Hòa chung không khí kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, nhân dân sinh sống tại các tỉnh dọc biên giới Việt- Lào rộn ràng tổ chức chương trình giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch nhân dịp 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật diễn ra sôi nổi tại cụm miền Trung một lần nữa khẳng định: "Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long".
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hình ảnh, hiện vật "biết nói"
Triển lãm ảnh "Đặc trưng văn hóa vùng biên giới và tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào" tại Trung tâm văn hóa tỉnh Hà Tĩnh mở đầu cho hoạt động giao lưu văn hóa dọc các tỉnh biên giới Việt - Lào nhân kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập ngoại giao thu hút đông đảo lượng khách đến tham quan, tìm hiểu. Hơn 100 bức ảnh được trưng bày tại đây phản ánh chân thực, sinh động mối bang giao giữa hai nước trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, thân thiết như anh em một nhà. Người dân bản Thông Pẹ (Lào) giáp tỉnh Hà Tĩnh đối mặt với nghèo đói, ốm đau đã được bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh không ngại khổ, ngại khó "ba cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt). Hình ảnh anh bộ đội Việt Nam khám chữa bệnh cho người dân Lào được ghi lại qua nhóm ảnh "Bộ đội biên phòng khám bệnh cho dân bản Thông Pẹ".
Tuổi trẻ hai nước Việt Nam - Lào giao lưu trong chương trình Dạ hội Thanh niên quân đội Việt Nam - Lào mang tên “Chung dãy Trường Sơn - Thắm tình đồng chí”. Ảnh: Trọng Hải |
Cạnh đó, hình ảnh công nhân công ty Mitraco (Hà Tĩnh) hối hả xây dựng Nhà máy Valico chuyên khai thác và chế biến thạch cao, công suất hơn 20 triệu tấn/năm tại tỉnh Khammuane cũng gây ấn tượng cho người xem, không chỉ về nghệ thuật mà còn bởi nhà máy này hiện đang giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động Lào, mang lại nguồn thu ngân sách không nhỏ cho tỉnh Khammuane. Còn khi nhân dân Hà Tĩnh gặp khó khăn do thiên tai, Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavad đã đến vùng lũ Phú Gia, huyện Hương Khê ân cần động viên bà con nơi đây. Hình ảnh của chuyến thăm nghĩa tình này cũng được giới thiệu trang trọng tại triển lãm như một bằng chứng khẳng định cho mối quan hệ hữu nghị, thủy chung giữa hai dân tộc...
Ngoài hình ảnh, triển lãm còn trưng bày hơn 300 hiện vật quý giá nói lên sự tương đồng, gần gũi về sinh hoạt văn hóa, lao động sản xuất của nhân dân dọc biên giới hai nước như dụng cụ sản xuất của đồng bào dân tộc Tà Ôi vùng miền núi tỉnh Quảng Trị và người dân tỉnh Savannakhet, Saravane (Lào). Đến với triển lãm, công chúng còn có cơ hội tìm hiểu vì sao thiếu nữ dân tộc Dao các tỉnh biên giới vùng núi phía bắc Việt Nam lại tự thêu trang phục cưới cho mình, vì sao phụ nữ dân tộc Thái đi lấy chồng phải mang theo của hồi môn… "Triển lãm là dịp để các tỉnh biên giới hai nước giới thiệu, quảng bá tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch, qua đó mời gọi các nhà đầu tư", ông Võ Hồng Hải, Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Tĩnh khẳng định.
Âm nhạc gắn kết tâm hồn
Cùng với triển lãm, người dân hai nước như hiểu nhau hơn qua các chương trình giao lưu nghệ thuật. Tham gia chương trình biểu diễn nghệ thuật tại thị xã Hồng Lĩnh, dù không biết nhiều về tiếng Việt, Chinchay Humvisay (Đoàn nghệ thuật tỉnh Borikhamxay) vẫn hát theo giai điệu "Việt - Lào anh em, vai sát vai tiến lên xây dựng ngày mai " - lời bài hát "Bài ca Việt - Lào" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Chinchay Humvisay cho biết, đây là ca khúc được người dân Lào rất thích nên luôn nằm trong chương trình biểu diễn của Đoàn nghệ thuật Borikhamxay. Bài hát "Cô gái Sầm Nưa" được nhạc sĩ Trần Tiến viết theo tiết tấu của điệu Lăm vông cũng được rất nhiều người yêu thích. Qua chuyện tình cảm của anh bộ đội Việt với cô gái Lào, tình cảm chung của cả một thế hệ bộ đội tình nguyện Việt Nam đã sống và chiến đấu vì đất nước Lào, vì mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc đã được khắc họa. Chính điều đó đã chinh phục trái tim của những người Lào yêu âm nhạc.
Đất nước Việt Nam xinh đẹp, thơ mộng, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình là cảm hứng sáng tác cho nhiều thế hệ nhạc sĩ Lào, trong đó bài "Sải chay Lào - Việt Nam" (tấm lòng Lào - Việt Nam) của nhạc sĩ Humphan Lattannavong là một ví dụ. Dùng hoa sen và hoa chămpa để biểu tượng cho tấm lòng Lào - Việt, dùng dân ca Việt và dân ca Lào để thể hiện tình cảm da diết, thắm thiết giữa hai nước, bởi thế, những câu hát "như anh em sinh ra từ trong lòng cùng một cha mẹ, thân yêu có nhau, hạnh phúc có nhau, khổ đau có nhau. Tấm lòng Lào - Việt Nam, Tấm lòng Lào - Việt Nam", đã vang lên da diết trên nhiều sân khấu giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa hai nước tại Hà Tĩnh.
Tình cảm hữu nghị, gắn bó giữa hai nước đã làm nên chất liệu trong sáng tác âm nhạc và rồi chính âm nhạc đã gắn kết tâm hồn người dân hai nước với nhau.
Theo HNMO