Trừ môn Mỹ thuật, Âm nhạc và Thể dục, việc đánh giá học sinh THCS và THPT bằng cách kết hợp giữa nhận xét và điểm số, thay vì chỉ đánh giá bằng điểm số như hiện nay.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trên đây là một trong những điểm mới trong thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT do Bộ GD&ĐT vừa sửa đổi.
Theo Bộ GD&ĐT, sở dĩ phải sửa đổi vì thông tư này có một số hạn chế như: Nhiều môn học chỉ có hình thức đánh giá bằng bài kiểm tra và cho điểm; nhiều đầu điểm; thiên về đánh giá tổng kết; chưa tiếp cận đánh giá phẩm chất và năng lực học sinh.
Đánh giá học sinh: Điểm số+ nhận xét
Cụ thể, trừ môn Mỹ Thuật, Âm nhạc và Thể dục, việc đánh giá học sinh sẽ kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và điểm số.
Như vậy, thay vì đánh giá bằng điểm số với rất nhiều đầu điểm như hiện nay, việc đánh giá học sinh THCS và THPT sẽ có thêm cả điểm nhận xét.
Ngoài ra, ở lần sửa đổi này, Bộ GD&ĐT bỏ một số nội dung lạc hậu, không còn phù hợp, bổ sung những nội dung mới tiếp cận phẩm chất, năng lực.
Trừ môn Mỹ thuật, Âm nhạc và Thể dục, việc đánh giá học sinh THCS và THPT bằng cách kết hợp giữa nhận xét và điểm số. |
Chẳng hạn, sẽ giảm số đầu điểm đánh giá định kì; Đánh giá môn Giáo dục công dân như đánh giá các môn học khác; Tăng cường vai trò môn Ngoại ngữ trong xét danh hiệu học sinh giỏi, mở rộng hơn đối tượng khen thưởng và thống nhất một số quy định về đánh giá học sinh khuyết tật…
Theo quy định hiện hành, hình thức đánh giá và kết quả các môn học sau một học kì, cả năm học được tiến hành bằng cách cho điểm.
Các bài kiểm tra được cho điểm theo thang điểm từ điểm 0 đến điểm 10; nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm này.
Ở thông tư sửa đổi, bổ sung, sẽ kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và điểm số đối với các môn học. Việc đánh giá bằng điểm số kết quả thực hiện các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kĩ năng đối với môn học, quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ GD&ĐT ban hành.
Kết quả đánh giá được cho điểm theo thang điểm từ điểm 0 đến điểm 10; nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm 10.
Ngoài ra, Thông tư sửa đổi cũng quy định, đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi, kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh trong quá trình học tập môn học quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành.
Học sinh có thể làm bài kiểm tra trên giấy hoặc máy tính
Ở thông tư hiện hành, kết quả môn học và kết quả các môn học sau mỗi học kì và sau cả năm học: Đối với các môn học đánh giá bằng cho điểm, tính điểm trung bình môn học và tính điểm trung bình các môn học sau mỗi học kì, cả năm học.
Tuy nhiên, thông tư sửa đổi quy định, đối với các môn học kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và điểm số: Nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi, kết quả học tập môn học sau mỗi học kì, cả năm học; tính điểm trung bình môn học và tính điểm trung bình các môn học sau mỗi học kì, cả năm học.
Về hình thức kiểm tra, các loại bài kiểm tra, hệ số điểm bài kiểm tra:
Hình thức kiểm tra:
Thông tư hiện hành quy định, hình thức kiểm tra miệng (kiểm tra bằng hỏi-đáp), kiểm tra viết, kiểm tra thực hành.
Ở thông tư sửa đổi, bổ sung như sau: Hình thức kiểm tra đánh giá thường xuyên: hỏi - đáp, thuyết trình, viết ngắn (trên giấy hoặc trên máy tính), thực hành, sản phẩm học tập.
Hình thức kiểm tra đánh giá định kì: bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính; thuyết trình; thực hành; sản phẩm học tập.
Mỗi hình thức kiểm tra đánh giá phải có hướng dẫn và được thông báo công khai trước khi thực hiện.
Các loại bài kiểm tra:
Kiểm tra thường xuyên gồm: Kiểm tra miệng; kiểm tra viết dưới 1 tiết; kiểm tra thực hành dưới 1 tiết.
Kiểm tra định kì gồm: Kiểm tra viết từ 1 tiết trở lên; kiểm tra thực hành từ 1 tiết trở lên; kiểm tra học kì.
Ở thông tư sửa đổi quy định, các loại kiểm tra đánh giá gồm:
Kiểm tra đánh giá thường xuyên quá trình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập theo chương trình môn học;
Số lần kiểm tra đánh giá thường xuyên không giới hạn bởi số điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này;
Kiểm tra đánh giá định kì kết quả giáo dục của học sinh sau một giai đoạn học tập, rèn luyện, nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành;
Kiểm tra đánh giá định kì gồm có kiểm tra đánh giá giữa kì và kiểm tra đánh giá cuối kì. Thời gian quy định đối với bài kiểm tra đánh giá bằng điểm số theo hình thức bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính.
Theo Mỹ Hà/Dân Trí