(Báo Quảng Ngãi)- Hát hố là loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của Quảng Ngãi. Tiếc rằng những người lưu giữ làn điệu xưa này chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
TIN LIÊN QUAN
Cụ ông 93 tuổi và chuyện tình qua lời hát hố
Lần theo con đường bê-tông dọc tuyến đường ray xe lửa (đoạn qua tổ 12, phường Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi), chúng tôi tìm đến nhà cụ ông Bùi Phụ Tiệm. Trong ngôi nhà cổ có một không hai ở TP.Quảng Ngãi với niên đại 170 năm cách ngày nay, cụ ông chân gõ nhịp, miệng ngâm nga làn điệu hát hố. Với những người đam mê nghệ thuật truyền thống thì đây quả là hình ảnh tuyệt vời. “Ông năm nay bao nhiêu tuổi rồi ạ”, tôi hỏi. Cụ Tiệm cười khà: “93 tuổi rồi. Chưa lẫn. Có điều nặng tai chút thôi”. Mọi người thường bảo cụ là người đặc biệt, lúc nào cũng hoài niệm về cổ xưa. Cũng phải thôi, hoài niệm cổ xưa với những nét tinh túy, độc đáo mà thời nay dần lãng quên là điều nên lắm chứ. Không có những người như cụ Tiệm thì có lẽ nghệ thuật hát hố đã mất hút tự bao giờ.
Dù tuổi đã cao, cụ Bùi Phụ Tiệm vẫn nhớ như in từng làn điệu hát hố. |
Biết chúng tôi là nhà báo đến để nghe làn điệu hát hố xưa, cụ Tiệm vui lắm. Cụ bảo: “Ông bây giờ tiếng dở rồi, hơi không còn dài. Hồi xưa hát hay dữ lắm. Tối ba, bốn đứa thanh niên rủ nhau đi chơi, nghe nẫu hát hố mình cũng vô hát”. Tài “biến, bẻ” và trí nhớ của cụ Tiệm trong từng câu chữ của làn điệu hát hố thì không chê vào đâu được. Cụ kể, ngày xưa khi còn trai, cụ hát hố giao duyên tán tỉnh cô chị, cô chị lấy chồng lại tán tỉnh cô em. Xoay quanh câu chuyện “tình chị, duyên em” đã có biết bao lời hát hố đối đáp với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Nhớ buổi đầu gặp gỡ cô chị, chàng trai Bùi Phụ Tiệm hát chào: “Trách người bạn cũ vô tri/Chào mình một tiếng kén gì chi không chào”. “Ở ngoài em mới bước vào/Nghe tiếng anh chào dưng hỡi liền dưng/ Ngó lên nhật nguyệt đương xuân/Gió lay cụm liễu sáng trưng vườn đào/ Lắng tai nghe tiếng em chào/ Ừ không mặc bạn trách sao không chào”. Không một phút giây ngẫm nghĩ, Tiệm vội ngỏ lời: “Lòng buồn vợ nọ chưa vui/Người thương cứ tưởng chào tui tui vâng lời/Ngửa tay tui trả nghĩa ngàn đời/Người thương chào tui tui chào lại một đôi lời đó người thương”.
Hát đoạn, cụ cho hay: “Hồi trước cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, chứ không phải như bây giờ mà tự ý tự ưng”. Ngày ấy, biết người con gái mình thương đã có chồng, ông vừa buồn, vừa hờn trách. Trong lần hát hố có cả người con gái ấy cùng dự, ông buông lời: “Buổi tiền duyên anh xách rượu tới nhà/Cha với mẹ em đủng đỉnh mà cho qua tháng ngày/Anh về bỏ bụng xưa nay mừng thầm/Hay đâu cha mẹ em tiểu tâm/Phỉnh anh lên xuống mà cầm duyên chơi/Chứ trách người làm mẹ, làm cha/Phỉnh anh lên xuống mãn con trăng già không thành đôi”. Cô gái hát lại: “Hỡi người nói láo kia là/Buổi tiền duyên xách rượu tới nhà mình đâu”.
