Chương trình giáo dục phổ thông mới: Sẵn sàng triển khai trong năm học đến

03:08, 02/08/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Năm học 2020 - 2021 sẽ là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới (CTGDPTM), bắt đầu từ khối lớp 1 và thực hiện cuốn chiếu trong những năm tiếp theo. Ngành giáo dục và các địa phương đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện tốt chương trình này. 
Các giáo viên trên địa bàn TP.Quảng Ngãi nghiên cứu, trao đổi về bộ sách giáo khoa mới.
Các giáo viên trên địa bàn TP.Quảng Ngãi nghiên cứu, trao đổi về bộ sách giáo khoa mới.
Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu: “Sẵn sàng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới" 
 
Thời gian qua, ngành giáo dục và các địa phương trong tỉnh đã tập trung nguồn lực ước tính hơn 700 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, vừa đảm bảo công tác giữ chuẩn, vừa đáp ứng cho việc thực hiện CTGDPTM. Trong năm học đến, địa phương sẽ ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đối với khối lớp 1 nhằm đảm bảo thực hiện CTGDPTM và thay sách giáo khoa mới.
 
Ngành tiếp tục tham mưu tuyển dụng giáo viên (GV). Trường hợp tỉnh chưa tổ chức tuyển dụng được, ngành giáo dục sẽ đề xuất cho các đơn vị hợp đồng GV dưới 12 tháng theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ để đảm bảo số lượng GV đứng lớp theo tỷ lệ quy định. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng cho cán bộ quản lý và GV trực tiếp giảng dạy lớp 1 trong năm học 2020 - 2021. Như vậy, về cơ bản, ngành đã sẵn sàng cho việc thực hiện CTGDPTM theo đúng lộ trình đề ra.
 
Phó Chủ tịch UBND phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) Vương Quang Khánh: “Quyết tâm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục" 
 
Đẩy mạnh đầu tư phát triển giáo dục là một trong những chỉ tiêu chủ yếu và là nhiệm vụ trọng tâm đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường. Vì vậy, trong những năm qua, địa phương đã chủ động trình UBND TP.Quảng Ngãi cho chủ trương, lập thủ tục để mở rộng diện tích và đầu tư xây dựng phòng học, phòng chức năng và cơ sở vật chất phục vụ giáo dục địa phương. Đối với Trường Tiểu học Chánh Lộ sẽ được mở rộng 2.400m2 để xây mới 18 phòng học đáp ứng nhu cầu học tập của con em địa phương. Trường THCS có dự án mở rộng 2.800m2 để đầu tư xây dựng phòng học và phòng chức năng.
 
Địa phương luôn đồng hành cùng với ngành giáo dục chuẩn bị mọi nguồn lực, để thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm học đến. Trong đó, tham mưu các cấp tiếp tục quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất và phân bổ nguồn nhân lực cho giáo dục địa phương, đảm bảo các yêu cầu của CTGDPTM, nâng chuẩn mức độ 2 cho cả trường tiểu học và THCS... 
 
Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tịnh Hà (Sơn Tịnh) Lê Thị Nga: “Chọn giáo viên phù hợp đảm nhiệm khối lớp 1"
 
Để thực hiện CTGDPTM, nhà trường đã chuẩn bị mọi mặt từ cơ sở vật chất đến đội ngũ GV. Nhà trường đã lựa chọn những GV có kinh nghiệm, đội ngũ trẻ và năng động để phân công giảng dạy khối lớp 1. Giáo viên được chọn dạy khối lớp 1 sẽ tham gia các lớp bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy sách giáo khoa mới. Hiện tất cả GV đã sẵn sàng thực hiện CTGDPTM và thay sách giáo khoa mới vào năm học đến.
 
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã tham mưu với các cấp đầu tư xây dựng 16 phòng học và khu hiệu bộ. Đến nay, số phòng học đảm bảo mỗi lớp một phòng, tỷ lệ GV đứng lớp đảm bảo. Tất cả công tác chuẩn bị cho việc thực hiện CTGDPTM đã hoàn tất, sẵn sàng triển khai thực hiện trong năm học đến. 
 
Cô giáo Phan Thị Minh Cẩm, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Đinh Thanh Kháng (Sơn Tây): “Cần sớm cho học sinh và giáo viên tiếp cận sách giáo khoa mới"
 
Đội ngũ GV được phân công dạy lớp 1 trong năm học tới, đã được bồi dưỡng tiếp cận phương pháp giảng dạy theo sách giáo khoa mới. Giáo viên là những người trực tiếp lựa chọn bộ sách giáo khoa phù hợp với năng lực học sinh trường mình. 
 
Sách giáo khoa mới sẽ giúp các em phát triển phẩm chất, năng lực cũng như tư duy dễ dàng hơn. Để thuận lợi cho việc triển khai thực hiện giảng dạy bộ sách mới, chúng tôi mong muốn ngành GD&ĐT sớm cung cấp sách giáo khoa mới về các đơn vị. Vì hiện nay, các trường miền núi chưa nhận được sách giáo khoa mới. Việc tiếp cận sách giáo khoa mới sớm sẽ giúp GV tiếp tục nghiên cứu và học sinh tiếp cận sớm hơn để khỏi bỡ ngỡ trước khi triển khai thực hiện trong năm học đến.
 
Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Sơn Trung (Sơn Hà) Phùng Ngọc Tấn: “Ưu tiên chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cho khối lớp 1”. 
 
Trường Tiểu học và THCS Sơn Trung có 5 điểm trường lẻ, trong đó các điểm Gò Rộc, Tà Màu, Xóm Suối trái đường với điểm trường chính, bị ngăn cách bởi dòng sông Rinh nên phụ huynh chuyển con em qua học ở các trường lân cận. Mặc dù số lượng học sinh đăng ký học lớp 1 tại trường chỉ khoảng 45 - 55 em, nhưng nhà trường vẫn phân bố ở 3 điểm trường để thuận tiện trong việc di chuyển của phụ huynh và học sinh.  
 
Nhà trường ưu tiên bố trí phòng học cho khối lớp 1, đảm bảo 1 lớp/phòng học, nhằm thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo quy định của CTGDPTM. Ngoài phòng học, nhà trường cũng đã bố trí đầy đủ thiết bị, đồ dùng dạy học. Các GV được phân công dạy lớp 1 đã hoàn tất các khóa tập huấn và đã có sách giáo khoa, sách giáo viên. Nhà trường cũng đã tổ chức họp phụ huynh để thông tin về việc thực hiện CTGDPTM. Phụ huynh thống nhất nhờ nhà trường mua hộ sách giáo khoa. Trường đã liên hệ với nhà xuất bản để đăng ký mua sách giáo khoa cho những phụ huynh có nhu cầu. Đến nay, sách giáo khoa đã được nhà xuất bản chuyển về trường để chuẩn bị sẵn sàng triển khai thực hiện CTGDPTM.
 
Những điểm mới
 
Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều thay đổi liên quan đến nội dung các môn học. Cụ thể là giảm số lượng môn học so với chương trình hiện hành. Học sinh lớp 1 có 7 môn học chính và hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm: Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Tự nhiên và Xã hội; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc và Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm.
 
Chương trình mới thống nhất thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học; mỗi tiết học 35 phút. Những trường chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Ngay từ lớp 1, học sinh sẽ được học về các hoạt động trải nghiệm và đây được coi là một hoạt động giáo dục bắt buộc. Đối với bậc tiểu học, mục tiêu của chương trình là giúp các em hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt.

 

 
 
 

.