Trăn trở nghệ thuật hát sắc bùa

02:12, 19/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hát sắc bùa là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian mang tính chất nghi lễ phong tục, chủ yếu diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán. Hiện nay, loại hình diễn xướng sắc bùa vẫn còn tồn tại ở một số địa phương trong cả nước như Hòa Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bến Tre… Tuy sắc bùa ở Quảng Ngãi phong phú hơn về làn điệu cũng như các hình thức diễn xướng và có những nét độc đáo hơn cả, nhưng loại hình nghệ thuật này dần đang mai một.

TIN LIÊN QUAN

Phong phú về làn điệu

Trước năm 1975, tục hát sắc bùa ở tỉnh ta vẫn còn khá phổ biến ở một số làng xã ven biển thuộc các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ. Đến nay, vì nhiều lẽ khác nhau, tục hát sắc bùa chỉ còn tồn tại ở làng Văn Hà (Đức Phong, huyện Mộ Đức), thôn An Thạch, An Thổ (xã Phổ An, huyện Đức Phổ). Trong đó, tục hát sắc bùa ở An Thạch và An Phổ (nay được gọi chung là sắc bùa Phổ An) còn khá nguyên vẹn, từ hệ thống làn điệu đến hình thức diễn xướng.

Đội sắc bùa Phổ An trình diễn tại Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định.
Đội sắc bùa Phổ An trình diễn tại Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định.


Là một trong số ít những người nghiên cứu di sản hát sắc bùa, tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VHTT&DL, cho biết: Hát sắc bùa ở Phổ An đã có từ xa xưa, không ai biết ông tổ của các đội sắc bùa ở đây là ai. Tuy nhiên, theo các nghệ nhân ở đây cho biết vào thời kháng chiến chống Pháp đã có những nghệ nhân hát sắc bùa tài danh như các ông Nguyễn Chạm, Trịnh Thiện, Nguyễn Lành, Trần Hàm, Nguyễn Nổi, Nguyễn Nhơn... Vào khoảng những năm 40, 50, gánh hát của hai ông Nguyễn Chạm và Trịnh Thiện không chỉ biểu diễn trong tỉnh mà còn đi lưu diễn ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, có khi ra cả Hội An…

Mặc dù trải qua những thăng trầm của lịch sử nhưng về cơ bản, hát sắc bùa ở Phổ An vẫn còn nguyên vẹn. Thông thường đội hát sắc bùa gồm có 11 người, trong đó có 4 ông cái (một ông chơi trống, một ông chơi đàn, một ông chơi kèn, một ông chơi phách) và 6 nữ làm quân (mỗi quân chơi một bộ sinh tiền) và một ông phụ cái.

Một chương trình hát sắc bùa phải theo trình tự: Phần thủ tục ban đầu là phần mang tính nghi lễ - phong tục với bài hát đầu tiên là bài “Mở ngõ”, rồi đến “Vào ngõ”, “Vô sân”, nêu lên mục đích, ý nghĩa của việc đội bùa đến nhà gia chủ. Sau cung đoạn hát nghi lễ, toàn đội tiếp tục thực hành nghi lễ mang tính phương thuật, ém quỷ trừ tà. Trước khi tiếp tục phần này gia chủ phải đem con gà trống đã làm sẵn ra cúng ngoài sân. Cúng vừa xong thì nhạc lại nổi lên một hồi, ông cái bắt đầu xướng phần đầu bài “Phạt mộc”, toàn đội xô sẽ theo ở đoạn sau.

Sau khi đã phạt mộc, phần nghi lễ cuối cùng và đây cũng là điểm mạnh của tục hát sắc bùa, đó là thực hiện nghi thức trấn bùa. Trống nhạc tiếp tục nổi lên, ông cái tiếp tục xướng bài “Trấn bùa”: “Vâng bùa Thượng đế/ Chiếu chỉ Ngọc Hoàng/ Bùa này xuống trấn dương gian/ Cấm chúa quỷ, tà ma ngoại đạo…”. Tiếp lời cái, toàn đội xô theo bài hát này. Đến đoạn ông cái xướng đến câu “Ba điệu bùa tui dán lên đây”, ông phụ cái cầm ba lá bùa bước lên cầu thang, hoặc ghế đã chuẩn bị sẵn để thực hiện nghi lễ dán bùa trên xuyên nhà.

