*TS. NGUYỄN ĐĂNG VŨ
(Baoquangngai.vn)- Cũng như ở nhiều nơi trên cả nước, mùa xuân là mùa lễ hội của Lý Sơn. Nhưng có lẽ, nhiều nơi đã mất dần nét xuân cổ truyền, thì trên hòn đảo hơn 10km2 này hẳn ta sẽ còn tìm thấy nhiều nét xuân xưa và cả những điều khác biệt.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hội làng
Dường như từ cuối tháng Chạp cho đến hết mùa xuân, không ngày trên đất đảo Lý Sơn lại vắng tiếng trống tiếng chiêng, tiếng nhạc ngũ âm, lời xướng trầm hùng theo nghi lễ cổ truyền. Áo thụng đỏ, áo thụng xanh, khăn đóng, áo dài ngược xuôi trên những con đường quanh co trên đảo. Người già, thanh niên, trẻ nhỏ không đến với hội làng, hội vạn, thì đến với hội xóm, hội lân.
Cổng Tò Vò, Lý Sơn. Ảnh: T.L |
Hội làng thì tổ chức ở đình làng. Lý Sơn giờ có 3 xã, là xã An Vĩnh, xã An Hải và xã An Bình (đảo Bé), nhưng thực ra, trong tâm thức người dân, thì Lý Sơn vẫn chỉ có hai làng: An Vĩnh và An Hải. Mỗi làng có một đình làng, là đình làng An Vĩnh và đình làng An Hải. Cả hai đình làng đều đã được xếp hạng di tích quốc gia. Hai mươi ba tháng chạp, các đình làng, lăng, dinh, miếu, nhà thờ các tộc họ bắt đầu dựng nêu, và cũng bắt đầu từ ngày đó, dường như 17 tòa dinh miếu ở An Hải, và 18 tòa dinh miếu ở An Vĩnh không ngày nào nghỉ ngơi lễ nghi tế tự.
Ngày tế lễ đình làng An Vĩnh không chỉ dành cho con cháu 6 vị tiên công là Lê, Nguyễn, Võ Văn, Võ Xuân, Phạm Văn, Phạm Quang mà còn cho các con cháu các vị hậu hiền lập nghiệp. Ngày tế đình làng An Hải cũng như thế, không chỉ cho 7 vị tiền hiền khai sáng là Nguyễn, Dương, Trương, Trần, Võ, Nguyễn Đình, Nguyễn Văn. Ở khu vực đình làng diễn ra nhiều ngày tế tự chung cho tất cả các tộc họ, tế Thành Hoàng, Tế Tiên công, tế xuống nghề, Tế xuống thuyền, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ hội đua thuyền. Trong số nghi lễ đó, thì lễ hội đua thuyền và Lễ Khao lề là tiêu biểu nhất.
Người Lý Sơn có câu ca: “Mùng bốn có hội đua ghe/Cho đến mùng bảy bắt phe dồi bòng”. Mỗi làng có 4 thuyền đua mang tên 4 linh vật Long, Ly (Lân), Quy, Phụng. Sau lễ xuống thuyền rất đỗi thiêng liêng ở các dinh miếu, các thuyền đua sẽ tập trung tại khu vực mặt biển trước đình làng để thực hiện nghi lễ cáo yết và khai hội. Hàng nghìn người tham dự mỗi ngày đua tại hai đình làng. Sau khi kết thúc hội đua thuyền trong ba ngày là hội vật võ, hội dồi bòng - là hội cho trai tráng trong làng giành trái bòng mà ông cả làng tung cao ra từ ban thờ Thành Hoàng; thanh niên của xóm nào ném được vào cái giỏ tre treo trên cây cao là xóm đó, lân đó thắng cuộc. Trước đây còn có chơi đu. Hơn hai mươi nay, kể từ ngày thành lập huyện (1993), lại thêm một ngày đua chung cho cả hai làng nữa, đó là hội đua thuyền cho cả hai làng vào ngày mùng Tám.
Quang cảnh Lễ khao lề Thế lính Hoàng Sa. |
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, là nghi lễ chỉ diễn ra trong mùa xuân, nhằm tế sống cho những binh phu đi trước khi xuống thuyền đi Hoàng Sa và tưởng nhớ những binh phu không có cơ may trở về bản quán. Hàng nghìn người đến với lễ khao lề ở hai đình làng, không chỉ để tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân có công lao bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông mà còn xem hội đua thuyền lại được tổ chức một lần nữa vào ngày lễ thiêng liêng này, xem hát bộ, múa lân, lễ rước, nghe hát bài chòi, hát hò hát hố… Đặc biệt là để xem nghi lễ do ban tế tự và thầy pháp làm nghi lễ hiến tế cho vong linh lính Hoàng Sa, xem thả thuyền lễ trên mặt biển…
Hội xóm – hội lân
Nhưng không chỉ hội làng ở đình làng, ở các lăng của vạn chài. Làng An Vĩnh còn có 2 xóm: Xóm Đông và Xóm Tây, và 7 lân – một đơn vị tự quản theo thiết chế tín ngưỡng mà nhiều nơi đã mất: An Hòa, Vĩnh Hòa, Vĩnh Lộc, Vĩnh Xuân, Vĩnh Lợi, Vĩnh Thành, Tân Thành. Mỗi xóm, mỗi lân thờ một hoặc nhiều vị thần khác nhau và có những ngày tế tự khác nhau. Đặc biệt là lân Vĩnh Lợi, với thiết chế tín ngưỡng là Âm Linh Tự (di tích quốc gia), tế tự âm hồn, chiến sĩ trận vong, binh phu đi Hoàng Sa.
