*Thanh Thảo
(QNĐT)- Trấn Quốc công Bùi Tá Hán (1496-1568) quê gốc ở Nghệ An, làm quan võ dưới triều Lê Trung hưng, là một ngôi sao “càng nhìn càng thấy sáng”, mượn theo cách nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đó là vị tổng chỉ huy đã thu phục cả vùng đất xứ Quảng (gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) từ tay nhà Mạc mà quân sĩ cả hai phía tham chiến không phải chết một người nào. “Công tâm vi thượng, công thành vi hạ” (Đánh vào lòng người quan trọng hơn đánh vào thành lũy), với một lý do duy nhất: “Quân Lê quân Mạc cũng đều là đồng bào ta cả”.
Ngay từ 5 thế kỷ trước, chữ “Nhân” trong chính sách của Bùi Tá Hán đã ngời sáng lên tư tưởng hòa hợp và hòa giải dân tộc giữa người Việt với người Chàm, giữa người Kinh với người Thượng, và giữa người Việt với nhau.
Những hệ thống đồn bảo mà Bùi Tá Hán cho xây dựng sau này đã thành hệ thống Trường Lũy nổi tiếng vắt từ Bắc Quảng Ngãi vô nam Bình Định là bức trường thành bảo vệ chủ quyền, tạo điều kiện tốt nhất cho sự kết nối giữa miền xuôi và miền ngược “Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên”, và khiến thương mại mậu dịch giữa người Kinh và các dân tộc thiểu số phát triển.
“Tất cả quan viên văn võ và biền binh các đồn đều phải ăn nói nghiêm chỉnh, minh bạch, thái độ ôn nhu để thu phục nhân tâm, tuyệt đối không được lớn tiếng, hách dịch”. Năm thế kỷ trước, Bùi Tá Hán đã quy định như vậy. Năm thế kỷ sau, mệnh lệnh ấy vẫn mang tính thời sự.
Từ một vùng đất chiến tranh và loạn lạc xảy ra liên miên, tới khi Bùi Tá Hán đặt định được chính quyền và thực thi những chính sách hợp lòng dân, xứ Quảng đã thành vùng đất của hòa bình, hòa hợp và sung túc. Danh xưng “Trấn Quốc công” tôn vinh Bùi Tá Hán đã nói lên sự ghi nhận không chỉ của triều đình, mà chính là sự ngưỡng mộ, yêu quí của nhân dân xứ Quảng và cả dải đất miền Nam Trung Bộ dành cho ông.
Một ông quan, dù chức vụ to đến cỡ nào, nếu không hoạch định và thực thi được những chính sách hợp lòng dân, phù hợp sự phát triển của đất nước, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, thì không bao giờ sống được trong lòng dân.
Mặc dù ít được sử sách chính thống nhắc tới, nhưng Trấn Quốc công Bùi Tá Hán đã thực sự sống trong lòng dân suốt 5 thế kỷ nay, sống trong lòng cộng đồng các dân tộc Nam Trung Bộ không phân biệt người Việt hay người Chàm, người Kinh hay người Thượng.
Những chính sách thân dân của Bùi Tá Hán “phủ sóng” tới tất cả các sắc dân, bình đẳng trước mọi dân tộc đang sinh sống ở miền Trung, và tạo điều kiện cho mọi dân tộc cùng phát triển,"cùng thắng" trong công cuộc xây dựng một đời sống ấm no và hạnh phúc.
Trong những chính sách ấy, yếu tố con người luôn được nhấn mạnh và đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất. Chính sách hòa hợp và đoàn kết toàn dân của Bùi Tá Hán có thể là bài học cho muôn đời con cháu sinh sống trên đất nước Việt Nam, chứ không riêng cho vùng miền nào.
Những chính sách vì dân, thân dân ấy cho tới bây giờ vẫn mang tính thời sự, vẫn cập nhật được những ý nghĩa tiến bộ nhất của nó trong giai đoạn hội nhập với thế giới của Việt Nam. Trong có ấm, ngoài mới êm, dân có “an”, đất nước mới cường thịnh. Đó là những chân lý muôn đời.
