Niềm ước nguyện từ Sơn Mỹ

10:03, 15/03/2012
.

(QNĐT)- Những ngày tháng 3, làng quê Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh thật yên bình như bao làng quê khác ở Việt Nam. Nhưng cách đây 44 năm, vào ngày 16/3/1968, chính tại làng quê này, 504 con người đã bị lính Mỹ xả súng giết hại. Vụ thảm sát gây chấn động lương tri loài người và đã đi vào lịch sử dưới cái tên: Thảm sát Mỹ Lai. 44 năm qua, nỗi đau vẫn còn đó, nhưng người dân Sơn Mỹ đã dằn nén đau thương, gác lại quá khứ để cùng nhau xây dựng quê hương.

TIN LIÊN QUAN


Sơn Mỹ mãi là điểm đến

 

Theo dòng thời gian, Sơn Mỹ đã trở thành một điểm đến không thể thiếu của những du khách trong và ngoài nước. Những ngày này, dòng người từ khắp nơi trong nước cũng như bạn bè trên thế giới tìm về Sơn Mỹ khá đông. Họ đến đây, không chỉ để tham quan, mà để chia sẻ, thắp những nén hương cho 504 con người đã bị giết hại.

 

Học sinh Sơn Mỹ dưới tượng đài thảm sát Sơn Mỹ.

Các em học sinh dưới tượng đài thảm sát Sơn Mỹ.

Cứ gần đến ngày 16/3 là người dân trong làng đến thắp hương cho những người đã ngã xuống trong vụ thảm sát.

Cứ đến ngày 16/3 người dân trong làng lại đến thắp hương cho 504 người đã ngã xuống trong vụ thảm sát.


Hầu hết những du khách đến đây, khi chứng kiến những hình ảnh trưng bày tại bảo tàng Sơn Mỹ đều không khỏi rùng mình trước tội ác mà quân đội Mỹ gây ra với những thường dân. Và qua đây, nhiều người càng thêm trân trọng, mến yêu hòa bình, đồng thời chia sẻ, vui mừng với những nỗ lực của người dân nơi đây sau chiến tranh.

 

Những ngày này, anh Phạm Thành Công-Giám đốc Ban quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ, khá tất bật cho việc chuẩn bị lễ tưởng niệm ngày xảy ra vụ thảm sát 504 thường dân, trong đó riêng gia đình anh có tới 5 người bị giết hại trong vụ thảm sát, gồm mẹ và bốn anh em.

 

Phòng trưng bày bảo tàng Sơn Mỹ.

Phòng trưng bày Khu chứng tích Sơn Mỹ.


Anh Công cho biết, những ngày này là ngày giỗ chung của cả làng. Cứ tới ngày này không chỉ có những người thân của 504 gia đình bị giết hại trong ngày thảm sát kinh hoàng đó mới cảm nhận nỗi đau xé lòng, mà kể cả những du khách, những người yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới đều không thể cầm được nước mắt khi đến thăm khu chứng tích, thăm nơi lưu giữ những hình ảnh, hiện vật của vụ thảm sát.
 
Nhiều người đã viết trong cuốn nhật ký khá cảm động, trong đó có không ít người nước ngoài, nhất là các bạn trẻ. Nhiều bạn viết rằng, họ được sinh ra và lớn lên trong đất nước không có chiến tranh. Qua sách báo, họ đã nghe nhiều về chiến tranh, nhất là cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam, thế nhưng khi xem những hình ảnh tại bảo tàng, nhiều người phải thốt lên: "Thật qua sức tưởng tượng của một con người". Nhiều người còn ghi rằng, được xem hình ảnh, hiện vật thật khủng khiếp của vụ thảm sát Mỹ Lai như nhắc nhở mỗi người chúng ta đừng để thế giới có thêm một vụ thảm sát như Mỹ Lai...
 

Tiếng chuông hòa bình

Hàng ngày, vào khoảng 5 giờ 30 phút sáng, trước lúc bình minh mỗi ngày, nhân viên trực của khu chứng tích Sơn Mỹ sẽ gõ năm hồi và bốn tiếng chuông tượng trưng cho lời nguyện cầu 504 linh hồn thường dân vô tội bị thảm sát  ngày 16/3/1968.

Tiếng chuông Sơn Mỹ vang lên không những để tưởng nhớ vong hồn của 504 thường dân đã nằm xuống, mà nó còn mang một thông điệp là cầu nguyện hoà bình, cầu mong trái đất không còn tiếng súng.

Theo thống kê của Ban quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ, trung bình mỗi năm, khu chứng tích đón trên 100.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan.
 
Sơn Mỹ hồi sinh từng ngày
 
Tôi không nhớ là mình đã đến Sơn Mỹ biết nhiêu lần, thế nhưng mỗi lần mỗi lần đến Sơn Mỹ tôi lại cảm nhận vùng quê này đang đổi thay từng ngày. Đường sá, nhà cửa, trường học, trạm xá, hệ thống kênh mương thuỷ lợi được xây dựng kiên cố... Tất cả đã minh chứng một điều, Sơn Mỹ đã hồi sinh.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê Võ Văn Đại khoe rằng: Những năm qua, bằng nhiều nguồn lực đầu tư, nhân dân xã Tịnh Khê đã đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn, từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
 
Xã Tịnh Khê là một trong những xã điểm được chọn xây dựng nông thôn mới. Hiện trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì xã đạt 9 tiêu chí, còn 10 tiêu chí đã đạt 50%. Đặc biệt, trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì hạ tầng giao thông của xã đạt tương đối cao.

Chỉ tính riêng trong năm 2011, giá trị sản xuất của xã đạt 400 tỷ đồng. Sản lượng lương thực đạt trên 3.800 tấn. Những năm qua, ngoài cây lúa, người dân trong xã đã mạnh dạn phát triển cây rau màu các loại; tận dụng bãi bồi ven sông Kinh, ruộng nhiễm mặn để cải tạo thành ao nuôi tôm.

Cùng với nông nghiệp, nghề khai thác hải sản ở Tịnh Khê cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Toàn xã hiện có gần 300 chiếc tàu, tổng công suất hơn 16.571 CV. Sản lượng hải sản đánh bắt hằng năm đạt hơn 5.500 tấn. Bãi tắm Mỹ Khê đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn, tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
 

Đường về thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh.

Những làng quê yên bình ở Sơn Mỹ hôm nay.


Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê Võ Văn Đại, những năm gần đây, nhà nước và nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đã đầu tư, giúp đỡ chính quyền và người dân ổn định và phát triển sản xuất, nhờ vậy đời sống của nhân dân trong xã được nâng lên đáng kể. Hiện thu nhập bình quân đầu người ở Tịnh Khê là 12,5 triệu đồng. Đầu năm 2012 này, số hộ nghèo của xã chỉ còn 358 hộ (chiếm 11,9%).

Có thể nói, vụ thảm sát ngày 16/3/1968 là nỗi đau không bao giờ quên đối với người dân Sơn Mỹ. Thế nhưng người dân nơi đây đã nén chặt đau thương, gác lại quá khứ để cùng nhau xây dựng quê hương đất nước. Và mỗi năm cứ đến những ngày tháng 3 này, người dân Sơn Mỹ nói riêng, người dân Việt Nam nói chung và những người yêu chuộng hoà bình trên thế giới chắc hẳn đều có chung một ước nguyện: Thế giới sẽ không còn tiếng súng; không có thêm một vụ thảm sát nào tương tự như ở Mỹ Lai - Sơn Mỹ.

 

Bài, ảnh: M.Toàn

 


.