(Báo Quảng Ngãi)- Trong nhiều năm qua, đội ngũ thầy, cô giáo, cấp dưỡng ở Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh luôn quan tâm từng miếng ăn, giấc ngủ và cả đời sống tinh thần cho các em...
Lo từng bữa ăn cho học sinh
Chiều muộn, lúc cả Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh đang rộn ràng tổ chức kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam (20.11), thì 12 cô cấp dưỡng, phục vụ nấu ăn ở trường vẫn miệt mài với công việc. Chị Ngô Thị Cúc, tổ trưởng tổ nấu ăn của trường cho biết: “Nấu cơm cho học sinh ở trường cũng giống như gia đình. Ngày nào chị em cũng tập trung tiếp nhận thực phẩm, sơ chế, chế biến thức ăn rồi dàn mâm đợi các em trở về”.
|
Nhân viên cấp dưỡng ở Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh đang chuẩn bị bữa tối cho học sinh. |
Mâm cơm ở bếp ăn Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh từ lâu đã trở thành nơi đoàn tụ của hàng trăm học sinh đồng bào Hrê, Ca dong, Cor... đến từ các huyện miền núi suốt 3 năm học xa nhà và ở tại trường.
Đầu năm học 2019 - 2020, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh được đầu tư 3,5 tỷ đồng sửa chữa và xây dựng mới nhà ăn tập thể vì bếp ăn cũ đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhà trường đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sửa chữa một số hạng mục bếp ăn. Đến nay, công trình đã hoàn thành 50% khối lượng công việc. Trường đang đôn đốc nhà thầu phấn đấu đến cuối tháng 12.2019 hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
|
Năm học 2019 - 2020, toàn trường có 470 học sinh. Mỗi bữa ăn, các chị cấp dưỡng phải phân chia thành 15 - 20 mâm ăn. Theo chị Cúc, mùa nào bữa ăn cũng đảm bảo vệ sinh và thức ăn luôn được giữ nóng.
“Khi chế biến thực phẩm, ngoài khâu vệ sinh dụng cụ, bếp nấu thì tất cả thực phẩm tươi sống, rau đều phải rửa sạch, thức ăn nấu chín...”, chị Cúc chia sẻ. Nhờ vậy, hơn 17 năm qua, bếp ăn ở Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh chưa xảy ra trường hợp nào bị ngộ độc thức ăn.
Nâng cao đời sống tinh thần
Hiện nay, chế độ hỗ trợ cho mỗi học sinh dân tộc nội trú là 80% mức lương cơ sở (khoảng 1,12 triệu đồng/tháng). Cuộc sống của các em đa phần khó khăn, nên số tiền này nhà trường lo cho các em ăn ba bữa/ngày và trích 300 nghìn đồng/tháng để các em chi tiêu vặt.
Phó hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nguyễn Đỡ bày tỏ: "Giá cả hiện nay rất đắt đỏ. Với số tiền hỗ trợ như vậy là quá ít so với nhu cầu lứa tuổi cần cung cấp nhiều dinh dưỡng như các em. Ngoài ra, khi bắt đầu nhập học, mỗi học sinh được hỗ trợ một bộ đồ, áo mưa, mùng mềm... nhưng phải dùng suốt 3 năm học, không được cấp mới hằng năm”.
Trước thực trạng trên, Trường THPT Dân tộc nội trú đã chú trọng nâng cao đời sống tinh thần cho các em. Bên cạnh đầu tư nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ thầy cô giáo, trường đã chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí ngoại khóa nhằm giúp cho các em có nơi học tập, vui chơi, ăn ở ổn định.
Đến nay, trường có 3 khu ký túc xá 3 tầng kiên cố với 66 phòng ở có nhà vệ sinh khép kín. Mỗi phòng có 8 học sinh, được trang bị điện thắp sáng, quạt, nước đầy đủ. Ngoài giờ học, các em tham gia thể dục, thể thao, các câu lạc bộ đàn ghi ta, phòng chống tội phạm và hoạt động võ thuật cổ truyền.
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Đặng Văn Giữ, mỗi học sinh của trường có quê quán, tập tục sinh hoạt khác nhau, nhưng nhờ thực hiện tốt nội quy ở trường, ký túc xá, tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí cho các em nên an ninh trật tự, vệ sinh luôn đảm bảo.
Nhiều năm rồi, nhà trường không có học sinh mắc các tệ nạn xã hội; chất lượng giáo dục được nâng cao. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT và được tuyển vào cao đẳng, đại học luôn tăng qua từng năm. Năm học 2018 - 2019, trường có hơn 92% học sinh tốt nghiệp THPT.
Bài, ảnh: MAI HẠ