(Báo Quảng Ngãi)- Trong tâm thức người Quảng Ngãi, tiếng đàn xe nước vẫn mãi vang vọng, dẫu đã hơn 20 năm không còn hình ảnh đàn xe nước trên con sông Trà, sông Vệ hiền hòa.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhiều người bảo: “Lạ thay, đàn xe nước có còn đâu nhưng vẫn cứ nhớ hoài!”. Khách ở nơi xa về thăm Quảng Ngãi, nghe các bô lão kể chuyện bờ xe năm nào đã đành, nhiều thanh niên thế hệ 8X, 9X vẫn đem chuyện bờ xe nước giới thiệu với bạn bè tứ phương, xem đó là nét đẹp khó phai mờ của Quảng Ngãi quê mình.
Theo dấu người xưa
Chúng tôi lớn lên nhờ những hạt gạo căng tròn khi được tưới tắm bởi dòng nước mát Thạch Nham, đó cũng là lúc đàn xe nước lần lượt được tháo dỡ. Đàn xe nước hiện hữu ở Quảng Ngãi hơn 200 năm chứ chẳng ít. Biết bao thế hệ cháu con được nuôi lớn nhờ có guồng xe nước tưới tắm ruộng đồng, mùa màng bội thu, thế mới có chuyện mọi người nhớ hoài những cơn mưa trắng xóa trên dòng sông mùa hạ.
Bức ảnh bờ xe nước sông Trà của nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Trinh, giờ đây vẫn được nhiều người lưu giữ như một vốn quý của miền đất Ấn-Trà. ẢNH: Nguyễn Ngọc Trinh |
Nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư, hiện là Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, đã có một thời gian dài cất công tìm hiểu về lai lịch của guồng xe nước ở Quảng Ngãi. Ông Cao Văn Chư cho biết, P.Guillenmiet trong công trình “Một ngành công nghiệp An Nam: Các guồng xe nước ở Quảng Ngãi” (1926) cho rằng, các xe nước xuất hiện sớm nhất ở Quảng Ngãi là ở sông Vệ vào năm 1740, cụ thể là xe nước ở làng Bồ Đề (nay thuộc xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức). Mụ Diệm là người đầu tiên đã có công đem guồng xe nước từ Bình Định về Quảng Ngãi. Ghi chép này trùng khớp với kết quả điền dã của ông Cao Văn Chư và cộng sự.
Trong một nguồn tư liệu khác thì tương truyền guồng xe nước có ở Quảng Ngãi vào thế kỷ XVIII dưới thời Tây Sơn, người sáng chế ra các guồng xe nước nổi tiếng là lão Thêm, người làng Bồ Đề. Vào năm 1790, lão Thêm đã có một bờ xe nước trên sông Vệ. “Mụ Diệm và lão Thêm chắc chắn là hai người khác nhau, và chính mụ Diệm mới là người đưa xe nước về Quảng Ngãi, còn lão Thêm có thể là con cháu của ông bà Diệm...
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi mụ Diệm mất, người ta xây một cái miếu thờ nhỏ để thờ bà ở làng Bồ Đề. Cho đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, người dân ở 6 xã sử dụng nguồn nước từ guồng xe của mụ Diệm vẫn giữ lệ giỗ bà mụ Diệm, khiêng heo đến cúng ở miếu thờ như một sự hàm ơn, cầu mong bà phù hộ”, ông Cao Văn Chư cho biết.
Theo dấu người xưa, chúng tôi biết được rằng guồng xe nước đầu tiên được lắp đặt trên sông Vệ, sau đó lan rộng ra sông Trà và tồn tại hàng trăm năm sau đó. Dẫu không còn nữa bờ xe nước, song những gì biết được về lai lịch của bờ xe cũng là để chúng ta thêm quý trọng giá trị truyền thống, quý trọng sức lao động, đem lại cho người dân cuộc sống đủ đầy hơn.
