Người giữ “hồn chiêng” của đồng bào Cor ở Trà Bồng

10:03, 25/03/2013
.

(QNg)- Người Cor ở Trà Bồng hiện còn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống và hàng ngày lớp nghệ nhân đi trước đã trao truyền những giá trị này cho lớp trẻ để bảo tồn và phát huy. Điển hình là anh Hồ Văn Biên - dân tộc Cor, cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trà Bồng, không ngại khó, đi khắp  các thôn, xóm trong huyện để dạy lớp trẻ biết đánh cồng chiêng- một loại nhạc cụ truyền thống gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Cor.

 

TIN LIÊN QUAN

 

Trong số các dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi thì đồng bào Cor ở Trà Bồng còn giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có chiêng. Tiếng chiêng đã đi vào máu thịt của đồng bào Cor ở nơi đây từ khi lọt lòng đến lúc trưởng thành, dựng vợ gả chồng và cả đến khi “khuất núi”.

Người Cor Trà Bồng đánh chiêng trong dịp mừng xuân Quý Tỵ 2013.                      Ảnh: N.Đức
Người Cor Trà Bồng đánh chiêng trong dịp mừng xuân Quý Tỵ 2013. Ảnh: N.Đức


 Lo lắng vì những giá trị truyền thống của đồng bào mình bị mai một, anh Hồ Văn Biên đã kết hợp trong những chuyến công tác của mình đến với thôn, xóm vùng sâu, vùng xa chỉ dạy cho đám trẻ biết đánh chiêng. Để thuyết phục cho đám trẻ say mê tập luyện, Hồ Văn Biên đã tự chơi những bản chiêng lúc du dương trầm buồn, trữ tình, lúc ngân nga hùng tráng. Từ đó, đám thanh niên ngày càng đông hơn xin anh Biên chỉ dạy cách chơi cồng chiêng. Già làng Hồ Ngọc Vừng ở xã Trà Sơn, bộc bạch: “Bây giờ đám trẻ thanh niên biết cách đánh chiêng bằng chú bằng bác, bằng ông, bằng cha rất là mừng để giữ lại bản sắc của dân tộc mình”.

Bây giờ về khắp thôn, xóm Cor ở Trà Bồng thường bắt gặp đám thanh niên vài ba đứa say sưa tập đánh cồng chiêng, chơi các loại nhạc cụ dân tộc. Có những thôn thành lập một đội chiêng hẳn hoi. Trong những dịp văn nghệ do địa phương hay huyện tổ chức là dịp để các đội cồng chiêng của Trà Bồng thi thố tài năng, giao lưu học hỏi. Khi trở về làng, các “tay chiêng” càng hăng say tập luyện nhiều hơn để tiếng chiêng của làng mình ngân vang và hay hơn. Những kết quả này không thể không kể đến công lao của Hồ Văn Biên. Điều quan trọng là anh Biên đã gieo vào lớp trẻ một ý thức biết bảo vệ văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Anh Biên tâm sự: “Mình phải tích cực tuyên truyền, vận động các bạn trẻ biết đánh cồng chiêng, để giữ lại truyền thống. Nhiều khi thấy lớp trẻ say sưa tập cồng chiêng là mình vui rồi”.
Những việc làm của anh Hồ Văn Biên đã góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc khi các giá trị này có nguy cơ bị mai một.

Anh Vinh
 


.