Giữ nếp nhà sàn

08:05, 22/05/2012
.

(QNg)- Dẫu bao tập quán sinh hoạt đời thường của đồng bào Hrê xã Ba Vinh (Ba Tơ) thay đổi, nhưng họ vẫn giữ nếp nhà sàn truyền thống và xem đó là niềm tự hào.

TIN LIÊN QUAN


Không gian của đồng bào Hrê

Chúng tôi men theo bờ suối Nước Lá vào thôn 7. Những ngôi nhà sàn nằm dưới chân núi, rợp bóng cây, mát rượi. Tiếp chúng tôi trên đầu tra chính của nhà sàn truyền thống già làng Phạm Văn Truyền tự hào: "Mùa này ở nhà sàn mát lắm. Cán bộ ở huyện, ở tỉnh về làm việc ở xã lỡ buổi đều đến nhà già xin trú qua trưa.

Nhà sàn truyền thống của người Hrê Ba Vinh
Nhà sàn truyền thống của người Hrê Ba Vinh


Nói rồi, già đưa tôi vào bên trong nhà sàn. Nhà không có vách ngăn, chỉ có một khoảng không gian trống hình chữ nhật. Những cây "noong" (cây phân cách) được cột ngang dọc giữa sàn nhà. Phần phía trên cây là để mền chiếu, nơi ngủ nghỉ. Phía dưới dải cây phân cách là bếp nấu. Trên bếp có giàn giăng đủ loại rổ, gùi, giỏ... Tôi tò mò hỏi già, nhà sao có đến 3 bếp. Già bảo: "Có 3 gia đình. Mỗi bếp tương ứng với mỗi chỗ nằm". Đi thẳng ra đầu tra phía sau chẳng khác nào như nhà dưới của người Kinh. Những vật dụng sản xuất, chăn nuôi, chất đốt đều để ở đây.

Ngôi nhà sàn của già Truyền chẳng khác những ngôi nhà sàn truyền thống có từ xa xưa. Nhà sàn của đồng bào Hrê được dựng lên xuất phát từ tập quán sinh sống của bà con ở ven sườn núi, chăn nuôi thả rông. Làm nhà sàn cách mặt đất nhằm tránh thú rừng, ẩm thấp. Cũng từ ngôi nhà sàn này cứ mỗi dịp lễ, tết đến, bà con quây quần bên ché rượu cần vui chơi, nhảy múa theo điệu cồng chiêng. Hay như ngày đông về trong bếp lửa nhà sàn luôn có gộc cây khô đốt sáng, đủ sưởi ấm cho cả gia đình mà không cần đến chăn ấm...

Chính vì sinh ra và lớn lên trong nếp nhà sàn mà không biết bao lần nhà hư hỏng già Truyền sửa lại hay làm mới đều chọn xây dựng theo cách nhà sàn truyền thống. Già bảo: "Nhờ trồng cây keo, sản xuất lúa nước theo người Kinh, kinh tế dần phát triển. Giờ, già đủ sức xây dựng nhà trệt, tráng xi măng, sườn cốt thép, nhưng già chỉ thích ở nhà sàn thôi! Ngôi nhà này trị giá đến 200 triệu đồng, già vẫn xây dựng lại".  

Dọc theo sườn đồi nhấp nhô còn có nhiều ngôi nhà sàn khác nép mình dưới những rặng mít, xoài lâu năm. Anh Phạm Văn Hoàng đang làm  lại ngôi nhà sàn, nhưng sườn nhà đổ bằng bê tông cốt thép, nghe hỏi giải thích: "Tập quán mình khác người Kinh, nên làm nhà sàn mới phù hợp.  Trước đây, mình đã từng ở nhà trệt, nhưng sinh hoạt không tiện, nóng lắm. Giờ xây dựng nhà này, vợ con, cha mẹ hai bên đều ủng hộ".

Anh Hoàng đã dành dụm được 200 triệu đồng để xây dựng lại ngôi nhà sàn, sườn bằng bê tông cốt thép vững chắc. Anh bảo: "Làm nhà sàn bằng xi măng cốt thép, mái lợp ngói để thay thế gỗ, tranh sẽ bền vững hơn, nhưng tập quán sinh hoạt vẫn không thay đổi".

Giữ mãi nếp nhà sàn

Nhà sàn ở xã Ba Vinh tuy còn khá nhiều so với các nơi khác, nhưng trong xu thế kinh tế phát triển, một số gia đình ở trung tâm xã đã chuyển sang làm nhà trệt, xây dựng bằng xi măng cốt thép. Tuy vậy, để quen với nếp sống sinh hoạt nhà trệt, họ phải thay đổi thật nhiều. Nếp văn hóa nhà sàn ngày càng mai một dần.

Thấy sự bất lợi này và cũng là cách để giữ gìn nếp văn hóa nhà sàn truyền thống, xã đã có kế hoạch phục dựng nguyên bản nhà sàn truyền thống tại trung tâm xã. Chủ tịch UBND xã Ba Vinh Phạm Văn Rạch cho biết: Hiện xã đã ngâm tre, trẫy, mây, gỗ để khi làm nhà sàn mọt khỏi ăn. Nguồn vật liệu này xã huy động bà con đóng góp và cứ 3 cán bộ xã hỗ trợ một cây ké. Sau khi vật liệu ngâm đến kỳ hạn, xã sẽ mời mỗi thôn 10 già làng có kinh nghiệm về cách dựng nhà sàn đến tham gia. Theo thiết kế, ngôi nhà có chiều dài 22 mét, rộng 4 mét. Nhà xây dựng theo mô hình 3 bếp, tượng trưng cho 3 thế hệ sinh sống.

Cách phục dựng nhà sàn truyền thống tại trung tâm xã nhằm mục đích phục vụ cho các cuộc hội họp đồng bào ở các thôn. Qua đó, nhắc nhở con cháu, giữ gìn kiến trúc nhà sàn truyền thống của đồng bào mình.


Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.