(Báo Quảng Ngãi)- Sau gần 10 năm nghiên cứu, khai quật, các nhà khảo cổ học của đoàn khảo cổ do Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông - Trưởng Phòng nghiên cứu kỹ thuật cổ của Viện Khảo cổ học Việt Nam làm trưởng đoàn đã đem lại những kết quả khả quan về Trường Lũy. Mới đây, đoàn khảo cổ đã nghiên cứu và tiến hành khai quật tại Đồn Tân Long Hạ thuộc thôn Tân Long Hạ, xã Ba Động (Ba Tơ). Kết quả khảo cổ ban đầu đoàn đã phát hiện ra nhiều mảnh gốm, nồi… có niên đại từ cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Công trình khai quật khảo cổ Đồn Tân Long Hạ nằm sát với Khu di tích Trường Lũy. Sau hơn 2 tuần khai quật Đoàn khảo cổ học của Viện Khảo cổ học Việt Nam, trong đó có nhà Khảo cổ học người Italya Federico Barocco và Nhà Khảo cổ học nữ người Pháp Béatrice Wisniewski đã đem đến những kết quả như mong đợi.
Các nhà khảo cổ khai quật Trường Lũy. |
TS. Nguyễn Tiến Đông cho biết: Sau khi quét bề mặt và nạo lớp đầu các nhà khảo cổ học đã phát hiện lẫn trong lớp đất có nhiều mảnh gốm, nhận định đây là một gian bếp ăn của đồn lính nên đoàn bắt đầu khai quật. Theo nhận định ban đầu đây là quy mô của một cái đồn nằm trên hệ thống Trường Lũy mà ở Quảng Ngãi được gọi là Đạo. Đây là nơi đóng quân của binh lính, có hình vuông, chiều dài khoảng 30 m được xếp bằng đá. Phía ngoài đường có hệ thống hào để chống sự xâm nhập từ bên ngoài và cũng được xếp bằng đá để kè cho chắc chắn; hai bên góc đối diện nhau có những trụ tháp xây lên để làm gác và cách Trường Lũy về phía đông khoảng 20 m. Đồn này có một vị trí để bảo vệ Trường Lũy và kiểm tra, kiểm soát sự thông thương đi lại giữa các con đường mòn dọc theo Trường Lũy ngày xưa.
Theo TS. Nguyễn Tiến Đông, thì: “Những hiện vật đoàn khai quật được cho thấy ở đây có rất nhiều gốm, phát hiện nhiều mảnh gốm trong đó có gốm men xuất xứ Trung Hoa, gốm Bát Tràng. Bên cạnh đó còn có rất nhiều những đồ đất nung vỡ ra từ những cái nồi và trên những mảnh vỡ ấy còn dấu vết của rất nhiều chi tiết để khẳng định đó là những vết cháy đen ở dưới và rất nhiều tro than. Chứng tỏ ở đây có một cái bếp khá lớn ngày xưa người ta đã sử dụng”.
Ngoài ra các nhà khảo cổ học còn phát hiện nhiều mảnh sành vỡ ra từ những cái lon, hũ, âu được dùng để đựng mắm muối, vì những vật dụng này không bị thẩm thấu. Những đồ gốm sứ có nguồn gốc Trung Hoa, Bắc Việt cho thấy rằng ở đây đã có sự thông thương, trao đổi hàng hóa từ những nơi khác. Những đồ gốm sứ này phần lớn đều có niên đại khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Những đồ gốm sứ này có thể xác định được niên đại vì nó có xuất xứ từ miền Bắc Việt Nam hoặc từ Trung Quốc. Niên đại này cũng phù hợp với di tích Trường Lũy, chủ nhân của Đồn này là những người lính và được xây dựng bằng đá trộn lẫn với đất và cát sông, có hình vuông, một cửa phía nam. Điều đặc biệt là thời đó, những người lính đã biết sử dụng kỹ thuật xây dựng bằng cách “chem” những cục đá nhỏ vào những “lỗ hổng” nhằm làm cho Đồn và Trường Lũy vững chắc, không bị sụp.
Ông Nguyễn Kim Sơn - Trưởng Phòng Nghiên cứu sưu tầm, Bảo tàng Quảng Ngãi cho biết: Quá trình khai quật Trường Lũy diễn ra từ năm 2005 đến nay. Việc khai quật Đồn Tân Long Hạ nhằm mục đích kiểm tra, đối chiếu niên đại để bổ sung niên đại của Trường Lũy. Từ đó xác định chính xác sự hiện diện của con người trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Việc khẳng định tính chính xác niên đại sẽ giúp hoàn thiện hồ sơ trình UNESSCO công nhận di sản Thế giới.
Việc Trường Lũy được UNESSCO công nhận sẽ đem đến những lợi ích cho tỉnh nhà nói riêng và Việt Nam nói chung. Trong đó người dân địa phương nơi Trường Lũy đi qua cũng sẽ có nhiều cơ hội phát triển đời sống. Tuy nhiên để Trường Lũy được UNESSCO công nhận, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chuyên môn đòi hỏi người dân cũng phải biết bảo tồn Trường Lũy, tránh tình trạng phá Trường Lũy để trồng cây hay tiện cho việc đi lại. Để làm được điều đó cần sự nỗ lực tuyên truyền của các cơ quan chức năng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của Trường Lũy. Điều đáng mừng là nhiều người dân đã nhiệt tình tham gia cùng đoàn khai quật tại các điểm khai quật.
Mặc dù tuổi đã cao nhưng cụ ông Huỳnh Văn Thanh (88 tuổi), ở thôn Tân Long Hạ là người có trên 60 năm tuổi Đảng vẫn chống gậy leo lên đỉnh ngọn núi Tân Long Hạ (người dân vẫn gọi là Núi Chùa) để xem các nhà khảo cổ làm việc. Cụ Thanh cho biết: “Trước đây ông đã nhiều lần lên đây nhưng không hề biết ở đây có một cái Đồn. Khi nghe các nhà khảo cổ đến khai quật, ông đã chống gậy leo núi mất chừng 30 phút mới đến nơi để xem. Ông rất ngạc nhiên vì nơi đây có cả hệ thống Đồn thuộc Trường Lũy dài gần 200m. Ông sẽ về nói lại cho con cháu biết về điều này để chúng có thể chung tay bảo vệ di tích quý giá này”.
“Trường Lũy dài chừng 200km nối từ Trà Bồng (Quảng Ngãi) đến An Lão (Bình Định). Do thời gian và chiến tranh cùng với sự quản lý chưa chặt chẽ ở một số địa phương có Trường Lũy chạy qua nên một số đoạn bị hư hỏng. Tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều đoạn khá nguyên vẹn. Với tầm của Trường Lũy thì chắc chắn UNESSCO sẽ công nhận” - TS. Nguyễn Tiến Đông khẳng định.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG