Nhà văn hóa thôn: Nhìn từ thực tiễn

09:03, 22/03/2013
.

(QNg)- Tiêu chí số 6 trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) quy định: 100% thôn có nhà văn hóa (NVH) đạt quy định của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Do đó, để "mỗi thôn có một NVH", các địa phương phải huy động sự chung tay góp sức của người dân. Tuy nhiên, không phải NVH nào sau khi ra đời cũng phát huy vai trò và tác dụng.

TIN LIÊN QUAN


Hiện nay, không ít NVH thôn được dựng lên vì áp lực tiêu chí. Tuy nhiên, vẫn có nhiều NVH đã thoát khỏi tình trạng "cửa đóng then cài" để hoàn thành tốt vai trò là một thiết chế văn hóa trong tiến trình xây dựng NTM.  

Đìu hiu Nhà văn hóa

"Mỗi năm NVH chỉ mở cửa một vài lần để họp dân hay tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở KDC. Thời gian còn lại nó được… nghỉ", ông Nguyễn Văn Hiền, ngụ thôn Nghĩa Lập, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) cho hay. Nói đoạn, ông đưa chúng tôi đi một vòng quanh NVH của thôn. Đó là một căn nhà to, rộng, rất khang trang và bề thế, tọa lạc trên khu đất đẹp. Bên trong cũng có đầy đủ tiện nghi như bàn, ghế, loa phóng thanh... Thế nên, dù chưa có tường rào cổng ngõ, nhưng trông NVH vẫn hoành tráng. Tuy nhiên, địa chỉ "trung tâm" này lại chẳng có được cái không khí vui nhộn bởi cái ổ khóa to đùng dường như đã cách ly nó với thế giới bên ngoài. "Lúc lên kế hoạch xây dựng, nó được dự kiến sẽ đảm nhận nhiều nhiệm vụ lắm. Nhưng mấy năm rồi, NVH trầm lắng, lâu lâu mới có người đến… thăm! Trông nó đìu hiu, vắng vẻ mà buồn lòng", ông Hiền thở dài.

 

NVH-Nhà truyền thống thôn Thanh Sơn xã Phổ Cường (Đức Phổ) đã trở thành điểm đến của người dân trong thôn.                                        Ảnh: M.Hoa
NVH-Nhà truyền thống thôn Thanh Sơn xã Phổ Cường (Đức Phổ) đã trở thành điểm đến của người dân trong thôn. Ảnh: M.Hoa


Không riêng gì NVH Nghĩa Lập, mà sự vắng vẻ là tình cảnh chung của nhiều NVH thôn hiện nay. Điều này khiến người dân chưa yên tâm vào những gì chính quyền đã hứa trước khi NVH thôn ra đời. Họ hoài nghi về tác dụng và sự có mặt của NVH. Bởi, chính họ đã góp công, góp của để xây NVH. Và, sự hoài nghi này khiến các thôn đi sau gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động sức dân để xây dựng NVH. Điển hình như mới đây, một số người dân ở thôn 6, xã Đức Nhuận (Mộ Đức) không chịu góp tiền để xây dựng NVH. "Với nông dân, đóng góp 1 triệu đồng để xây dựng NVH là rất lớn. Nhưng nếu nó sinh lợi, chúng tôi cũng sẽ cố gắng nộp. Đằng này, tôi thấy NVH các thôn khác dựng lên rồi đóng cửa. Một người dân bức xúc.

Tổ chức hoạt động, nâng vai trò

Nằm ở vị trí khá đẹp trên tuyến Tỉnh lộ 624B, NVH thôn Phước Sơn, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) trở nên thân thuộc không chỉ với bà con nơi đây, mà với những ai đã một lần ghé thăm. Nhất là vào mùa cưới, khi NVH thôn trở thành điểm "ra mắt" của các đôi uyên ương, mọi người mới chợt nhận ra: NVH thôn cũng có ích thật. Theo người dân thôn Phước Sơn, lúc đầu chỉ những gia đình khiêm tốn về diện tích sân nhà mới "mượn" NVH để tổ chức tiệc cưới. Nhưng khi nhận thấy tiệc cưới ở NVH vui và thân tình, không gian rộng rãi, thoáng mát và sạch sẽ, việc đi lại thuận tiện nên dần dần, nhiều người cũng chọn NVH làm nơi tổ chức tiệc cưới. Vì vậy, chẳng biết từ bao giờ, cái tên "NVH thôn Phước Sơn" lại xuất hiện thường xuyên trên những cánh thiệp hồng đến vậy.

Với người dân xã Phổ Cường (Đức Phổ) thì NVH không chỉ đơn thuần là nơi để hội họp, sinh hoạt, mà đó còn là điểm "tra cứu" những thông tin lịch sử, đất nước, con người của cả thôn. Chẳng thế mà không ít người ngạc nhiên khi NVH thôn được người dân nơi đây gọi là Nhà truyền thống. Bên trong NVH có bàn thờ đặt trang trọng ở gian giữa; những bức phù điêu, tranh ảnh ghi lại thành tựu của quân và dân trong thôn, trong xã; rồi danh sách các anh hùng liệt sĩ,  Mẹ Việt Nam Anh hùng… được khắc ghi cẩn thận trên những phiến đá… NVH thường xuyên được mở cửa để bà con, học sinh có điều kiện viếng thăm, tìm hiểu. Cách làm này đã nhận được sự đồng tình của người dân trong thôn. Vì vậy, họ tình nguyện hiến đất, góp tiền xây dựng NVH với kinh phí lên đến khoảng 800 triệu đồng.

Còn ở thôn 1, xã Đức Nhuận (Mộ Đức), NVH trở nên nhộn nhịp hơn từ khi trở thành trụ sở của Ban Dân chính thôn và là nơi hoạt động của Câu lạc bộ (CLB) Gia đình văn hóa. Với nhiều hoạt động mang tính cộng đồng như hội họp, ca hát, thi tài… CLB đã thu hút sự chú ý và quan tâm của người dân. Để rồi, NVH vắng lặng ngày nào giờ rộn ràng với những trò chơi, câu hát của người lớn và cả trẻ con trong thôn. Theo ông Phạm Văn Yến- Chủ tịch UBND xã Đức Nhuận thì: "Cách làm này đã giúp NVH trở nên sôi động. Thế nên, sắp tới địa phương sẽ triển khai mô hình CLB Gia đình văn hóa đến tất cả 7 thôn còn lại. Đồng thời chuyển CLB "Internet với nông dân" về điểm NVH thôn để tạo thuận lợi cho người dân sinh hoạt và sử dụng".

Rõ ràng, cùng một thiết chế văn hóa - NVH thôn, nhưng nơi thì nhộn nhịp, chỗ lại im lìm. Phải chăng ở mỗi điểm NVH có một sự khác biệt về tính năng, tác dụng? Theo người dân ở thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường thì: "Việc NVH im lìm hay sôi động là do cách nhìn nhận và cách phát huy tính năng, tác dụng NVH của chính quyền địa phương nơi ấy". Quả thật, với những gì NVH đã thể hiện, thì ý kiến trên có phần đúng.


MỸ HOA
 


.