Tài liệu giáo dục địa phương: Bồi dưỡng tình yêu quê hương cho học sinh

05:08, 05/08/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau 2 năm triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, Quảng Ngãi đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng Tài liệu giáo dục địa phương (GDĐP) ở các lớp 1, 2 và 6. Năm học 2022 - 2023, tỉnh tiếp tục biên soạn và đưa vào sử dụng Tài liệu GDĐP ở các lớp 3, 7 và 10. Tài liệu GDĐP có vai trò quan trọng trong việc trang bị cho học sinh (HS) các kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp...
 
[links()]
 
Nội dung phù hợp với từng đối tượng học sinh
 
Bộ tài liệu GDĐP gồm có 3 nhóm vấn đề chính: Nhóm các vấn đề về văn hóa, lịch sử truyền thống; nhóm các vấn đề về địa lý, kinh tế, hướng nghiệp và nhóm các vấn đề về chính trị - xã hội, môi trường. Ở bậc tiểu học, nội dung GDĐP được tích hợp trong hoạt động trải nghiệm và các môn học khác. Ở bậc THCS và THPT, nội dung GDĐP có vị trí tương đương các môn học khác.
 
Thành viên Ban biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương lớp 7 đang trao đổi về nội dung, hình ảnh của tài liệu.  Ảnh: TR.PHƯƠNG
Thành viên Ban biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương lớp 7 đang trao đổi về nội dung, hình ảnh của tài liệu. Ảnh: TR.PHƯƠNG
Tài liệu GDĐP được thiết kế theo từng chủ đề kết hợp với hình ảnh minh họa cụ thể, sống động. Mỗi chủ đề được thiết kế thành bài học cụ thể với những thông tin đảm bảo tính chính xác, khoa học, gần gũi, dễ hiểu, giúp HS cảm nhận và hiểu rõ hơn những vấn đề của địa phương. Cấu trúc mỗi chủ đề gồm 4 hoạt động: Mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, vận dụng. Nội dung kiến thức phù hợp với các đối tượng HS, giúp hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của từng HS.
 
Cô Trần Thị Phúc Nguyên, giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS Nguyễn Trãi (Mộ Đức) cho rằng, trong Tài liệu GDĐP, Ban biên soạn đã khai thác, cung cấp cho HS những kiến thức cơ bản, thiết thực, gần gũi về nơi các em được sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Tài liệu còn tác động đến tình cảm, tâm tư của HS rất nhiều. Học sinh được tiếp cận một cách chân thực, hiểu rõ hơn về quê hương của mình.
 
“Tài liệu giáo dục địa phương không chỉ gói gọn, lồng ghép ở những tiết học trên lớp, mà còn được các trường thực hiện trong các hoạt động ngoại khóa. Thông qua những hoạt động này, học sinh không chỉ được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa địa phương từ thực tế, mà các em còn thấu hiểu giá trị đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, bồi đắp niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước".
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT VŨ THỊ LIÊN HƯƠNG

Thêm yêu quê hương

 
So với các môn học khác, Tài liệu GDĐP thu hút HS bởi tính sinh động, phong phú, gần gũi thông qua hình ảnh, giúp HS hiểu biết về địa phương mình. Các em có được những kiến thức nhất định về lịch sử, văn hóa, di sản ở địa phương.
 
Một tiết dạy thực nghiệm Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Quảng Ngãi lớp 6 tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Thủy (Trà Bồng).  			       Ảnh: T.L
Một tiết dạy thực nghiệm Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Quảng Ngãi lớp 6 tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Thủy (Trà Bồng). Ảnh: T.L
Thầy giáo Nguyễn Minh Văn-Tổ trưởng Tổ Xã hội, Trường THCS thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ) được Sở GD&ĐT phân công biên soạn chủ đề 3 về “Văn hóa, nghệ thuật ở Quảng Ngãi” trong Tài liệu GDĐP lớp 7. “Nhóm biên soạn đã định lượng kiến thức phù hợp với đối tượng HS lớp 7 tương ứng với Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Các em được tìm hiểu về hát bả trạo, hát sắc bùa, điệu lý, điệu hò, nghệ thuật âm nhạc của các dân tộc Hrê, Cor, Ca Dong và sự phong phú, đa dạng của các làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng của tỉnh như: Làng gốm Mỹ Thiện (Bình Sơn), đúc đồng Chú Tượng (Mộ Đức), thổ cẩm Làng Teng (Ba Tơ)...”, thầy Văn chia sẻ.
 
Theo thầy Văn, Trường THCS thị trấn Ba Tơ đã đưa Tài liệu GDĐP vào giảng dạy ở khối lớp 6 trong năm học 2021- 2022. Nhiều HS thích thú khi được tiếp cận với những hình ảnh sinh động về quê hương, nhất là hiểu biết hơn về những nét đẹp trên chính mảnh đất mình đang sinh sống, học tập. Ngoài những kiến thức được cung cấp trong bộ tài liệu, thì thông qua việc học giúp khơi dậy cho HS sự đam mê, tìm tòi, nghiên cứu những nét đẹp của quê hương.
 
TRỊNH PHƯƠNG
 

.