(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, nhất là sau khi Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc ra đời, các cấp ủy đảng, chính quyền và bà con người dân tộc thiểu số ở Sơn Hà luôn biết giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Phong trào xây dựng gia đình, thôn, tổ dân phố, cơ quan văn hóa đã thu hút sự quan tâm của các ngành, các cấp và sự hưởng ứng tham gia của mọi tầng lớp nhân dân ở Sơn Hà, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau xóa đói giảm nghèo để phát triển kinh tế; huy động sức mạnh của Nhà nước và nguồn lực to lớn trong dân để xây dựng nông thôn mới; ngăn chặn, đẩy lùi và xóa bỏ các tệ nạn xã hội, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Các đối tượng là thầy mo, thầy cúng được chính quyền mời đến học tập, giác ngộ, từ bỏ việc lừa bịp đồng bào, trở lại làm ăn lương thiện. Tình trạng sống du canh, du cư, phá rừng làm nương rẫy đã chấm dứt. Đồng bào các dân tộc thiểu số biết đấu tranh mạnh mẽ với tình trạng nghi kỵ cầm đồ độc nên đã hạn chế rất nhiều hủ tục này.
Cùng với sự tiến bộ đó, phải khẳng định rằng trong nhiều năm qua phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, thông tin, tuyên truyền của huyện Sơn Hà được đổi mới cả về nội dung và hình thức, chất và lượng trong công tác tuyên truyền từng bước được nâng cao.
Với phương châm “lấy cơ sở phục vụ lại cơ sở”, huyện Sơn Hà đã tổ chức xây dựng và phát hiện nhiều diễn viên, nghệ nhân tài năng đạt nhiều giải thưởng cao từ cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia. Đó là những con người ngày đêm lao động miệt mài để bảo tồn và phát huy tốt giá trị văn hoá đặc sắc của đồng bào Hrê. Trong số những người đang “giữ hồn” cho dân tộc Hrê, có nghệ nhân Đinh Ngọc Su ở thôn Tà Pa, xã Sơn Thượng, ông có biệt tài đối đáp và ứng khẩu trong hát dân ca Hrê, thuộc hầu hết các bản dân ca và nhạc khí Hrê.
Lễ hội cồng chiêng ở huyện Sơn Hà. |
Đặc biệt là người có khả năng chế tác và sử dụng thông thạo các loại nhạc khí Hrê, được cộng đồng người Hrê yêu chuộng và sử dụng rộng rãi. Ghi nhận những cống hiến của ông, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã trao tặng Kỷ niệm chương và danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Đồng thời, ông được tạo điều kiện đi giao lưu âm nhạc truyền thống ở Hàn Quốc và Thụy Điển.
Để duy trì, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ngành VHTT huyện đã phối hợp với Trường Tiểu học Sơn Thượng và các địa phương trong huyện, để các nghệ nhân hướng dẫn và trao truyền những kinh nghiệm, kỹ thuật chế tác, cách thức sử dụng nhạc khí và cách thể hiện các làn điệu dân ca Hrê. Qua đó, nhiều em học sinh ở trường và nhiều người trong và ngoài huyện được ông truyền lại, đã biết làm và trình diễn một cách thành thạo các loại đàn và hát rất hay, rất đúng các làn điệu dân ca, góp phần giải toả được nỗi lo bấy lâu và niềm tin về việc bảo tồn văn hoá âm nhạc - một trong những nét văn hoá đặc trưng của đồng bào dân tộc Hrê.
Trong thời gian qua, huyện cũng đã tổ chức thành công Ngày hội văn hóa cồng chiêng huyện Sơn Hà lần thứ I, với sự tham gia của 400 nghệ nhân, diễn viên. Đồng thời khôi phục có chọn lọc những nghi thức truyền thống, những diễn xướng, trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca, múa đặc trưng của các dân tộc thiểu số. Các “lễ hội ăn trâu”, “lễ ăn cơm mới”, “lễ cầu mưa”... giàu bản sắc văn hóa được tổ chức trang trọng. Phối hợp với Viện Âm nhạc Việt Nam sưu tầm trên địa bàn huyện 178 hiện vật có giá trị của dân tộc Hrê đưa về trưng bày ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Hoàn thành điều tra cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng trên địa bàn huyện. Theo đó có 972 hộ có chiêng với tổng số 1.003 bộ chiêng, 1.659 người biết đánh chiêng và 31 người biết chỉnh chiêng. Phát huy tốt các nhạc cụ, các làn điệu dân ca ca lêu, ca choi qua các hội thi, hội diễn, lễ hội, đồng thời vận động nhân dân bảo quản và lưu giữ các loại nhạc cụ, các làn điệu dân ca truyền thống.
Nghệ nhân dân gian Đinh Ngọc Su ở thôn Tà Pa, xã Sơn Thượng cho biết: “Huyện đã tạo mọi điều kiện để các nghệ nhân có dịp giao lưu thông qua các buổi biểu diễn văn nghệ, hội thi cồng chiêng, nên các nghệ nhân đã được khuyến khích về tinh thần. Qua đó, họ đã tìm tòi sưu tầm các nhạc cụ truyền thống để lưu truyền cho thế hệ trẻ. Đồng thời, họ cũng đã dành nhiều thời gian để chế tác, cải tiến các nhạc cụ vừa mang đậm bản sắc văn hóa vừa dễ biểu diễn”.
Những kết quả đáng khích lệ trên là minh chứng cho thấy công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số đã góp phần làm cho bộ mặt quê hương Sơn Hà thêm khởi sắc. Bà Đinh Thị Mai Hương - Trưởng Phòng VHTT huyện Sơn Hà bộc bạch: “Nhiệm vụ của chúng tôi càng nặng nề hơn, khó khăn hơn khi phải tìm ra giải pháp để vừa gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, vừa tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm giàu thêm văn hóa các dân tộc thiểu số huyện nhà. Vì vậy, mỗi sắc thái văn hóa của từng dân tộc trong cộng đồng các dân tộc huyện Sơn Hà là một vốn quý của đất nước, là bảo vật vô giá không thể bị mai một, bị lãng quên mà phải được tôn vinh, gìn giữ”.
Bài, ảnh: M.Hương-Đ.Toàn