(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, huyện Ba Tơ đã chú trọng bảo tồn văn hóa của đồng bào Hrê thông qua việc thành lập các đội chiêng, tổ chức thi đấu, đồng thời tiến hành sưu tầm các loại nhạc cụ cùng các làn điệu của dân tộc Hrê như ta-lêu, ca-choi…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cũng như đồng bào thiểu số ở các huyện miền núi trong tỉnh, đồng bào Hrê Ba Tơ cũng có những nhạc cụ riêng của dân tộc mình để sử dụng trong các lễ hội, hay mỗi dịp Tết đến Xuân về. Đó là dàn chiêng ba, chiêng goang và chiêng năm. Khi đánh chiêng lên cũng là lúc cả làng rộn ràng với các điệu múa ca-choi, ta-lêu, H’mon...
Tấu chiêng năm ở xã Ba Nam. |
Bên cạnh cồng chiêng, đồng bào Hrê còn chế tác các loại nhạc cụ như sáo tà lía, đàn krâu, sáo tà vố, đàn chinh kala… Các loại nhạc cụ này được chế tác từ các loại cây rừng, bằng đất sét. Qua bàn tay của các nghệ nhân trở thành những nhạc cụ biểu cảm được tâm trạng buồn, vui, tỏ tình, ru con...
Bà Đinh Thị Y Ban Quý – Trưởng Phòng VH-TT&DL huyện Ba Tơ, cho biết: Các loại nhạc cụ này đều có từ thuở xa xưa, đều gắn liền với cuộc sống sinh hoạt nương rẫy nơi đại ngàn của đồng bào dân tộc. Nhưng rồi, lớp người xưa dần đi vào cõi vĩnh hằng, còn lớp trẻ lại sính nhạc ngoại, nhiều nhà mua cả giàn karaoke để hát, trong đám cưới còn thuê cả dàn nhạc. Chiêng ba, chiêng năm ngày xưa cha ông của họ đổi cho người Kinh tính bằng con trâu, giờ đem bán. Nhiều già làng thấy cảnh này xót xa: “Kiểu này, rồi đám trẻ chẳng còn biết gì về cội nguồn của dân tộc”. Còn ngành chức năng thì hết sức lo ngại trước thực trạng này.
Để bảo tồn văn hóa của đồng bào Hrê, năm 2010, UBND huyện chỉ đạo cho ngành văn hóa Ba Tơ tập trung bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào. Phòng đã chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập đội cồng chiêng, tổ chức tập luyện và biểu diễn cồng chiêng, các làn điệu dân ca nhằm khơi dậy niềm đam mê các loại nhạc cụ truyền thống trong đồng bào, đồng thời tổ chức thi cụm liên hoan cồng chiêng đàn hát dân ca. Qua các cuộc thi này, ngành đã chọn ra các nghệ nhân tiêu biểu để tôn vinh và truyền dạy cho thế hệ cháu con.
Đến nay, toàn huyện Ba Tơ đã bảo tồn được gần 2.370 bộ cồng chiêng. 19/20 xã thị trấn ở huyện Ba Tơ đã thành lập đội cồng chiêng. Trong đó có các xã phát triển rất mạnh như Ba Nam, Ba Thành, Ba Chùa, Ba Giang và Ba Lế…
Có mặt tại vùng cao xã Ba Nam trong Tết ngã rạ mừng mùa lúa mới, chúng tôi mới hiểu hơn nét độc đáo và niềm say mê khi những thanh niên, thanh nữ trong làng gõ túc chinh. Sau khi cúng thần linh, những hũ rượu cần được bày ra thơm nức, bên cạnh món thịt trâu nướng, thịt trâu nấu lá sưng và những chén muối ớt, dân làng cùng nhau ăn uống no nê. Sau đó, cánh thanh niên, thanh nữ gõ túc chinh và nhảy múa. Đàn ông, đàn bà và trẻ em cũng lập tức quây thành vòng tròn để động viên, tán thưởng cánh thanh niên. Những cô gái Hrê trong trang phục dân tộc lắc lư thân mình theo tiếng chiêng. Tiếng chiêng vang qua những nóc nhà sàn, vọng đến tận rừng sâu. Hòa mình cùng điệu nhảy, nghe tiếng cồng chiêng, chúng tôi hiểu thêm nét đẹp văn hóa cồng chiêng của người Hrê.
Bà Đinh Thị Y Ban Quý cho biết: Sau khi củng cố các đội cồng chiêng, Phòng đã tổ chức thi đấu, chọn lựa đội khá nhất tham gia các lễ hội văn hóa được tổ chức ở Phú Yên, Lâm Đồng. Tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được tổ chức tại Lâm Đồng vào tháng 10.2014, đoàn Ba Tơ đã giành giải nhất toàn đoàn với các tiết mục diễn xướng văn hóa dân gian của đồng bào Hrê và đạt giải ba với tiết mục trình diễn trang phục truyền thống.
Tuy vậy, bà Đinh Thị Y Ban Quý lo lắng: “Các nhạc cụ đơn lẻ như đàn ta lía, ra-ngói, prooc, ka-râu, chinh-kala đã dần mai một. Hiện nay Phòng đang xây dựng đề án “bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn huyện”. Trong đề án này, chúng tôi sẽ chú trọng khôi phục lại các nhạc cụ truyền thống đơn lẻ. Dự kiến đề án sẽ hoàn thành vào tháng 6.2015. Sau khi hoàn thành, có kinh phí, đơn vị sẽ mời các nghệ nhân ở các xã Ba Giang, Ba Vinh, thị trấn Ba Tơ về dạy cho con em đồng bào trong độ tuổi thanh, thiếu niên nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của người Hrê Ba Tơ.
Bài, ảnh: MAI HẠ