làm nên đặc thù và bản sắc là quy luật kế thừa trong sự phát triển. Quan điểm xây dựng văn hóa Quảng Ngãi và con người Quảng Ngãi nhất thiết phải vận dụng nguyên lý kế thừa có chọn lọc, có phê phán, giữ lại những nội dung tích cực, tiến bộ để xây dựng nội hàm mới, làm cho văn hóa và con người Quảng Ngãi phù hợp với cái chung của dân tộc Việt Nam, tiến kịp với đà phát triển của xã hội trong quá trình CNH, HĐH và hội nhập quốc tế sâu rộng, mà vẫn giữ được nét đặc thù, bản sắc, tính nổi trội của văn hóa Quảng Ngãi và con người Quảng Ngãi.

Có lẽ chưa bao giờ việc xây dựng văn hóa và con người Quảng Ngãi được Đảng bộ và các ngành, các cấp ở tỉnh ta quan tâm như hiện nay. Điều này cho thấy, với vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội cần phải xem vấn đề: Bảo tồn và phát huy giá trị là cốt lõi, là nguyên lý cơ bản. Bởi vì các giá trị văn hóa luôn có tính bền vững, cái gì có thể mất đi nhưng văn hóa và giá trị của nó còn lại mãi mãi với thời gian.

Mặt khác, sự tiếp biến của dòng chảy văn hóa Việt, luôn gắn kết chặt chẽ với kinh tế. Suốt chiều dài dòng chảy của văn hóa Việt, đã minh chứng và khẳng định yếu tố bảo tồn và phát huy giá trị là giải pháp căn bản để bổ sung và làm giàu bản sắc và giá trị cho nền văn hóa mới.

Xây dựng văn hóa và con người Quảng Ngãi có thành công hay không ngoài những nhiệm vụ và giải pháp trên, điều tiên quyết mang tính cơ bản là phải tăng cường đầu tư nguồn lực để phát triển văn hóa, quyết tâm và nhanh chóng đổi mới cơ chế quản lý và tư duy quản lý.

Bên cạnh đó, phải tích cực nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác văn hóa và phong trào văn hóa, thường xuyên giáo dục chính trị và thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh cho công chúng, có chính sách văn hóa phù hợp, kịp thời trong từng giai đoạn để kích thích sáng tạo, tích cực sử dụng và đầu tư đúng mức cho các binh chủng: Thông tin truyền thông, báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật... từng bước hiện đại hóa các thiết chế và phương tiện văn hóa trong các khâu: Sáng tác, truyền tải và hưởng thụ văn hóa. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa, xem văn hóa là công cụ, là cánh tay của Đảng và Nhà nước trong suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của từng địa phương và đơn vị mình.


NGUYỄN NGỌC TRẠCH



 


.