(Baoquangngai.vn)- Ngôi nhà sàn đã trở thành nét đặc trưng trong đời sống vùng cao. Bên cạnh những ngôi nhà sàn có từ lâu đời, thì nay, người dân đang cùng chung sức dựng nên những ngôi nhà sàn mới, hiện đại nhưng không mất đi những nét truyền thống vốn có.
TIN LIÊN QUAN |
---|
“Cách tân” nhà sàn
Từ bao đời nay, nếp nhà sàn đã gắn bó thân thuộc với vùng cao, làm nên một nét đặc trưng trong văn hóa sinh hoạt giàu bản sắc. Trung tuần tháng 5, về với các thôn ở xã Ba Tơ, đi trên con đường bê tông thẳng tắp, đoạn qua xã Ba Tô, xóm nhà sàn Vàng Rỉa ở thôn Mang Lùng 2 hiện lên như một bức tranh, đậm nét miền quê núi.
Nơi đây, xen kẽ những ngôi nhà sàn truyền thống cột gỗ và mái tranh còn lưu giữ là những ngôi nhà sàn hiện đại với cột bê tông và mái ngói đỏ rực. Sự thay đổi chất liệu làm nhà từ vật liệu có sẵn trên thị trường đã khẳng định được tư duy mới của đồng bào Hrê trong tiến trình hội nhập.
Bên bát chè tươi sóng sánh như chắt từ hương rừng, vị núi, trưởng thôn Mang Lùng 2 Phạm Văn Thái không giấu nổi niềm vui khi điểm lại toàn thôn có đến 16 nhà sàn theo kiểu hiện đại này. Trong số này, có đến 13 nhà người dân tự làm và 3 nhà được nhà nước hỗ trợ.
Cận cảnh ngôi nhà sàn trụ bê tông, mái ngói đỏ ở vùng cao. |
Cùng trưởng thôn đến thăm gia đình chị Đinh Thị Ùn, 37 tuổi, một trong những gia đình có kiểu nhà sàn như thế. Chị Ùn chia sẻ, nhà chị trước đây cũng là nhà sàn cột gỗ, mái tranh nhưng theo thời gian gỗ mục nên ngôi nhà bị hỏng. Lẽ ra phải làm lại cách đây 4 năm nhưng lại không có gỗ. Mua ngoài thị trường thì giá cao, cả gia tài cũng không đủ mua được một nửa số cột gỗ cần làm.
Không có nhiều nguyên liệu gỗ, gia đình chị chọn cách làm nhà sàn hiện đại, trụ bê tông và mái ngói, chắc chắn mà đẹp. Gom góp tiền đến đâu chị đổ trụ bê tông đến đó và thi công dần. Mỗi trụ chi phí là 3,5 triệu đồng. Sau một năm thi công, tháng 12 năm ngoái, ngôi nhà được hoàn thành với 12 trụ bê tông, mái lợp ngói. Tuy nhiên, sàn và tường nhà vẫn theo kiểu nhà sàn truyền thống. Tổng chi phí cho ngôi nhà là 60 triệu đồng.
Nhờ vào nguồn vốn hỗ trợ 40 triệu đồng của nhà nước, gia đình ông Phạm Văn Ruông, 65 tuổi cũng vừa hoàn thành ngôi nhà sàn như chị Ùn, với kinh phí hơn 100 triệu đồng trong niềm vui ngập tràn.
Ông Phạm Văn Ruông niềm nở: “Với số tiền này, tôi có thể xây một ngôi nhà cấp 4. Tuy nhiên, với điều kiện địa hình, khí hậu ở vùng cao, sống trong ngôi nhà sàn vẫn thấy phù hợp, thỏa mái hơn. Thấy kiểu nhà sàn trụ bê tông, lợp ngói đẹp, tiện ích và bền vững, có thể chống được gió bão và không sợ đổ bởi các cột bê tông đều có móng sâu nên tôi vay mượn thêm làm luôn”.
Theo Trưởng thôn Phạm Văn Thái, nền nếp sinh hoạt ở nhà sàn đã in đậm trong tiềm thức của nhiều thế hệ sinh ra và lớn lên ở vùng cao. Do nguyên liệu lá tranh ngày càng cạn kiệt vì sự xuất hiện của những rừng keo thay thế; nguyên liệu gỗ làm nhà càng khó khăn hơn, giá thành lại cao nên việc bảo tồn, sửa chữa những ngôi nhà hay xây dựng mới nhà sàn bằng gỗ là rất khó khăn đối với người dân”.
Cũng theo anh Thái, sau khi nhà sàn truyền thống bị hư hỏng, có tiền, nhiều hộ đã tính đến phương án làm nhà xây. Tuy nhiên, nay có phong trào làm nhà sàn bằng trụ bê tông, lợp ngói nên họ quay sang làm nhà sàn. Cách làm mới này lúc đầu nhiều người không mặn mà. Sau một thời gian sử dụng, ai nấy đều ủng hộ.
Cần nhân rộng
Nhà sàn “thời hiện đại” này không chỉ lưu giữ nét thẩm mỹ của ngôi nhà sàn truyền thống, mà còn giữ được bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Bởi lẽ, nó chỉ thay đổi nguyên liệu làm trụ bê tông, mái ngói, sàn và tường. Tùy theo điều kiện, sàn nhà có thể được làm bằng gỗ hoặc đổ bê tông, lát gạch hoa giả vân gỗ. Tường nhà cũng vậy, có nhà bằng ván, trát bằng đất hoặc bằng xi măng, có nhà đan bằng tre, nứa. Tuy nhiên, các yếu tố về kiểu dáng, không gian thiết kế vẫn còn vẹn nguyên.
Thôn Mang Lùng 2, một trong những nơi có nhiều nhà sàn "kiểu mới" nhất ở xã Ba Tô. |
Xét về hiệu quả kinh tế, làm nhà sàn trụ bê tông chi phí chỉ bằng khoảng 2/3 số tiền làm nhà sàn bằng gỗ truyền thống. Khắc phục được tình trạng mối, mọt, đảm bảo tính bền vững trong thời gian dài. Với điều kiện biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở núi, lũ quét, nhà sàn bằng cột móng bê tông sẽ làm cho “lũ khó cuốn trôi, gió bão không thổi rời phần mái”.
Hơn thế nữa, việc thay đổi thói quen làm nhà bằng gỗ của người dân đã và đang hạn chế được tình trạng phá rừng cũng như tình trạng di dân tự do. Anh Phạm Văn Thái bộc bạch:“Trước đây để có gỗ làm nhà nhiều người trong thôn phải vào rừng khai thác. Từ ngày chuyển sang làm nhà sàn trụ bê tông, tình trạng này được hạn chế. Không phá rừng, không phải ở nay đây mai đó, giờ mọi người đã có chỗ ở ổn định và chỉ lo làm ăn.”
Theo chị Đinh Thị Y Ban Quý, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Ba Tơ, phong trào làm nhà sàn bằng cột bê tông xuất hiện trên địa bàn huyện từ nhiều năm nay. Không chỉ ở Ba Tô, đặc biệt là trong khoảng ba năm trở lại đây, phong trào xuất hiện nhiều trên địa bàn xã Ba Điền, Ba Vinh, Ba Nam, Ba Thành…
Sự cải tiến này khá hợp lý, chẳng những không làm mất đi nét “duyên” của nhà sàn truyền thống mà còn khá phù hợp với điều kiện kinh tế của các hộ gia đình vùng cao. Đồng thời, góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn ...
Bài, ảnh: Th.Hậu