Liên hoan âm nhạc các tỉnh phía nam tại Quảng Ngãi: Rộn ràng những giai điệu đầu xuân

02:03, 31/03/2013
.

(QNg)- Giữa không khí còn hơi xuân của tháng 3 rộn ràng cờ, hoa chào mừng 38 năm ngày giải phóng Quảng Ngãi, một sự kiện hoạt động văn hoá về lĩnh vực âm nhạc chuyên nghiệp lớn nhất đã diễn ra trên đất Quảng Ngãi. Đó là Liên hoan âm nhạc khu vực phía Nam năm 2013 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức. 19 đoàn với hơn 200 nhạc sĩ, nghệ sĩ từ thành phố Đà Nẵng đến tận Tây Ninh, trong đó đoàn của Hội nhạc sĩ TP Hồ Chí Minh là đông đảo nhất.

TIN LIÊN QUAN


Trong 3 ngày hoạt động, điểm đầu tiên đoàn đến là đảo Lý Sơn. Tối 19/3, Trung tâm ca nhạc nhẹ TP Hồ Chí Minh do Tiến sĩ - Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội NS Việt Nam cùng NS Trần Long Ẩn, Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu đến biểu diễn giao lưu cùng đông đảo quân, dân trên đảo Lý Sơn. Với Lý Sơn, các nhạc sĩ, nghệ sĩ dù đã đến hoặc chưa đến nhưng trong sâu thẳm lòng mình mọi người đều hướng đến, nhớ đến bởi nhân dân nơi đây từ mấy trăm năm trước đến tận bây giờ đã đổ nhiều xương máu để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

 

Tác phẩm “Chân sóng“ do Đoàn Quảng Ngãi biểu diễn tại đêm khai mạc.
Tác phẩm “Chân sóng“ do Đoàn Quảng Ngãi biểu diễn tại đêm khai mạc.


Còn đối với nhân dân trên đảo – vốn rất hiếu, mến  khách lại nghe có đoàn nhạc sĩ tận TP HCM đến thăm và biểu diễn thì háo hức khôn cùng. Chưa đến 7 giờ tối mà các ngả đường đến nơi biểu diễn đông nghẹt cả người, đến nỗi xe đưa diễn viên không đi được phải cùng lội bộ. Và giữa biển trời mênh mông các nhạc sĩ, ca sĩ và người dân đất đảo đã có sự đồng cảm về âm nhạc, vì vậy khi MC tuyên bố chương trình chấm dứt mà tiếng vỗ tay và dòng người cứ mãi bịn rịn không ai muốn ra về.

Đề dẫn khai mạc Hội thảo của GS – Tiến sĩ Thế Bảo mang tính thời đại nhưng cũng rất “nóng” với chủ đề “ Khai thác và phát huy âm nhạc dân gian trong quá trình hội nhập quốc tế”, gợi nhiều điều tưởng cũ nhưng rất mới. Ví như khai thác và phát huy âm nhạc dân gian với liều lượng như thế nào để tránh việc “bội thực” như đã từng xảy ra khi hát dân ca quan họ với dàn đồng ca có đến ngàn người? Sau đó có nhiều bài phát biểu của các nhà phê bình, sáng tác âm nhạc vừa mang tính lý luận sâu, nhưng cũng rất thực tế trong đời sống âm nhạc hiện nay, như: NS Nguyễn Thị Minh Châu (Hà Nội), NS Trần Hồng (Đà Nẵng), NS Trần Long Ẩn (TP Hồ Chí Minh)…đã gợi mở nhiều điều hữu ích cho những nhạc sĩ sáng tác muốn vận dụng âm nhạc cổ truyền vào âm nhạc hiện đại…    

Điểm nhấn cuối cùng là đêm khai mạc rồi biểu diễn của các đoàn và buổi tổng kết liên hoan được truyền hình trực tiếp tại Quảng trường tỉnh là điều mọi người mong đợi. Ở đêm khai mạc, màn chào mừng của đơn vị chủ nhà với hợp xướng “Chân sóng” (thơ Thanh Thảo, âm nhạc Văn Phượng) đã đi vào lòng khán giả khi nghe hai từ “Gạc Ma” của Quần đảo Trường Sa trong ca khúc. Sau đó là gần 40 tiết mục liên hoan của các đơn vị toàn khu vực về tham dự mang dáng dấp vùng miền với nhiều chủ đề rất rõ.

Tây Nguyên có “Ting Gling” (NS A Duh – thơ Tạ Văn Sỹ), “Giấc mơ mùa thu Cao nguyên” (NS Võ Cường); “Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra” (NS Văn Phượng – thơ Nguyễn Ngọc Chiến), “Sợi dây leo” (NS Ngọc Quang); Nam Trung bộ có “Ba Tơ quê mẹ yêu thương” (NS Tố Hải), “Hạnh phúc ở đâu’ (NS Ngọc Văn Trung); Đông – Tây Nam bộ có “Tình em Bà Rịa – Vũng Tàu” (NS Vĩnh Trí), “Lên núi Bà Đen” (NS Lê Hữu Trịnh)… Với gần 40 sáng tác của các nhạc sĩ đã được tuyển chọn từ các hội, chi hội  nhạc sĩ Việt Nam ở các địa phương đem đến liên hoan nên chất lượng tác phẩm khá đồng đều, chỉ “hơn thua” ở khâu phối khí, ca sĩ biểu diễn và điều kiện dàn dựng thể hiện đến đâu… Tuy vậy, đêm tổng kết cũng chỉ chọn sáu tiết mục tiêu biểu nhất để công diễn, đó là các sáng tác của NS Đình Thậm (Đà Nẵng), NS Văn Phượng, Trần Xuân Tiên (Quảng Ngãi), NS A Duh (Kon Tum), NS Ngọc Quang (Phú Yên) và NS Vĩnh Trí (Bà Rịa – Vũng Tàu).

Nói về ấn tượng của Quảng Ngãi trong liên hoan âm nhạc lần này, Chủ tịch Hội NS Việt Nam Đỗ Hồng Quân cho biết, tôi về Quảng Ngãi rất nhiều lần, lần nào cũng cho tôi nhiều cảm xúc mới lạ. Bởi tôi biết người dân Quảng Ngãi rất kiên trung bất khuất nhưng cũng rất hiếu khách thủy chung. Lần này, điều gây ấn tượng nhất là các vị lãnh đạo của tỉnh, thành phố Quảng Ngãi đã ngồi dự với chúng tôi nhiều đêm liền, nhất là buổi khai mạc xem 40 tiết mục suốt 5 giờ đồng hồ từ 7 giờ tối đến gần 12 giờ khuya. Hội NS Việt Nam đã tổ chức 17 lần trên toàn quốc, hiếm có nơi nào lại có sự “kiên trì” đến vậy… Tạm biệt chia tay Liên hoan Âm nhạc lần thứ 18 tại Quảng Ngãi, hẹn gặp nhau lần thứ 19 ở tỉnh Gia Lai.


MINH ĐIỀN
 


.