"Giữ hồn” cho tiếng chiêng đồng bào Hrê vang mãi

06:08, 04/08/2013
.

(QNg)-  Giống như anh em các dân tộc vùng Trường Sơn Tây Nguyên, cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Hrê - Ba Tơ, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ. Hầu như trong các buổi sinh hoạt cộng đồng như: Cúng, tết cổ truyền, đâm trâu, đám cưới hay những buổi cao hứng bên ché rượu cần, các chàng trai, cụ già Hrê đều lấy chiêng ra đánh. Tiếng chiêng đã đi vào máu thịt của đồng bào Hrê, từ khi lọt lòng đến lúc trưởng thành, dựng vợ gả chồng và cả đến khi “khuất núi”.

TIN LIÊN QUAN

Chiêng là một loại nhạc khí được chế tác bằng đồng, đánh chiêng người Hrê gọi là “tộc chinh” (hay còn gọi là túc chinh), thường dùng phần mềm của tay, và kết hợp với ngón tay gõ vào chiêng trong khi đánh chiêng, chiêng Hrê phổ biến 3 chiếc chiêng khi hòa tấu, còn chiêng 5, chiêng 7... là những loại chiêng mới du nhập từ các dân tộc anh em vùng Trường Sơn Tây Nguyên.

Chiêng I gọi là chiêng “tộc”, thường treo lên vì nghệ nhân sử dụng chiêng này dùng nhiều lực tay, nên nhanh mỏi. Chiêng II gọi là chiêng “vồng”, âm lượng nhỏ hơn và lặng nghĩ nhiều hơn, nghệ nhân dùng một cánh tay giữ mặt chiêng, tay kia đánh vào chiêng. Chiêng III gọi là chiêng “tùm”, âm này điều khiển chiêng I và II dùng lòng bàn tay vừa đánh vừa bịt tiếng.

 

 Đội nghệ nhân huyện Ba Tơ tham gia giao lưu đánh, múa cồng chiêng tại làng văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Hà Nội.
Đội nghệ nhân huyện Ba Tơ tham gia giao lưu đánh, múa cồng chiêng tại làng văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Hà Nội.


Chiêng III có loại chiêng với 3 âm thanh và độ dày khác nhau, sử dụng trong không gian và bối cảnh khác nhau. Chiêng Vều, chiêng V`roang  (âm trầm hơn chiêng Vều), ở xã hội xưa của đồng bào Hrê, hai loại chiêng này, người dân bình thường sử dụng, đánh trong các dịp cúng, tết, đám cưới. Còn chiêng V`roong, âm rất thanh cao, thường chỉ có người giàu có sử dụng, thường đánh trong lễ hội đâm trâu là nhiều. Chiêng Vều và chiêng V`roang có bề dày hơn so với chiêng V`roong. Độ dày mỏng khác nhau, nên cho ra những âm thanh của các dàn chiêng đặc trưng khác nhau. Và người Hrê cũng thường có 3 bài chiêng cơ bản, đánh Kaoa, đánh l`ray, đánh r`lee được dùng trong các ngày tết cổ truyền, đâm trâu, đám cưới… để cho tiếng chiêng ngân dài, vang hơn và đặc sắc hơn nửa, người Hrê thường kết hợp với các điệu múa dân tộc mình như điệu múa xúc óc nóc, múa mô phỏng phát chòi, tỉa ngô, làm cỏ…

Đối với đồng bào Hrê tiếng chiêng như là cầu nối giữa con người với các vị thần linh, như lời kể than hay mừng vui của đồng bào Hrê đến các vị thần và cầu mong các vị thần che chắn. Chính bởi tiếng chiêng rất quý và gần gũi với đồng bào Hrê nên nhiều thế hệ người Hrê đã lưu truyền và gìn giữ tiếng chiêng và trở thành nét văn hóa đặc sắc, tinh tế.

Tiêu biểu cho các nghệ nhân người Hrê ở huyện miền núi Ba Tơ, là ba nghệ nhân: Phạm Văn Rân, Phạm Văn Họ, Phạm Văn La ở thôn Bà Nhà, xã Ba Giang đã được tham gia kỳ liên hoan dân ca, dân vũ do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam tổ chức tại Phú Yên năm 2013. Ngoài ra, ba nghệ nhân này còn nằm trong đội đánh, múa cồng chiêng Hrê được tỉnh chọn đi giao lưu tại làng văn hóa các dân tộc ở Hà Nội. Các nghệ nhân đã đem tiếng chiêng truyền thống cùng với những điệu múa mượt mà của dân tộc mình giao lưu với các dân tộc anh em khác và quảng bá hình ảnh của dân tộc mình với những nét đặc trưng riêng tới du khách tham dự liên hoan.

Ngay từ khi lọt lòng, ba nghệ nhân nói trên đã được nuôi dưỡng hồn chiêng từ các ông, các bác, các chú của mình và rồi hồn chiêng lớn dần theo tuổi tác của các ông. Dù tuổi già nhưng lòng đam mê đánh chiêng của ba nghệ nhân vẫn không mờ đi, mà ngày càng mãnh liệt. Họ là những người đã dấy lên cho lớp trẻ Hrê biết trân trọng và giữ gìn tiếng chiêng.  

Ông Phạm Văn Họ nói: “Lúc nông nhàn, không bận việc nương rẫy ngồi  uống rượu cần, ông thường cùng những người bạn  ngồi bên ché rượu cần gởi lời tâm sự qua những bài chiêng như để nhớ lại những kỷ niệm xưa, ôn lại những bài chiêng truyền thống”.


 Nét văn hóa đặc sắc của người Hrê chắc chắn sẽ tỏa sáng mãi với thời gian. Để làm được việc đó, rất cần sự chung tay gìn giữ của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ người Hrê.


Thị Hồng

 


.