Cư dân Sa Huỳnh và Văn hóa Sa Huỳnh trên đất Quảng Ngãi

08:02, 19/02/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một số hiện vật có khả năng là của con người thời đá cũ và hậu kỳ đá mới trên đất Quảng Ngãi (tại núi lửa cổ Giếng Tiên, huyện đảo lý Sơn; Gò Trá, huyện Sơn Tịnh; Trà Phong, huyện Trà Bồng...), song cho đến nay, nhóm cư dân mà ta biết được một cách tương đối rõ nét đã từng sinh sống trên vùng đất Quảng Ngãi là cư dân Sa Huỳnh và cùng với họ là sự hiện diện của Văn hóa Sa Huỳnh.

TIN LIÊN QUAN

“Cư dân Sa Huỳnh” và “Văn hóa Sa Huỳnh” là những thuật ngữ do các nhà khảo cổ học Pháp định danh trên cơ sở các cuộc khai quật và nghiên cứu vào đầu thế kỷ XX, khởi đầu ở một vùng đất ven biển, có tên là Sa Huỳnh- nằm ở cực Nam tỉnh Quảng Ngãi. Đây chính là địa điểm phát hiện đầu tiên, đồng thời giữ kỷ lục về số lượng di chỉ và hiện vật khảo cổ học về văn hóa Sa Huỳnh cho đến hiện nay.

Đồ gốm văn hóa Sa Huỳnh khai quật ở Long Thạnh (Đức Phổ).
Đồ gốm văn hóa Sa Huỳnh khai quật ở Long Thạnh (Đức Phổ).


Việc phát hiện nền Văn hóa Sa Huỳnh vốn lặng yên trong lòng đất suốt mấy nghìn năm và công cuộc nghiên cứu của các nhà khảo cổ học Pháp về nền văn hóa này khoảng nửa đầu thế kỷ XX là rất đáng trân trọng. Song do những hạn chế về chủ quan và khách quan, đặc biệt là do chưa có điều kiện tiến hành những cuộc khai quật ở nhiều vùng khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam và các nước khác trên bán đảo Đông Dương, chưa tìm thấy những hiện vật, di chỉ cho phép định dạng tương đối toàn diện về cư dân Sa Huỳnh và Văn hóa Sa Huỳnh, nên các học giả Pháp (và phương Tây) lúc bấy giờ cho rằng Văn hóa Sa Huỳnh chỉ dừng lại ở khung niên đại Sa Huỳnh sắt sớm. Từ đó họ phỏng đoán chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh là cư dân đến từ phía biển và phủ nhận tính bản địa của nền văn hóa này.

Những cuộc khai quật của các nhà khảo cổ học Việt Nam tiến hành từ năm 1975 đến nay trên một địa bàn rộng lớn dọc duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ mà nhiều nhất là trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, cùng một khối lượng hiện vật khá phong phú được tìm thấy đã cho phép tái hiện không gian văn hóa Sa Huỳnh rộng lớn hơn nhiều so với hình dung của các nhà khảo cổ học Pháp.

Các cuộc khai quật này đã phát hiện sự tồn tại của một giai đoạn văn hóa sớm, liền trước, tiền thân của Sa Huỳnh cổ điển, mà ngày nay được định danh là giai đoạn tiền Sa Huỳnh hoặc Sa Huỳnh sớm. Phát hiện rất có ý nghĩa khoa học này cho phép khẳng định, văn hóa Sa Huỳnh mà người Pháp tìm thấy và định danh có nguồn gốc bản địa, phát sinh, phát triển ngay trên dải đất từ Quảng Bình đến Đông Nam bộ, Tây Nguyên, một số hải đảo ven bờ biển miền Trung Việt Nam. Và có thể rộng hơn, trên nhiều vùng của bán đảo Đông Dương, trong đó có Quảng Ngãi, với sự phân bố khá đậm đặc và liên tục những di chỉ, hiện vật của một nền văn hóa có quan hệ với các nền văn hóa tồn tại đồng đại và không gian giao thoa, tiếp cận (văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc, văn hóa Ốc Eo ở phía Nam, các nhóm văn hóa Nam Đảo ở phía Đông) mà không phải du nhập từ nơi khác đến.

Chủ nhân của nền Văn hóa Sa Huỳnh, chính là các nhóm “cư dân Sa Huỳnh”.     
Từ kết quả khai quật, nghiên cứu của các nhà khảo cổ học Pháp và Việt Nam, chúng ta đã có thể hình dung một số nét cơ bản về đời sống, sinh hoạt, tín ngưỡng của cư dân Sa Huỳnh. Đó là những nhóm người đã biết sử dụng các công cụ, đồ trang sức, vũ khí bằng đá (rìu, cuốc, bàn mài, hạt chuỗi, khuyên tai), xương động vật (mũi kim), thủy tinh, mã não, gốm, kể cả các công cụ bằng đồng thau (lao, mũi tên, lưỡi câu, dao găm, mũi giáo, miếng che ngực...) và sắt sớm; biết đánh cá để làm thức ăn, biết làm đẹp cho mình bằng những vật trang sức phong phú, chú ý tạo dáng cho các vật dụng, sáng tạo nhiều dạng hoa văn độc đáo, giàu tính thẩm mỹ, đặc biệt là trên đồ gốm.

Người chết được chôn cất ở những khu mộ; hài cốt đặt trong chum gốm (tục táng mộ chum) rồi đem chôn hoặc chôn trong mộ đất có rải gốm xung quanh. Sự xuất hiện của những ngôi mộ đặc biệt, có nhiều đồ tùy táng, nhiều vật dụng, vũ khí, đồ trang sức mang dấu hiệu của thủ lĩnh (tấm che ngực, dao găm...), chung quanh hoặc gần đó là những ngôi mộ ít đồ tùy táng, đồ tùy táng giá trị thấp hơn hoặc không có đồ tùy táng cho phép đoán định người Sa Huỳnh ở giai đoạn cuối đã tiến đến tổ chức nhà nước sơ khai.

Tuy nhiên, những gì chúng ta biết được về cư dân Sa Huỳnh cũng chỉ là những hiểu biết về khảo cổ học và chỉ thông qua khảo cổ học. Một loạt vấn đề được đặt ra: Người Sa Huỳnh có nguồn gốc bản địa từ thời tiền - sơ sử hay từ nơi khác đến định cư và đã bản địa hóa ở giai đoạn tiếp sau? Họ là các nhóm cư dân gần gũi nhau về huyết tộc hay có sự kết hợp của cư dân bản địa và cư dân di trú? Mối quan hệ của họ với các cư dân Đông Sơn, Ốc Eo, Nam Đảo ra sao? Người Chăm xuất hiện ngay sau họ với nền văn hóa khá rực rỡ, còn để lại nhiều di tích cả trên mặt đất và dưới lòng đất; đời sống, tổ chức xã hội được khắc họa khá rõ nét trong các nguồn sử liệu... Đó là những câu hỏi gần như chưa được giải đáp thỏa đáng, đã và đang thu hút sự quan tâm của giới khoa học trong và ngoài nước.
 

Bài, ảnh: Hồng Khánh
 


.