Kể đến đây, cụ Tiệm cười tỏ ý khoái chí bởi cái tài đối đáp của cả hai ngày ấy. Cụ tiếp tục câu chuyện: “Em ơi chứ chẳng tin em về hỏi lại ông mai/Chứ buổi tiền duyên anh xách hai chai rượu đầy/Chẳng tin hỏi lấy người ta/Hỏi người chòm xóm vậy mà có không/Buổi tiền duyên anh xách rượu tới nhà/Cha em không đành gả, mẹ em cũng không đành gả anh đứng đà phỏng chân/Trở về nhà nước mắt nhỏ rưng rưng/Trách người làm cha không thương rể, người làm mẹ không thương mừng tới con/Chứ nghĩa nhân nhân nghĩa nào còn/Anh ngồi anh đợi trăng mòn theo mây”. “Cây khô xuống nước cũng khô/Thời vận tui nghèo tui đi tới chỗ mô nó cũng nghèo/Tiếc công tui lên cụm xuống đèo/Bẻ cây thọc chuột cho mèo nó ăn”.
Cha của cô gái thấy ông Tiệm buồn mà thương. Ông tìm đến nhà ngỏ lời với cha của ông Tiệm. Ông bảo con chị có chồng nếu ưng thì gả con em. Vậy là câu chuyện tình chị duyên em của ông Tiệm lại “đơm hoa nở nhụy” qua làn điệu hát hố, bày tỏ cõi lòng cùng cô em. Vào một đêm trăng thanh, có cả hai chị em cô gái cùng giã gạo, hát hố, ông Tiệm hát: “Anh em ơi lúc này tui lỡ cái duyên đầu/ Bây giờ tui lại bắc cầu sang sông”, “Chị ba ơi lúc này tui kêu chị cho rồi/Duyên chị không đặng tui bồi duyên em”, “Tui nói ra mà ra cái chuyện tức cười/ Em chín chị mười, không được chị thì còn em/Bà con ai nấy đừng dèm/Nói dùm tui tiếng giúp thêm tui đôi lời…”. Cuối cùng thì duyên tình cũng đặng, cô em được gả cho chàng trai Bùi Thế Tiệm. Nhưng tiếc rằng sau khi hỏi cưới được 5 tháng, người con gái chẳng may qua đời vì bạo bệnh.
Tiếc nuối làn điệu xưa
Hát hố của người dân Quảng Ngãi ẩn chứa sự mộc mạc, thâm thúy đến vô cùng. Mấy mươi năm về trước, nhất là thời Pháp thuộc, ở khắp làng trên xóm dưới, đâu đâu cũng ngân nga làn điệu hát hố. Mỗi khi giã gạo, đập đất hay xắt củ, nhất là vào ban đêm, bà con lại cùng nhau lao động, cùng nhau hát hố để quên đi mệt nhọc và bày tỏ nỗi lòng. Nhiều người nên duyên chồng vợ cũng bởi yêu lắm làn điệu hát hố, yêu tài ứng đáp, lém lỉnh của người ta.
Tiếc là loại hình nghệ thuật hát hố đặc sắc giờ chỉ còn chăng là hoài niệm, là trong trí nhớ của các bậc cao niên. Cụ Tiệm chép miệng: “Uổng quá, giờ các cháu không ai biết hát hố”. Những người lưu giữ nghệ thuật hát hố ở Quảng Ngãi giờ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Việc cần làm đối với thế hệ ngày nay là gìn giữ nét đẹp văn hóa của cha ông, trong đó có làn điệu hát hố. Mới đây, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy nghệ thuật bài chòi, hát hố Quảng Ngãi cũng đã tổ chức đi điền dã, sưu tầm làn điệu hát hố.
Tuy nhiên, trong khả năng của mình, Trung tâm chưa thể gầy dựng để loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này sống lại trong quần chúng nhân dân. Mong rằng các đơn vị chức năng trong tỉnh cùng vào cuộc để bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật hát hố đặc sắc.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