Ông đã ra đi cùng bờ xe nước

02:08, 04/08/2011
.
* TRẦN ĐĂNG

a
Nguyễn Ngọc Trinh.
(QNĐT)- Bờ xe nước sông Trà-một trong những biểu tượng của Quảng Ngãi đã vĩnh viễn chia xa khi đầu mối của công trình thủy lợi Thạch Nham được hoàn thành vào năm 1989. 21 năm sau, người nghệ sĩ đã lưu lại biểu tượng ấy bằng hình ảnh, cũng đã ra đi vào lúc 10g ngày 4/8/2011. Người đó là nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Trinh.

Ông quy tiên ở tuổi 72 (ông sinh năm Tân Tỵ-1941) trong niềm tiếc thương của gia đình, người thân và bạn bè đồng nghiệp, sau cơn bạo bệnh từ hơn một năm qua.

Dù đã biết trước kết cục này, song khi hay tin ông mất, tất cả những anh em văn nghệ, báo chí vẫn thường “giao ban nóng” vào mỗi sáng tại quán cà phê cóc “mụ Thủy” cạnh Tạp chí Cẩm Thành vẫn cảm thấy hụt hẫng. Người ham vui thế, tươi trẻ thế, góc cạnh thế, và cũng thật tốt bụng thế, sao lại sớm bỏ anh em mà đi?

Sinh ra tại một làng chài thuộc xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức tỉnh Quảng Ngãi, nơi có nghề làm nước mắm nổi tiếng, nhưng Nguyễn Ngọc Trinh lại không biết một tí gì về nghề truyền thống của làng mình, thậm chí trong bộ sưu tập ảnh của ông hiện gia đình còn lưu giữ tuyệt không có một bức ảnh nào nói về nghề này. Có lẽ ông đã rời làng để lang bạt tứ xứ từ quá sớm nên ký ức về nơi chôn nhau cắt rốn không quá sâu đậm trong ông chăng?

Có lần tôi đã hỏi ông như vậy, và ông đã cắt nghĩa vì sao lại như thế: “Đúng là mình rời làng lúc còn quá bé nhưng khái niệm về quê hương của mình có khác. Cứ gì phải ghi lại cảnh làm nước mắm của làng mới gọi là yêu quê hương?”.

Nguyễn Ngọc Trinh không quá khuôn thước trong quan niệm quê hương như bao người. Nhưng nói về “quê hương Quảng Ngãi” thì ông quyết liệt đến cùng. Có lẽ, từ khi có bờ xe nước sông Trà, rất nhiều nhà nhiếp ảnh đã thu lại trong ống kính của mình, song “Bờ xe nước” của Nguyễn Ngọc Trinh vẫn là những bức ảnh độc đáo hơn cả. Độc đáo ở đây không hẳn là về bố cục, ánh sáng hay màu sắc của bức ảnh mà là ý thức của người nghệ sĩ trong việc giữ gìn “đứa con tinh thần” của mình.

Tính lịch sử của bức ảnh nhiều khi còn giá trị hơn tính nghệ thuật của nó. Điều đáng quý là, cả hai bức ảnh “Bờ xe nước sông Trà” của Nguyễn Ngọc Trinh lại đạt được cả hai yếu tố đó. Có thể nói, cùng với nhạc sĩ Vân Đông với ca khúc trứ danh “Nhớ đàn xe nước”, hai bức ảnh nói về chủ đề này của Nguyễn Ngọc Trinh như những nhân chứng sống về dòng sông “giang tự sầu trường khúc” (sông như khúc  ruột quặn đau-thơ Cao Bá Quát) này.

Cũng như hàng trăm nhà báo ghi lại buổi lễ khởi công (lần 1) của Nhà máy lọc dầu Dung Quất  năm 1998, nhưng khi cần tấm ảnh “lịch sử” ấy thì chỉ có Nguyễn Ngọc Trinh mới “trưng” ra được!
 
Bờ xe nước sông Trà (năm 1972) của Nguyễn Ngọc Trinh.
Bờ xe nước sông Trà (năm 1972) của Nguyễn Ngọc Trinh.

Ngót 50 năm cầm máy, bước chân của Nguyễn Ngọc Trinh đã in lên hầu khắp các vùng miền, nhất là vùng núi và hải đảo của tỉnh Quảng Ngãi quê ông. Những buồn vui, còn mất ở những nơi mà ông từng  đặt chân đến, đã được Nguyễn Ngọc Trinh thu lại trong ống kính của mình bằng tất cả sự nâng niu, gìn giữ. Trong mỗi bức ảnh của ông có cả những tư liệu lịch sử của một vùng quê và cũng lung linh cái nhìn đa diện của người nghệ sĩ. Nguyễn Ngọc Trinh chưa bao giờ đoạt giải thưởng (vì ông không dự thi) ở bất cứ cuộc thi ảnh nghệ thuật  nào nhưng mỗi tấm ảnh của ông khi được  trình làng trước công chúng là buộc người xem phải nhớ đến tác giả của nó. “Bờ xe nước sông Trà” là một trong những bức ảnh như thế.

Nguyễn Ngọc Trinh đã ra đi cùng bờ xe nước sông Trà nhưng những bức ảnh ông ghi lại cái công trình ngăn nước trên sông độc đáo này thì còn mãi với tháng năm.

.