Thực hiện nghi thức dán bùa xong coi như đã kết thúc phần thủ tục thực hành nghi lễ- phong tục, và toàn đội bùa sẽ được chủ nhà mời dùng rượu, bánh trước khi vào phần chúc nghề và múa hát giúp vui. Cụ Trần Biểu (79 tuổi) - đội trưởng đội bùa Phổ An, cho biết: Thông thường đội sắc bùa phải thuộc các bài chúc nghề, như Chúc nghề nông, Chúc nhà mới, Chúc dệt vải, Chúc nghề chăn tằm, Chúc nghề làm biển, Chúc nghề đi câu...

Trăn trở truyền nghề

Hát sắc bùa ở Quảng Ngãi là một hình thức diễn xướng nghi lễ với mục đích “xua quỷ, trừ ma, tống cũ, rước mới” và cũng là nhằm cầu chúc một năm mới mưa thuận gió hòa, cầu mong cho người yên vật thịnh, tấn tài tấn lộc, sống lâu tuổi thọ, trên thuận dưới hòa, trăm nghề tấn phát. Vì vậy, trước đây vào dịp năm mới, nhiều người dân ở xã Phổ An  mời đội sắc bùa về hát, nhưng giờ thì thưa vắng dần.

Cụ Trần Biểu trăn trở, hiện nay ở địa phương số người biết hát sắc bùa đếm trên đầu ngón tay, hầu như không có thanh niên hay trung niên nào thuộc lời bài hát sắc bùa. Còn học sinh khi học xong lớp 12, các em đi nơi khác học tập và mưu sinh nên việc truyền nghề  gặp nhiều khó khăn. Em Nguyễn Thị La Mi (lớp 9, Trường THCS Phổ An) là một trong 6 thành viên trong đội múa sắc bùa Phổ An, bộc bạch: “Em rất vui khi được tham gia vào đội sắc bùa. Em sẽ tiếp tục luyện tập để góp phần duy trì loại hình nghệ thuật đặc sắc này”.

Hai năm trở lại đây, để  gìn giữ và phát huy di sản hát sắc bùa, UBND huyện Đức Phổ đã mời đội sắc bùa xã Phổ An đến biểu diễn tại đêm giao thừa cho người dân xem. Sáng mùng 1 Tết, UBND xã Phổ An cũng tổ chức chào cờ và mời đội hát sắc bùa đến biểu diễn.

Ông Đặng Hoanh- Phó Chủ tịch UBND xã Phổ An cho hay, cái khó khăn hiện nay là địa phương không có kinh phí. UBND xã sẽ kiến nghị với Phòng VH-TT huyện Đức Phổ hỗ trợ kinh phí để đội sắc bùa của xã duy trì hoạt động, đồng thời có hướng để trao truyền cho thế hệ sau.

Tiếc nuối cho người ở lại

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa ký quyết định truy tặng nghệ nhân ưu tú cho ông Lê Công Lịch, ở xã Phổ An. Ông Lịch qua đời cách đây vài tháng ở tuổi 88 với hơn 70 năm trình diễn nghệ thuật hát sắc bùa. Năm 1996 nghệ nhân Lê Công Lịch được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng nghệ nhân dân gian. “Điều chúng tôi trăn trở nhất đó là cho đến nay, di sản văn hóa sắc bùa đang mai một một cách nhanh chóng mà chưa có cách gì gìn giữ, trao truyền cho thật sự hiệu quả. Việc nghệ nhân sắc bùa Lê Công Lịch mới mất mà tỉnh ta chưa có dịp ghi chép đầy đủ di sản sắc bùa mà ông gìn giữ suốt hơn 70 năm, cũng như chưa tạo được điều kiện tốt để ông trao truyền cho con cháu”, tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ tiếc nuối.

 

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.