Lý Sơn: Sẵn sàng cho Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

11:04, 17/04/2013
.

(QNĐT)- Trong các ngày 27-28/4, tại huyện đảo Lý Sơn sẽ diễn ra lễ hội chính của Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Đây là lễ hội có từ hàng trăm năm qua nhằm tri nhân những hùng binh năm xưa có công ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên vùng Biển Đông. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội đã được huyện Lý Sơn cơ bản hoàn tất.

TIN LIÊN QUAN

Mặc dù còn hơn chục ngày nữa mới tới lễ hội khao lề thế lính Hoàng Sa, thế nhưng những ngày này về huyện đảo Lý Sơn, không khí lễ hội dường như tràn ngập mọi nơi. Năm nay, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức quy mô hơn mọi năm nên công tác tổ chức lễ hội đã được huyện đảo Lý Sơn triển khai khá sớm.

 

Đền thờ An Vĩnh, nơi diễn ra lnghi thức ễ khao lề thế lính Hoàng Sa
Đền thờ An Vĩnh, nơi diễn ra nghi thức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa


Tại đình làng An Vĩnh, nơi diễn ra nghi thức lễ khao lề mọi công tác chuẩn bị cho ngày lễ hội lớn nhất và quan trọng nhất trong năm được triển khai khá khẩn trương. Những ngày này nghệ nhân Võ Hiển Đạt (83 tuổi) cùng nghệ nhân Phạm Văn Bổn (người kế tục phục dựng mô hình thuyền hùng binh Hoàng Sa) đang khẩn trương hoàn tất việc phục dựng các mô hình thuyền hùng binh cho biết:

Việc dựng các mô hình tuy không khó nhưng đòi hỏi phải tỉ mỉ. Việc phục dựng này phải mất ít nhất hơn một tháng mới hoàn thành. Năm nay, lễ khao lề sử dụng 10 mô hình thuyền câu và hàng trăm bài vị, linh vị ghi tên tuổi, danh tính các hùng binh. Đây là những mô hình không thể thiếu được trong lễ khai lề thế lính Hoàng Sa. Với mục đích là tái hiện nghi lễ tiễn đưa những hùng binh năm xưa vâng lệnh triều đình ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên vùng Biển Đông và tuần tra, khai thác sản vật.

 

Nghệ nhân đang phục dựng các mô hình thuyền
Nghệ nhân Phạm Văn Bổn đang dựng các mô hình thuyền.


Ông Phạm Hoàng Linh- Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết: Công tác chuẩn bị cho lễ hội  được chuẩn bị khá chu đáo. Huyện đã tiến hành làm việc với các đơn vị liên quan và đã chỉ đạo cụ thể nhiệm vụ cho từng đơn vị.  Theo báo cáo của các đơn vị thì công tác chuẩn bị tài liệu, hình ảnh trưng bày tại Nhà trưng bày đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tại Lý Sơn; các biển chỉ dẫn, hướng dẫn khách tham quan; công tác y tế, hậu cần, tài chính, phương tiện đi lại, đảm bảo nguồn điện, an ninh trật tự tại các địa điểm tổ chức chương trình khai mạc, các hoạt động diễn ra trước, trong và sau lễ đang được các cơ quan, đơn vị gấp rút triển khai thực hiện.

 

Di tích lịch sử Âm linh tự và mộ binh Hoàng Sa.
Di tích lịch sử Âm linh tự và mộ binh Hoàng Sa.


Ngoài lễ hội chính diễn ra trong 2 ngày 27 và 28 như: Lễ rước tứ linh, lễ cáo yết, lễ cầu siêu, lễ thả hoa đăng, lễ chánh tế và lễ tạ do chính các tộc họ trên đảo Lý Sơn thực hiện, thì trong những ngày diễn ra hoạt động lễ hội còn có nhiều hoạt động khác như: Lễ rước bằng di tích Quốc gia đình làng An Vĩnh, biểu diễn nghệ thuật, thi đấu thể thao, tổ chức các trò chơi dân gian…

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa không chỉ là một di sản văn hóa phi vật thể hết sức quý giá, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa, mà qua đây, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, kết nối cộng đồng, giáo dục truyền thống và các giá trị nhân văn sâu sắc cho các thế hệ mai sau.



Bài, ảnh: M.Toàn

 


.