(Báo Quảng Ngãi)- Vừa qua, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2022 - 2023 trên địa bàn tỉnh đã diễn ra an toàn, đúng quy chế. Tuy nhiên, kết quả điểm chuẩn vào lớp 10 của các trường đã để lại nhiều điều trăn trở đối với ngành GD&ĐT và các địa phương trong tỉnh.
[links()]
Điểm chuẩn đầu vào thấp
Hiệu trưởng Trường THPT Lê Qúy Đôn (Bình Sơn) Ngô Quang Vinh cho biết, năm nay, trường tuyển 560 chỉ tiêu nhưng chỉ có 569 hồ sơ, tỷ lệ chọi gần như không có. Vì vậy, điểm chuẩn vào trường cũng chỉ ở mức 16,1 điểm, thay vì 18,3 điểm như năm trước.
Thí sinh dự thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022 - 2023 tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Công Phương (Nghĩa Hành). Ảnh: Hiền Thu |
Điểm chuẩn vào lớp 10 của một số trường chưa tới 15 điểm trên tổng 3 môn; trong đó, môn Toán và Ngữ văn được nhân đôi. Như vậy, bình quân mỗi môn chỉ khoảng 3 điểm. Điều này cho thấy, chất lượng giáo dục bậc THCS chưa cao và không đồng đều. Chất lượng đầu vào thấp là áp lực lớn cho các trường THPT, buộc giáo viên (GV) phải nỗ lực rất nhiều trong suốt 3 năm học, để rèn luyện học sinh.
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Tư Nghĩa) Võ Thị Hoanh bộc bạch, mặc dù trường nằm ở trung tâm huyện, nhưng điểm tuyển sinh đầu vào có sự chênh lệch rất cao so với trường lân cận. Năm nay, trường tuyển 345 chỉ tiêu. Điểm chuẩn nguyện vọng 1 vào trường là 14,4 điểm. Như vậy, trung bình mỗi môn chưa tới 3 điểm. Chất lượng tuyển sinh đầu vào thấp là rào cản rất lớn cho việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là khi triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới (CTGDPTM) đối với lớp 10 trong năm học 2022 - 2023.
Phải đổi mới để nâng cao chất lượng
Theo các nhà quản lý giáo dục, nhìn vào kết quả kỳ thi hay phổ điểm, điểm chuẩn của các trường sẽ khó so sánh, đánh giá được chất lượng giáo dục giữa các năm, vì còn tùy thuộc vào đề thi, số lượng thí sinh dự thi và chỉ tiêu tuyển sinh. |
Sau 2 năm triển khai thực hiện CTGDPTM bước đầu mang lại những kết quả đáng khích lệ. Năm học 2022 - 2023, ngoài các khối lớp 1, 2 và 6, toàn ngành GD&ĐT tiếp tục triển khai thực hiện CTGDPTM đối với khối lớp 3, 7 và 10. Đến thời điểm này, Quảng Ngãi đang tích cực chuẩn bị cho việc đổi mới, đáp ứng yêu cầu đề ra của CTGDPTM.
Ngoài việc chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ GV, cán bộ quản lý... thì việc đánh giá lại kết quả các kỳ thi quan trọng là điều cần thiết, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện. Theo bà Võ Thị Hoanh, Ban Giám hiệu nhà trường sẽ chỉ đạo các tổ bộ môn chú trọng bồi dưỡng kiến thức cơ bản nhất để HS tiếp cận. Trong quá trình dạy học, GV phải sử dụng các phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng HS. Giáo viên phải là người truyền lửa đam mê học tập cho các em thông qua các tiết học sôi nổi, không áp lực.
Gần 20 năm đứng trên bục giảng, cô giáo Nguyễn Thị Ái Việt, môn Ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An luôn trăn trở tìm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Cô Việt thổ lộ, trong những năm qua, GV trong tổ bộ môn đã chủ động trong đổi mới phương pháp dạy học, lấy HS làm trung tâm. Sau mỗi tiết học, GV giao nhiệm vụ cho HS làm ở nhà. Đầu giờ học hôm sau, HS sẽ thảo luận theo nhóm và thuyết trình tại lớp. Bắt đầu tiết học sôi nổi sẽ tạo sự thích thú, ham học trong HS.
Thí sinh dự thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022 - 2023 tại điểm thi Trường THPT số 1 Tư Nghĩa. Ảnh: Hiền Thu |
Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá là yêu cầu tất yếu của giáo dục. Toàn ngành quyết tâm đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho người học. Đây cũng là cơ hội cho các trường và GV được chủ động và thỏa sức sáng tạo trong công việc chuyên môn, nhằm đạt được mục tiêu đề ra đó là nâng cao chất lượng giáo dục.
TRỊNH PHƯƠNG