Ngay từ những ngày đầu xây dựng vùng đất xứ Quảng, Bùi Tá Hán đã có những chủ trương hết sức cụ thể và rất sáng tạo. Xin giới thiệu 13 chủ trương cụ thể mà Bùi Tá Hán yêu cầu quan và dân “cần làm ngay” cho vùng đất xứ Quảng trong bước đầu khai mở và ổn định:
1) Làm nhà ở theo kiểu nhà tám cột, ba gian hai chái, lấy bốn rui mái làm vuông bốn góc. Các nhà hợp lại thành xóm gần gũi với nhau tiện cho việc qua lại tương trợ giúp đỡ lẫn nhau.
2) Mỗi xóm chung tay đào một cái giếng để lấy nước sạch mà dùng. Nhà nào có khả năng thì tự đào lấy giếng riêng cho hộ mình.
3) Phụ nữ không mặc váy, đồng loạt mặc loại quần hai ống nhuộm đà hoặc chàm để phân biệt nam nữ, thuận tiện trong lao động.
4) Chế tác các loại nồi đất nồi đồng đều làm quai, dùng đũa bếp bưng đặt tiện cho việc đun nấu.
5) Cày bừa mắc ách hai trâu hoặc hai bò để thêm sức kéo, lắp thêm trạnh phụ sau lưỡi cày để đất được làm tơi nhiều hơn. Đó là kỹ thuật cày bừa mới rất có lợi.
6) Khuyến khích bảy nghề như nghề rèn, nghề mộc, nghề gốm, nghề đúc, nghề dệt vải, nghề dệt chiếu, nghề chằm nón, chằm áo tơi. Dụng cụ, đồ dùng sản xuất mang đến chợ trao đổi đều nên miễn thuế.
7) Trong việc hôn nhân tang tế, cấm hủ tục tập họp ăn uống liên miên, mất sức hao của. Nên tổ chức tôn nghiêm mà tiết kiệm. Các gia đình chỉ nên thờ cúng tổ tiên, tổ chức giỗ chạp ông bà và các lễ tết như Tết nguyên đán mà thôi.
8) Mỗi xã thôn dựng đình, chùa để dân cúng tế.
9) Mỗi xã nên rước một vị lương y chăm lo sức khỏe cho dân, nên trích một số ruộng công cấp cho lương y để khuyến khích vợ con họ.
10) Khi trong một xã số hộ tăng lên, trẻ con tăng thêm, thì mỗi xã nên rước thầy, dựng trường dạy cho trẻ con về lễ nghĩa văn học. Nên trích một số ruộng công cấp cho thầy để khuyến khích vợ con họ.
11) Làm đường thiên lý, xây cầu đặt cống. Nếu gặp sông lớn thì tổ chức bến đò. Cứ mười bảy dặm lập một dinh trạm, có lính thường trực để chuyển công văn.
12) Chú trọng thủy lợi, đắp đê đập, dẫn thủy nhập điền. Đào mương tiêu nước. Lập bờ xe nước.
13) Chế tác loại thuyền nan bằng tre trét dầu rái thay cho loại thuyền gỗ. Thuyền nan nhẹ đi nhanh, vào sông ra biển rất thuận lợi.
(Trích “Phủ tập Quảng Nam ký sự”)
Bây giờ chúng ta hay gọi những việc “cần làm ngay” như thế là để xây dựng “đời sống văn hóa mới” đấy! Cái mới bây giờ, Bùi Quốc công đã cho thực thi từ 5 thế kỷ trước rồi.
Quảng Ngãi, 13-7-2013
“Trấn Quốc công Bùi Tá Hán-danh nhân Lịch sử-Văn hóa” do nhóm tác giả Nguyễn Văn Chừng-Dương Minh Chính-Lê Văn Công-Lê Sơn-Nguyễn Văn Thanh biên soạn-NXB Thanh Niên 2013.