(QNg)- Cũng như các dân tộc anh em khác, dân tộc Hrê ở Quảng Ngãi có nền âm nhạc dân gian khá đa dạng và phong phú. Dân ca là một loại hình nghệ thuật diễn xướng được nhiều người yêu thích, trong đó phải kể đến làn điệu H'chôi (Ca chôi).
H'chôi gồm có hai loại: "H'chôi i boi" và "H'chôi tăh têu" (hay còn gọi là "Tăh h'chôi"). H'chôi i boi là một làn điệu dân ca có bài bản, có nhịp điệu như một ca khúc mới, có nhiều bài và phổ biến nhất; còn H'chôi tăh têu nó chỉ có một lối hát, một bài mà thôi, là một làn điệu hát đối đáp, nên gọi là H'chôi tăh têu.
Tiết mục làn điệu H'chôi tăh têu tại Liên hoan Dân ca Việt Nam năm 2011. |
"Tăh têu" tức là đối đáp, "Tăh h'chôi" tức là hai người hát đối đáp làn điệu H'chôi tăh têu, hay nói cách khác, H'chôi tăh têu là tên của một làn điệu dân ca, còn Tăh h'chôi là khi hai người hát đối đáp với nhau làn điệu dân ca H'chôi tăh têu, lúc này gọi là "Tăh h'chôi", nên gọi là làn điệu "Tăh h'chôi" cũng được.
H'chôi tăh têu là một làn điệu lối hát tự do, không có nhịp điệu, âm đầu tiên là âm lấy đà, âm thứ hai và âm cuối cùng của câu nhạc thường kéo dài hơi, các âm trong câu thường có chùm (liên) âm và từng âm một, hoặc hai, hát chậm rãi, đôi khi còn xen lời nói, rồi hát. Làn điệu H'chôi tăh têu về giai điệu âm nhạc thì có sẵn, còn phần lời thì người hát tự ứng tác tại chỗ theo nội dung sinh hoạt, nó không có bài bản cụ thể, nên làn điệu h'chôi tăh têu có thể hát nhiều nội dung khác nhau và người ta có thể hát với nhau suốt cả đêm mà không có đoạn kết.
Về nội dung thường thì người ta hát để tỏ tình giao duyên kết bạn, tâm tình kết sui gia, hoặc để trao đổi một công việc gì đó... người ta không tiện nói với nhau bằng lời nói cụ thể mà thông qua bằng âm nhạc, lời thơ dùng những từ ngữ ví von sâu xa, tinh tế, kín đáo, có vần điệu để diễn tả tình cảm của mình mà đối phương hiểu được ý tứ của nó; rồi đối phương đáp lại cũng vậy, dùng những lời thơ tinh tế, sâu sắc nhưng chỉ tập trung vào một nội dung mà hai người đang quan tâm, lời thơ đó phải đúng theo lối hát làn điệu H'chôi tăh têu, cứ thế cuộc "hát lý, nói lý" giữa hai người suốt cả đêm mà không có đoạn kết. Và phần diễn xướng giai điệu cũng vậy, người thể hiện cũng phải biết cách rung giọng, kéo dài hơi một cách khéo léo, hợp lý thì mới có thể tạo ấn tượng cho đối phương, và người nghe.
Đặc biệt, nếu hai người đều biết thổi Rangoiq (kèn môi), kết hợp vừa hát một đoạn, thổi một đoạn thì thật là hấp dẫn, độc đáo hơn nhiều. Nhưng những cặp như vậy không nhiều, bởi những kỹ năng thổi kèn môi khi nó vang lên âm thanh mà người nghe cảm nhận được ý tứ, nội dung của nó, đồng thời vừa suy nghĩ ứng tác những lời thơ sâu sắc, vần điệu và có lối hát ngọt ngào, mênh mông của làn điệu H'chôi tăh têu thật không dễ chút nào, nhất là với những người mới tập hát làn điệu này.
Ngày xưa trong các dịp Tết, cúng, đám cưới, hay sinh hoạt vui chơi, giải trí... ngồi bên ché rượu cần, khi có chút men rượu người ta thường rủ nhau hát làn điệu H'chôi tăh têu để giao lưu, tâm sự, chia sẻ tâm tư tình cảm của mình, hoặc để thể hiện khả năng tài nghệ hát h'chôi tăh têu, thổi rangoiq của mình với mọi người. Có những cặp hát với nhau suốt cả đêm mà không bên nào chịu kết thúc trước, làm cho không khí ngày vui thêm rộn rã, đầm ấm, và mang nhiều ý nghĩa..
Minh Đát