Sử sách đã ghi chép: Ở Quảng Ngãi, xe nước là giải pháp thủy lợi đặc biệt quan trọng. Trên sông Trà Khúc và sông Vệ từng có không dưới 114 bờ xe nước... Đầu mùa hè đến giữa mùa thu bờ xe nước vận hành. Nước sông dâng lên 40-50cm, chảy vào các kênh mương hai bên bờ, rồi tự chảy hoặc bằng gầu sòng, gầu giai, xe lùa đến hàng nghìn mẫu ruộng mùa hè khát nước (theo Nguyễn Bá Trác, “Quảng Ngãi tỉnh chí”). |
Phút giây hoài niệm
Bờ xe nước một thời reo vui trên những dòng sông quê, những dòng nước trắng xóa in đậm trong ký ức của bao người. Ông Cao Văn Chư nhận định, bờ xe nước là biểu tượng của sự kiên trì, sáng tạo của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp, bờ xe nước đã đi vào trong tâm thức của người dân Quảng Ngãi như một nét đẹp văn hóa.
Bờ xe nước gắn liền với cuộc đời của biết bao thế hệ người dân Quảng Ngãi, để rồi khi nó không còn nữa đã khiến nhiều người hoài niệm trong tiếc nuối. Cụ ông Nguyễn Trợ (87 tuổi, ở thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây, TP. Quảng Ngãi), với đôi mắt xa xăm nhìn về con sông Trà, nơi đặt bờ xe nước năm nào. “Hồi còn thanh niên, tôi cũng tham gia làm bờ xe nước. Trong đội có một trùm xe và 6 thợ.
Ông trùm xe chỉ huy cả đội. Hồi đó tôi cũng gần lên trùm xe rồi đấy chứ”, cụ Trợ nhớ lại. Cụ Trợ còn cho biết thêm, thường thì tháng 11 (âm lịch) hằng năm, thợ đi đốn tre. Đến rằm tháng Giêng thì xuống bờ. Đến tháng 8 (âm lịch) những người thợ sẽ đi dỡ bờ xe để tránh bị lũ cuốn trôi... Bỏ vốn để xây dựng bờ xe nước là việc của chủ xe, vận hành là của bộ máy “bảo cử” và không thể thiếu trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn guồng xe. Muốn dựng bờ xe, người thợ phải lặn lội lên rừng chặt rất nhiều cây, dây, sử dụng rất nhiều ống tre...
Làm bờ xe nước rất tốn công, đòi hỏi sự tỉ mẩn trong từng công đoạn. Nhìn dòng nước sông Trà lững lờ trôi trong chiều muộn, cụ Trợ chép miệng: “Bây giờ có nước Thạch Nham, có máy móc đưa nước vào đồng ruộng, nhưng tôi cũng tiếc hoài, nhớ lắm tiếng nước chảy rì rào của bờ xe nước”.
Hình ảnh bờ xe nước đi vào trong ký ức của tuổi thơ, của đời người và là nguồn cảm tác của các thi nhân. Lớp lớp người con của đất mẹ Quảng Ngãi, dẫu đi đâu, về đâu cũng vẫn ngân nga câu hát: “Rì rào dòng sông âm vang đôi bờ/Mênh mông sông nước tiếng đàn xe/Cuồn cuộn Trà Giang trăng nghiêng mây biếc sóng lao xao/Làn gió vi vu ú ù…/Nước cuốn trắng xóa reo vui/Long lanh mưa bay đàn ca trong nắng hè...” (ca khúc Nhớ đàn xe nước của cố nhạc sĩ Vân Đông).
Với tiến sĩ Mai Bá Ấn, ông đã gửi gắm tình cảm và tiếc nuối hoài bờ xe nước qua truyện ngắn “Hoài niệm bờ xe nước”. Giữa nhịp sống hối hả đương đại, qua truyện ngắn của Mai Bá Ấn, người đọc quay trở về với miền đất Ấn - Trà của ngày xưa với tiếng reo rì rào của bờ xe nước, ở đó câu chuyện văn hóa đan xen với chuyện tình lãng mạn, thủy chung... Tác giả nhớ về quá khứ để rồi tiếc nuối hoài bờ xe nước năm xưa. Cùng với tiến sĩ Mai Bá Ấn, hoài niệm về bờ xe nước đã khiến cho bao người thổn thức và trong tâm khảm mọi người rực cháy ước muốn phục dựng bờ xe nước trên dòng Trà Giang!
P.LÝ - T.PHƯƠNG