Thức cùng "hồn chiêng"

09:02, 23/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghe tiếng chiêng nhịp nhàng cùng điệu a giới tươi vui cất lên ở nhà văn hóa thôn, người dân thôn Đam, xã Trà Trung (Tây Trà) liền dắt nhau tìm đến để lắng nghe, cổ vũ. Dường như đã lâu rồi, những người Cor của thôn Đam mới lại được đắm chìm trong lời ca, điệu vũ vốn đang dần mai một trong nhịp sống hối hả đương đại.

TIN LIÊN QUAN

Tiếng chiêng, điệu vũ gắn kết cộng đồng

8 giờ tối, lớp học đánh cồng chiêng và múa cà đáo cho thế hệ trẻ ở Trà Trung chính thức bắt đầu. Nhưng mới 7 giờ, bất chấp cơn mưa đang dần nặng hạt, những người già, trẻ ở thôn Đam, xã Trà Trung đã có mặt ở nhà văn hóa thôn để chờ đợi. Già Nguyên, mí Bường... tỉ mỉ hướng dẫn cho lớp thanh niên quấn khố, váy áo... cho thật đúng với cách của người Cor mình. Niềm vui khi được tận mắt chứng kiến lớp thanh niên vẫn còn tâm huyết giữ gìn bản sắc dân tộc hiện rõ trên từng gương mặt của các cụ già thôn Đam.

Lớp học cồng chiêng, múa cà đáo đã
Lớp học cồng chiêng, múa cà đáo đã "kéo" được người trẻ về với bản sắc dân tộc Cor.


Cụ Hồ Thị Bường, ngụ ở thôn Đam, xúc động cho hay: “Khi già còn trẻ, hễ là người Cor thì mặc trang phục riêng của người Cor. Nhưng giờ lớp trẻ chẳng còn ăn mặc như vậy nữa. Bởi vậy, khi nhìn thấy các cháu mặc lại trang phục của người Cor, rồi học đánh chiêng, múa cà đáo, già như thấy lại được khung cảnh ngày trước”.

Háo hức được xem và nghe lớp thanh niên của xã đánh chiêng, múa cà đáo; nên khi tiếng chiêng đầu tiên vừa vang lên, tất thảy mọi người đang có mặt ở nhà văn hóa thôn Đam đều vỗ tay khích lệ. Như được tiếp thêm sức mạnh, 15 thành viên của lớp học cồng chiêng, múa cà đáo hăng say thả hồn mình vào tiếng chiêng, điệu múa. Người sau bước nối tiếp với người trước, tạo thành một vòng tròn quay quần giữa tiếng hò reo, cổ vũ.

Kéo người trẻ về với bản sắc dân tộc

Không giấu được niềm hạnh phúc khi nhìn thấy sự quan tâm của người dân trong xã dành cho lớp học, Hồ Văn Thanh, thành viên của lớp dạy đánh chiêng, múa cà đáo cho biết: “Mặc dù đã 24 tuổi rồi, nhưng trước giờ mình chỉ nhìn người lớn đánh chiêng chứ chưa bao giờ học cả. Khi được thuyết phục tham gia lớp học, mình hơi lưỡng lự. Nhưng khi bắt đầu học cách đánh chiêng, được nhìn thấy sự quan tâm mong mỏi của mọi người; mình hiểu được việc gìn giữ cách đánh cồng chiêng là một nghĩa vụ rất thiêng liêng”.

Để người trẻ không lãng quên bản sắc văn hóa của dân tộc; già làng Hồ Văn Xuân, Hồ Văn Hương của xã Trà Trung đã không ngần ngại bỏ ra thời gian, công sức để truyền lại cho thế hệ trẻ nghệ thuật đánh chiêng. “Tập cho các cháu đánh chiêng cũng vất vả lắm. Vì tất cả đều chưa biết gì cả. Nhưng tôi không cần trả công. Chỉ mong sao các cháu chịu học, để bản sắc của ông cha không bị thất truyền”, già Xuân mong mỏi.

Ông Nguyễn Quốc Bảo - Bí thư Đảng ủy xã Trà Trung mong mỏi: “Xã tổ chức lớp dạy cồng chiêng, múa cà đáo như thế này là để nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ, thu hút sự quan tâm của họ với bản sắc văn hóa của dân tộc. Trong thời gian đến, xã sẽ kết hợp với nhà trường; mời các già làng đến dạy cho các em học sinh đánh chiêng… để giữ cho nghệ thuật đánh chiêng, múa cà đáo của người Cor không bị mai một”…

Nhìn 15 thanh niên của xã đang tâm huyết học đánh chiêng, múa cà đáo, những người trẻ đang có mặt tại nhà văn hóa thôn Đam cũng bắt đầu rôm rả hỏi thăm cách thức tham gia lớp học. Người già thì chuyện trò, nhận xét và chỉnh lại các động tác cho đội đánh chiêng, múa cà đáo. Cứ thế, lớp học kéo dài mãi đến tận 11 giờ khuya vẫn chưa chịu ngừng. Thỉnh thoảng, trong lúc cao hứng, các cụ già của thôn Đam lại bắt nhịp hát điệu a giới, xà ru cho con cháu nghe. Không gian tĩnh mịch của núi rừng đêm nay thế là bị “đánh thức” bởi hồn chiêng, điệu hát ngọt ngào…

Bài, ảnh: Ý THU
 


.