Một tàu buôn Pháp cùng nhiều tiền bạc gặp nạn ở Tây Hoàng Sa đã được hải đội triều Nguyễn giúp đỡ cứu nạn năm 1830 và được triều Nguyễn cấp thị thực.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Châu bản triều Nguyễn là các văn bản hành chính do các cơ quan chính quyền triều Nguyễn từ trung ương đến địa phương soạn thảo, dâng tấu lên nhà vua, và qua đó, nhà vua “ngự lãm”, hay “ngự phê” bằng mực màu son để truyền đạt ý chỉ.
Đây là một loại tài liệu đặc biệt quan trọng vì nó mang bút tích của nhà vua, được bảo quản trong các kho lưu trữ của cung đình, nội dung liên quan đến nhiều việc, nhiều người.
Châu bản có tính độc bản, là những bản khắc được dùng để in sách, tài liệu. Bởi vậy những châu bản của triều Nguyễn có nội dung liên quan đến Hoàng Sa là không chỉ là bằng chứng hùng hồn về chủ quyền biển đảo quê hương mà nó còn ghi đậm dấu ấn chính sách của triều đình về vấn đề chủ quyền biển đảo cũng như ẩn chứa trong đó những câu chuyện thú vị của lịch sử.
PV VOV online đã may mắn tiếp cận nguồn tư liệu quý này và xin được chia sẻ cùng bạn đọc:
|
Châu bản triều Nguyễn ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11 (tờ 1)
Văn bản có chữ ký của Nguyễn Văn Ngữ và có ấn của Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng và Ngự tiền chi bảo
|
Ngày 21 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11 (năm 1830), chủ thuyền buôn nước Pháp là Đô-ô-chi-ly cùng Tài phó Y-đóa và phái viên Lê Quang Quỳnh đi thuyền qua Philipinnes buôn bán.
Thuyền qua phía Tây Hoàng Sa thì bị mắc cạn, nước ngập vào thuyền hơn 8 thước. Thương thuyền đã dọn gấp hai rương tiền bạc cùng một số dụng cụ, đồ ăn chia lên 2 chiếc thuyền nhỏ theo gió trở vào bờ.
Thuyền của Tài phó Y-đoá về được bờ mà thuyền của thuyền trưởng Đô-ô-chi-ly cùng thuyền viên và hòm tiền bạc thì thất lạc.
|
Châu bản triều Nguyễn ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11 (tờ 2)
Văn bản có chữ ký của Nguyễn Văn Ngữ và có ấn của Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng và Ngự tiền chi bảo
|
Châu bản do Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng tường trình nhà vua về sự việc này. Báo cáo đã tiếp nhận thuyền của Tài phó và cho thuyền tuần tiễu của triều đình mang nước ngọt ra biển tìm kiếm cứu nạn.
Châu bản có đoạn nêu rõ: “Nay xin tâu báo là đến giờ Ngọ thì gặp Đô-ô-chi-ly cùng phái viên, thủy thủ 15 người, hiện đã đưa về tấn, người và tiền bạc đều an toàn. Còn các phái viên là bọn Lê Quang Quỳnh đều nói bị mệt, kiệt sức, xin nghỉ ngơi vài hôm, sau khi bình phục sẽ lập tức về kinh để thi hành công vụ.”
|
Châu bản cùng sự việc có Châu phê : Lãm (đã xem) (tờ 1)
Ngày 28 tháng 6 vâng mệnh châu phê. Quan làm việc ở Nội các là Thị lang Hà Tông Quyền, Trương Đăng Quế vâng mệnh sao gửi cho thương thuyền làm bằng [để] xin dấu thị thực.
|
|
|
|
Một câu chuyện thú vị và có hậu từ cách đây 184 năm cho thấy phong cách hành chính của chính quyền phong kiến nhà Nguyễn thời đó khá chặt chẽ và được thực thi nhanh chóng. Tờ trình tấu được làm ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11 được chuyển ngay đến Nội các triều đình và nhanh chóng được châu phê. Ngay ngày hôm sau đã được sao gửi cho thương thuyền để làm thủ tục xin dấu thị thực.
Câu chuyện cũng như bút tích châu bản cho thấy những công vụ và quan hệ bang giao cũng như buôn bán quốc tế có liên quan đến biển đảo Hoàng Sa thời đó được quan tâm và thực thi nhanh chóng bởi chính quyền phong kiến nhà Nguyễn. Đây là một bằng chứng quý báu về chủ quyền biển đảo Việt Nam của cha ông./.
Theo Mỹ Trà/VOV online