Tiến tới thi đại học trên máy tính

04:12, 12/12/2020
.
Ngày 12-12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến giáo dục đại học (ĐH) 2020, kết quả chủ yếu năm học 2019-2020 và đề xuất định hướng 2021-2025. 
[links()] 
Thứ trưởng GD-ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì hội nghị.
Thứ trưởng GD-ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị, Vụ trưởng GDĐH, Bộ GD-ĐT Nguyễn Thu Thuỷ cho biết: Năm 2020, tuy ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đã kịp thời điều chỉnh và thực hiện thành công. Công tác tuyển sinh bảo đảm quyền tự chủ của các cơ sở đào tạo theo đúng quy định của pháp luật; cung cấp minh bạch thông tin và kết quả tuyển sinh. Hầu hết các cơ sở đào tạo sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020. Phần mềm tuyển sinh đã giúp thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, các cơ sở đào tạo thống kê, dự tính được thí sinh ảo để chủ động trong tuyển sinh.
 
Về định hướng tuyển sinh 2021-2025, Bộ GD-ĐT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án thi, tuyển sinh bảo đảm phù hợp bối cảnh Việt Nam và xu hướng chung trên thế giới.
 
Về cơ bản, phương án tuyển sinh được giữ ổn định như năm 2020, đồng thời, phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và việc triển khai của địa phương, các cơ sở giáo dục đại học.
 
Bên cạnh đó, chuẩn bị các điều kiện để tiến tới thi trên máy tính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tuyển sinh. Nghiên cứu hình thành Trung tâm khảo thí độc lập để tuyển sinh, trong đó, xây dựng ngân hàng câu hỏi, đề thi chuẩn hoá, thi trên máy tính và thi nhiều lần trong năm.
 
Đối với các trường tổ chức thi riêng, cần tổ chức theo hình thức thi đánh giá năng lực hoặc thi năng khiếu kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT trên tinh thần gọn nhẹ, một đến hai môn. Hoặc tổ chức thi theo nhóm trường trong một buổi thi, tạo thuận lợi, tiết kiệm cho thí sinh.
 
Tại hội nghị, hầu hết các trường đại học đều ủng hộ và mong muốn giữ ổn định phương án tuyển sinh như năm 2020. Phó Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, Nguyễn Hữu Tú cho biết: Có 50% chỉ tiêu tuyển sinh của các trường vẫn dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, đây là kỳ thi quan trọng, bảo đảm khách quan, đỡ tốn kém, tạo thuận lợi học sinh và các trường. Năm 2021, việc tuyển sinh của trường cơ bản vẫn giữ như năm 2020 và chủ yếu dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, việc chuyển đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT cần thời gian chứ không thể chuyển đổi ngay lập tức.
 
Đồng quan điểm trên, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại Thương, Lê Thị Thu Thủy ủng hộ năm 2021 tiếp tục ổn định công tác tuyển sinh. Đồng thời, mong muốn Bộ GD-ĐT tiếp tục phát huy vai trò chỉ đạo chung đối với công tác xét tuyển, đặc biệt là việc đăng ký thi qua hệ thống quốc gia của học sinh phổ thông trong việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển về vấn đề về lọc ảo; các nhóm xét tuyển của khu vực miền bắc và nam tiếp tục phát huy vai trò.
 
Còn Hiệu trưởng Phạm Hồng Chương, Trường ĐH Kinh tế dân đề xuất hướng đi tới cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tuyển sinh để trong tương lai, 100% thí sinh sẽ thi trên máy tính. Để công tác tuyển sinh bảo đảm chất lượng đầu vào, thuận lợi cho các trường, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, Đoàn Quang Vinh đề xuất Bộ GD-ĐT tăng thêm vai trò tham gia giám sát của các trường ĐH trong tất cả khâu tổ chức kỳ thi. Đồng thời, Bộ nên giữ độ khó của đề thi qua các năm, tránh hiện tượng điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT giữa các năm có sự chênh lệch lớn. Về phương thức đăng ký xét tuyển ĐH, Bộ GD-ĐT xem xét tích hợp lọc ảo các phương thức tuyển sinh nhằm giảm lượng trúng tuyển ảo; công bố sớm kế hoạch như thời điểm có kết quả thi, điểm từng môn thi thành phần để các trường THPT ổn định cách dạy, thí sinh chủ động trong việc ôn thi. Ngoài ra, đề nghị Bộ sớm ban hành quy định mới về quy chế đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ và có quy định cụ thể về đào tạo trực tuyến để các trường có kế hoạch triển khai.
 
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng GD và ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Trong 5 năm qua, công tác tuyển sinh ĐH, cao đẳng sư phạm đã được đổi mới thành công theo một lộ trình ổn định, giảm áp lực và chi phí cho toàn xã hội, mang lại nhiều lợi ích cho thí sinh và các trường. Thí sinh không phải thi nhiều lần, được đăng ký nhiều nguyện vọng và được điều chỉnh nguyện vọng sau khi thi, gia tăng đáng kể cơ hội trúng tuyển. Các trường phối hợp thực hiện công tác xét tuyển nhẹ nhàng dựa vào phần mềm xét tuyển chung và lọc ảo do Bộ GD-ĐT hỗ trợ; đồng thời thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh với những phương thức khác, phù hợp với yêu cầu riêng.
 
Trên cơ sở phát huy những ưu điểm đã nêu, công tác tuyển sinh trong năm 2021 và cho đến năm 2025 cơ bản giữ ổn định như năm 2020, với một số cải tiến về mặt kỹ thuật đồng thời nâng cao vai trò tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở GDĐH. Đối với các trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ GD-ĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường hoặc tổ chức các trung tâm khảo thi độc lập. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường tham gia xét tuyển và lọc ảo chung với các phương thức tuyển sinh khác nhau, tạo điều kiện cho thí sinh đăng ký nguyện vọng theo nhiều phương thức tuyển sinh, đồng thời giảm tỷ lệ ảo cho các trường khi sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, cổng đăng ký thi và xét tuyển sẽ được tích hợp vào Cổng dịch vụ công quốc gia để tăng cường tiếp cận và tương tác với thí sinh trong cả nước.
 
Tại hội nghị, bên cạnh việc thảo luận về công tác tuyển sinh ĐH, cao đẳng và định hướng trong thời gian tới, các đại biểu còn tập trung thảo luận vào các nội dung như: Thành lập kiện toàn hội đồng trường theo Luật 34 và Nghị định 99; Tăng cường kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo; Chuyển đổi số trong giáo dục ĐH; Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục ĐH.
 
Theo QUỲNH NGUYỄN/Nhân Dân Điện tử
 

.