Kỳ vọng từ chương trình giáo dục phổ thông mới

10:01, 16/01/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPTM) đã được công bố và năm học 2020 - 2021 sẽ bắt đầu áp dụng đối với lớp 1 trên toàn quốc. Chương trình có nhiều thay đổi, kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Trong đó, chú trọng đến phát triển năng lực học sinh (HS) và áp dụng các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học.
 
Phương pháp giáo dục hiện đại 
 
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) Thái Văn Tài cho hay: Chương trình GDPTM, nhưng không có nghĩa là thay đổi hoàn toàn chương trình cũ mà nó mang tính kế thừa và phát triển. Trong chương trình GDPTM không quy định số tiết cho mỗi một môn trong một tuần như chương trình cũ, chỉ quy định số tiết của một môn học trong một năm học. Từng cơ sở giáo dục dựa vào đó để sắp xếp kế hoạch giáo dục cho phù hợp.  
Cô và trò Trường Tiểu học Nghĩa Kỳ Bắc (Tư Nghĩa) trong giờ học.
Cô và trò Trường Tiểu học Nghĩa Kỳ Bắc (Tư Nghĩa) trong giờ học.
Chương trình mới dành 245 tiết từ lớp 6 - 12 để thực hiện nội dung giáo dục của địa phương. Nội dung này do UBND tỉnh quyết định và tổ chức xây dựng, thẩm định nội dung. Trước đây, chương trình giáo dục địa phương ghép nội dung giáo dục địa phương cho từng môn học. Còn theo chương trình GDPTM, thì nội dung giáo dục địa phương được tách bạch như những môn học khác nhằm giúp học sinh hiểu sâu hơn về địa phương.
 
Chương trình GDPTM phân biệt rõ hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9). Mục đích chính của giai đoạn này là cung cấp kiến thức nền tảng để các em tiếp tục học lên hoặc học nghề. Nội dung một số môn học được lồng ghép để tạo thành môn học tích hợp, thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo. Giai đoạn thứ hai là giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Giai đoạn này nhằm đảm bảo cho HS tiếp cận với nghề nghiệp. Ngoài một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các em được lựa chọn những môn học và chuyên đề học tập phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp của mình.
 
Chương trình GDPTM đã khắc phục được sự chênh lệch phát triển giáo dục giữa các địa phương, không còn việc “áp” đặt chất lượng giữa các vùng miền như nhau. Nội dung chương trình mới tạo điều kiện một mặt thống nhất yêu cầu nền tảng đối với HS cả nước về kiến thức, năng lực; đồng thời tạo điều kiện các cơ sở giáo dục, địa phương có điều kiện phát triển hết tiềm năng của mình. Vì vậy, chương trình đã giao quyền tự chủ cho các địa phương.
Chương trình GDPTM bao gồm chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Bắt đầu từ năm học 2020 - 2021 sẽ được triển khai đầu tiên đối với lớp 1; năm học 2021 - 2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022 - 2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023 - 2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024 - 2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Kỳ vọng mới
 
Trước một sự đổi mới bao giờ cũng là những khó khăn và thách thức, đối với đổi mới giáo dục thì vấn đề sẽ càng phức tạp hơn, bởi sự tác động của nó sẽ tạo ra sự thay đổi rất lớn đối với xã hội. Sự cần thiết lúc này là tạo sự đồng thuận trong công tác triển khai chương trình.  
Trường THCS Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) được đầu tư cơ sở vật chất chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trường THCS Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) được đầu tư cơ sở vật chất chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới.
Chương trình GDPTM khi đi vào thực hiện sẽ đánh dấu một sự đổi mới mang tính lịch sử và đột phá đối với ngành GD&ĐT. Những điểm mới của chương trình sẽ khắc phục được những hạn chế và bất cập hiện nay. Vai trò của nhà giáo sẽ được phát huy, HS không còn học thụ động mà chuyển hướng sang vai trò tự giác, tự tìm hiểu kiến thức, biết khai thác và tự hình thành những kỹ năng cần thiết, đáp ứng nhu cầu bản thân và xã hội.
 
Một sự kỳ vọng có tính mới mẻ nhất trong việc thực hiện chương trình GDPTM sắp đến là tạo việc làm, trao quyền sáng tạo cho giáo viên. Đây là một góc nhìn mới cũng là giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay.
 
Chủ biên chương trình GDPTM, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: "Cần có những chính sách động viên cán bộ, giáo viên thực hiện tốt đổi mới giáo dục. Tôi không nghĩ đến việc tăng lương, tăng thu nhập cho giáo viên, vì trong hoàn cảnh chung của đất nước về tài chính, kinh tế, nhất là đối với Quảng Ngãi chưa phải là tỉnh giàu, thì cũng khó có thể có sự đột biến về thu nhập. Trước hết, địa phương phải đảm bảo số lượng giáo viên, tạo điều kiện để giáo viên làm việc. Việc đảm bảo sỉ số HS/lớp cũng góp phần quan trọng để giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ đổi mới”.
 
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
                                                                                            
 
 
 

.