Gò Ma Vương: Nơi lưu giữ nhiều di vật của cư dân Sa Huỳnh

08:07, 09/07/2010
.

(QNĐT) - Sau gần 1 tháng tiến hành thăm dò, tiến sỹ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi, Bảo tàng Quảng Ngãi cùng nhóm nghiên cứu về tôn tạo di chỉ Sa Huỳnh đã và phát hiện nhiều di vật mới lạ của cư dân Sa Huỳnh có niên đại cách đây trên dưới 3.000 năm, tại Gò Ma Vương, thôn Long Thạnh 2, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ. 

Thực hiện dự án tôn tạo và phát huy giá trị của văn hóa Sa Huỳnh của Bộ VH-TT&DL, Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi chủ trì thăm dò khảo cổ gồm 10 hố diện tích 50 m2, tại Gò Ma Vương, đã phát hiện trong tầng văn hóa có sự đan xen, chồng lên nhau giữa lớp cư trú và mộ táng của cư dân Sa Huỳnh.
 
Linga bằng gốm nung đỏ đã xuất hiện ở nền văn hóa Sa Huỳnh
Linga bằng gốm nung đỏ đã xuất hiện ở nền văn hóa Sa Huỳnh

Dấu tích tìm thấy bao gồm các cụm đá bếp, mảnh vỡ đồ gốm gia dụng gồm: Nồi đất, bình, bát bồng, rìu đá, các cụm mộ chum vỡ... Đặc biệt là nhóm khảo cổ đã tìm thấy Linga chất liệu làm bằng gốm có trang trí hoa văn tinh tế và có nhiều điểm khác biệt với Linga đã phát hiện trước đây.

Qua đó cho thấy, cư dân Sa Huỳnh đã có tín ngưỡng thờ Linga là khởi nguồn của tục thờ Linga của người Chăm sau này.

Tiến sỹ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi cho biết: Về sự liên hệ giữa cư dân Sa Huỳnh và người Chăm sau này qua Linga vừa được tìm thấy, nó chứng minh rằng cư dân người Chăm sử dụng Linga trong tôn giáo của họ có thể đã bắt nguồn từ bản địa của cư dân Sa Huỳnh trước đây.

Như vậy rõ ràng có mối liên hệ về mặt nguồn gốc giữa người Chăm và người Sa Huỳnh. Điều này cũng cho thấy, vấn đề thờ Linga không phải bắt đầu từ thời Ấn Độ giáo, mà thời Sa Huỳnh người ta đã thờ thần Linga rồi.

Gò Ma Vương là di tích khảo cổ có giá trị, được người Pháp phát hiện và khai quật từ năm 1909. Qua nhiều lần khai quật vào các năm 1923, 1939, 1977, 1978, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện nhiều di vật của cư dân Sa Huỳnh tại khu vực này.

Cuộc thăm dò lần này, các nhà khảo cổ còn tìm thấy những mẩu than còn hiện hữu cùng các cụm đá bếp nằm sâu dưới lớp cát chừng 1 mét, cho thấy cư dân Sa Huỳnh đã từng sinh sống trên vùng đất này.
 
Tiến sỹ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi (người chụp ảnh) tiếp tục thăm dò, nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh tại khu vực đồi Ma Vương
Tiến sỹ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi (người chụp ảnh) tiếp tục thăm dò, nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh tại khu vực đồi Ma Vương

Tiến sỹ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi đưa ra nhận định: “Văn hóa Sa Huỳnh có giai đoạn sớm cách đây khoảng trên dưới 3.000 năm, và nó kéo dài đến giai đoạn đồ sắt. Cư dân Sa Huỳnh chính là chủ thể tạo ra văn hóa này. Họ đã sống ngay trên cồn cát này. Điều đó cho thấy, văn hóa Sa Huỳnh là văn hóa bản địa chứ không du nhập từ nơi khác đến”.

Nền văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba cái nôi cổ xưa về văn minh trên lãnh thổ Việt Nam cùng với: Văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Óc Eo, tạo thành tam giác văn hóa của Việt Nam. Các cuộc khai quật vào nhiều năm khác nhau tại di tích gò Ma Vương, nơi được xem là có niên đại sớm nhất của nền văn hóa Sa Huỳnh, đã đem lại những đánh giá xác đáng và quan trọng về nguồn gốc và quá trình hình thành, phát triển văn hóa Sa Huỳnh.
 
 Rìu đá được phát hiện tại hố thăm dò ở đồi Ma Vương
Rìu đá được phát hiện tại hố thăm dò ở đồi Ma Vương

Nền văn hóa Sa Huỳnh đã được các nhà khảo cổ trên thế giới nghiên cứu từ đó đến nay và ngày càng sáng tỏ nhiều điều về đời sống của các tộc ngư¬ời thời tiền sơ sử ở miền Trung Việt Nam.

                        Bài, ảnh: Hoàng Thuyên

.