(Báo Quảng Ngãi)- Nhà văn hóa cộng đồng từ lâu đã trở thành nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa của cư dân trong thôn, tổ dân phố... Vì thế, nơi đây đã lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa của cộng đồng dân cư.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Năm 2010, Nhà Văn hóa cộng đồng thôn Lương Nông Bắc, xã Đức Thạnh (Mộ Đức) đưa vào sử dụng. Chừng ấy năm, nơi đây chứng kiến bao câu chuyện buồn, vui của cư dân, chính quyền địa phương. Mỗi một câu chuyện dù có phức tạp đến mấy, nhưng đều được giải quyết có tình, có lý nên gắn kết tình làng nghĩa xóm. Ông Huỳnh Văn Đủ - Bí thư Chi bộ thôn, kể: “Đây là vùng quê cách mạng, người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, điều kiện tiếp cận với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước còn hạn chế.
Nhà sinh hoạt văn hóa thôn Minh Tân Nam, xã Đức Minh (Mộ Đức) được xây dựng khang trang. |
Từ năm 2010, khi Nhà văn hóa cộng đồng thôn đưa vào sử dụng, mọi chủ trương, chính sách được công khai bàn bạc trong dân, tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Những mâu thuẫn giữa các hộ dân trong KDC cũng được mời họp phân tích điều hay, lẽ phải, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong dân. Cũng theo ông Đủ, năm 2016, xã phấn đấu đạt các tiêu chí của xã nông thôn mới, nhưng có 3 hộ dân không đồng giao đất làm đường giao thông.
Song, qua vận động, phân tích những lợi ích trước mắt và lâu dài, 3 hộ dân này đã thấu hiểu và tình nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất để làm đường. Không chỉ vậy, Nhà Văn hóa thôn Lương Nông Bắc còn là nơi diễn ra ngày hội đại đoàn kết, hội diễn văn nghệ quần chúng, nơi tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ, khen thưởng, trao học bổng cho những học sinh, sinh viên vượt qua khó khăn để học giỏi...
Còn Nhà Văn hóa thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ), từng là nơi hội tụ những tay nghề dệt thổ cẩm hàng đầu trong làng truyền dạy cho các thiếu nữ. Bà Phạm Thị Thiêu, chia sẻ: “Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của phụ nữ Ba Tơ nói chung, Làng Teng nói riêng. Nghề này cũng là thước đo chuẩn mực của người con gái Làng Teng, nhưng nhiều chị em trẻ không biết dệt nên cũng buồn. Nay huyện có chủ trương bảo tồn nghề, truyền dạy cho con cháu, già vui lắm".
Đến với Nhà văn hóa thôn 2, xã Trà Thủy và thôn Bắc, xã Trà Sơn (Trà Bồng) chúng tôi cảm nhận được nét đặc trưng rất riêng của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Phía bên trong nhà văn hóa trưng bày một số hiện vật mang đậm nét đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Cor, như sừng trâu, giấy khen, bằng khen của các đội cồng chiêng qua hội thi các cấp. Nơi đây, mỗi dịp Tết về, mừng mùa lúa mới hay dịp truyền nghề cho con cháu trong làng, thì thanh âm tiếng cồng, tiếng chiêng lại rộn ràng hơn.
Từ những cuộc sinh hoạt văn hóa, văn nghệ ở nhà văn hóa cộng đồng đã hun đúc bao tình cảm đẹp của trai gái trong làng. Ông Hồ Văn Biên, nghệ nhân đánh chiêng nổi tiếng trong vùng từng chứng kiến những đôi trai gái vì mê tiếng chiêng mà nên duyên chồng vợ. Tiếng chiêng ngân lên bên nếp nhà sàn văn hóa cộng đồng càng tô thêm nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Cor.
Người giữ được hồn chiêng có giá trị, xem như người giỏi giang trong làng. Vì thế mà nhiều thôn nữ đã dành tình cảm cho những chàng trai tấu chiêng hay... Tuy tiếng chiêng từng làm mê hoặc lòng người, nhưng theo năm tháng tiếng chiêng mai một dần. Vì thế, Phòng VHTT huyện tập hợp những thanh niên nam nữ về nhà văn hóa rồi phối hợp với các nghệ nhân hướng dẫn những làn điệu dân ca, dân vũ; thành lập các đội cồng chiêng... nhằm khơi dậy niềm đam mê văn hóa truyền thống của đồng bào mình.
Nhà văn hóa thôn ở các làng chài ven biển cũng được trang trí khá đẹp, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống vùng biển. Đó là hình ảnh của các đội hát bả trạo, các sinh hoạt truyền thống của làng. Sôi nổi nhất là trước lễ ra khơi hay lễ hoàn nguyện sau mùa biển của ngư dân. Nhiều ngư dân sau mùa biển làm ăn khấm khá, trong các cuộc họp KDC đã tích cực tham gia đóng tiền, ngày công làm đường giao thông nông thôn, làm cho bộ mặt làng quê ven biển ngày càng khang trang hơn.