Nếu làng An Vĩnh có 2 xóm thì làng An Hải có 4 xóm: Xóm Tây, Xóm Đông, xóm Trung Yên và xóm Trung Hòa với 5 lân: Đông Hải, Đông Thạnh, Trung Chánh, Đồng Hộ, Lý Nhơn. Tiêu biểu nhất là lễ tế tự tại dinh Trung Yên còn nguyên kiểu dáng kiến trúc cổ xưa, u tịch, thờ Thiên Y A Na, cạnh miễu Con Bò (Bò thần Nadin) của người Chăm thuở trước, và dinh Tam Tòa thờ thần Bạch Mã.
Trên đất đảo Lý Sơn còn một thiết chế tự quản khác, đặc trưng của ngư dân, đó là vạn chài. Trong làng An Vĩnh có vạn chài Vĩnh Thạnh, với các thiết chế tín ngưỡng: Lăng Chánh, lăng Thứ, lăng Tân, lăng Cồn, thờ Cá Ông và các thủy thần. Làng An Hải, tuy không có thiết chế vạn, nhưng có lăng Đông Hải cũng thờ Cá Ông. Mùa xuân là mùa tế lễ thần Nam Hải, mùa lễ Cầu ngư tại các lăng của vạn chài và trên các con thuyền trang trí lộng lẫy đi dọc đảo, với trống chiêng, cờ, lọng...
Mùa xuân hội làng, hội xóm, hội lân, hội vạn chài trên đất đảo Lý Sơn thật rộn ràng, náo nức. Ngoài 38 đình làng, lăng miếu đã nói ở trên, Lý Sơn còn hàng trăm nhà thờ của các tộc họ tiền hiền, hậu hiền, các nghĩa từ, nghĩa trũng, chùa chiền, các ngôi nhà rường, nhà lá mái cổ xưa mà vào mùa xuân luôn ngập tràn lời chúc tụng, lời hát hò hát hố, hát vè, hát lý… đặc trưng vùng biển đảo và những câu chuyện kể về những vị tiền hiền khai cơ lập nghiệp, về những hùng binh Hoàng Sa thuở trước…
Có một điều thật kỳ diệu, mà chắc hẳn ít nơi nào có được, đó là huyện đảo này chỉ có 10km vuông, với hơn 22 nghìn người sinh sống, nhưng lại có nhiều tôn giáo cùng tồn tại: Phật giáo, Cao đài, Công giáo, Tin lành. Tuy vậy, dù có theo đạo nào, thì vào ngày xuân, ngày lễ hội, ngày tế tự mọi giáo dân đều đến với đình làng, lăng miếu, đều chung tay góp vào ngày vui chung của cộng đồng.
Và không chỉ là trẩy hội
Đến với Lý Sơn mùa xuân, chắc hẳn không chỉ là đi xem lễ hội. Cùng với khu bảo tồn về hệ sinh thái biển đặc trưng với hơn 700 loài động thực vật biển dưới nước mà Chính phủ đã phê duyệt, Lý Sơn còn là một bảo tàng về lịch sử núi lửa biển. Hơn 70 phần trăm đất đai, núi đồi Lý Sơn là dấu tích của những đợt phun trào nham thạch cách đây 250 đến 300 triệu năm trước. Những đợt phun trào nham thạch đó đã tạo nên những thắng cảnh tiêu biểu không chỉ của Lý Sơn mà là của cả nước, như Chùa Hang, Chùa Đục, Hang Câu, Thới Lới, Giếng Tiền, Cổng Tò Vò, Bãi Sau, Hang Kẻ Cướp, Hòn Mù Cu…
Lý Sơn tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách. Ảnh TL |
Đến với Lý Sơn du khách sẽ còn nhận diện là một con đường thương mại trên biển hàng nghìn năm trước qua dấu tích những con tàu cổ đắm quanh đảo Lớn, đặc biệt là ở đảo Bé. Và Lý Sơn, có lẽ nhiều người cũng đã biết rằng: Hòn đảo này lâu nay vẫn được xem là một bảo tàng sống động về lịch sử chủ quyền biển đảo qua những di tích: Âm Linh Tự, các đình làng, nhà thờ các cai đội, chánh đội trưởng Hoàng Sa, như Võ Văn Khiết (1789), Võ Văn Phú (1803), Phạm Quang Ảnh (1815), Phạm Hữu Nhật (1836)…, hằng trăm ngôi mộ chiêu hồn các binh phu Hoàng Sa, hàng vạn trang tài liệu Hán Nôm được lưu giữ trong các nhà thờ của các dòng họ…
Hàng vạn người đã đến với Lý Sơn trong những mùa xuân qua, ắt hẳn không chỉ là đi trẩy hội để hiểu về vùng văn hóa biển đặc trưng, về con người đất đảo, hay để thưởng thức những đặc sản như hải sâm,rau câu, nhum biển, ốc biển và nhiều món ẩm thực nổi tiếng khác, mà còn muốn thưởng ngoạn một mảnh đất còn khá nguyên sơ với những thắng cảnh độc đáo, những di tích cổ xưa và trải nghiệm với chính mình về lòng yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ./.