(Báo Quảng Ngãi)- Mua sắm tập trung được thực hiện nhằm đổi mới quản lý ngân sách cũng như tạo hiệu quả trong việc sử dụng ngân sách và tài sản công. Tuy nhiên, đối với một số ngành mang tính đặc thù như ngành GD&ĐT, thì việc mua sắm tập trung gặp nhiều bất cập, gây ảnh hưởng đến việc dạy và học.
Mòn mỏi chờ thiết bị dạy học
Hiện nay, không ít đơn vị trong ngành giáo dục được giao tự chủ sử dụng ngân sách, nhưng không thể triển khai mua sắm để kịp thời phục vụ giảng dạy mà phải trải qua các quy trình lập hồ sơ theo phương thức tập trung. Nhiều đơn vị khi đã được bố trí kinh phí, nhưng vẫn cứ chờ cung cấp thiết bị.
Một trường học trên địa bàn TP.Quảng Ngãi phải “đắp chiếu” dàn máy vi tính vì chưa có bàn ghế. |
Lãnh đạo các trường học phản ánh việc mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung của tỉnh mặc dù đã giảm đầu mối mua sắm, song việc mua sắm còn chậm về tiến độ. Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn TP.Quảng Ngãi cho hay: Nhà trường đăng ký mua sắm bàn ghế cho phòng máy tính, nhưng chờ mãi đến nay vẫn chưa có. Vì vậy, phòng máy tính của trường phải “đắp chiếu” vì chờ bàn ghế.
Một giáo viên công tác tại một trường THPT ở miền núi thở dài: “Trước khi vào năm học mới, giáo viên đã đề xuất Ban giám hiệu mua sắm các trang thiết bị phục vụ giảng dạy. Tuy nhiên, gần kết thúc học kỳ I, trường mới nhận được thiết bị, nên tất cả đồ dùng sử dụng cho những tiết học của học kỳ I phải đem cất trong kho để sang năm dùng. Trong năm học, thiết bị nào bị hỏng thì giáo viên đành "dạy chay", để chờ có đợt mới đề xuất”.
Nhà trường không được phép lựa chọn sản phẩm
Theo chủ trương của tỉnh, tất cả các tài sản, trang thiết bị dạy học trong cơ sở giáo dục đều phải đăng ký mua sắm tập trung. Các trường mầm non, tiểu học và THCS thì đầu mối là UBND huyện, thành phố; còn các trường THPT thì đầu mối là Sở GD&ĐT. Điều này đã gây khó khăn cho các trường, bởi việc mua sắm tập trung không những không đáp ứng yêu cầu của đơn vị, mà chất lượng sản phẩm cũng là điều đáng lo ngại.
Một cán bộ quản lý giáo dục bức xúc: “Việc mua sắm công từ năm 2018 đến nay đã gây trở ngại cho các trường. Nhiều trường đăng ký mua sắm trang thiết bị từ 2 năm nay vẫn chưa được cấp. Mặc dù các trường bỏ tiền ra để mua sắm trang thiết bị, song lại không có quyền lựa chọn giá cả và chất lượng sản phẩm”.
Chính từ bất cập nói trên mà tình trạng có “vỏ”, nhưng không có “ruột” đã xảy ra ở một số trường học. Đơn cử như tại Trường THCS Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi). Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa An Lê Văn Tạo cho hay: “Nhà trường đã được đầu tư phòng truyền thống, nhưng trang thiết bị bên trong vẫn chưa có. Ngoài ra, trong dịp hè, nhà trường cũng gửi hồ sơ danh mục đăng ký mua sắm tập trung lên cấp trên nhưng tất cả đều vẫn phải chờ”.
Hiệu trưởng Trường THPT Tây Trà Nguyễn Công Hòa thì cho biết: Các đơn vị tham gia đấu thầu chỉ nhìn tổng thể gói thầu chứ không để ý từng sản phẩm chi tiết bên trong gói sản phẩm. Vì vậy, đơn vị trúng thầu và tiến hành nhập hàng để giao về cho các trường học thì mới vỡ lẽ một số thiết bị bên trong gói sản phẩm không có trên thị trường. Nhà trường không thể ký nhận khi các sản phẩm không đảm bảo theo danh mục đã đăng ký, gây khó khăn cho cả đôi bên.
Đâu là giải pháp?
Hiệu trưởng Trường THPT Trà Bồng Đỗ Ngọc Đức cho rằng: Chủ trương mua sắm tập trung là một bước tiến trong cải cách phương thức quản lý tài chính, phát huy hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công, góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, việc mua sắm tập trung cũng gây nên nhiều bất cập cần sớm được tháo gỡ.
Còn theo Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) Trần Quốc Bảo, đã giao quyền tự chủ cho đơn vị thì phải giao hẳn. Bởi việc mua sắm tập trung phải thông qua nhiều đầu mối như hiện nay sẽ gây khó khăn cho các đơn vị thụ hưởng.
Nhiều ý kiến cho rằng, mua sắm công tập trung cần lắng nghe kiến nghị từ cơ sở, cần xem xét “linh hoạt” theo nhu cầu của đơn vị đề nghị mua sắm. Quy định mua sắm tập trung như hiện nay chỉ phù hợp với các đơn vị có nhu cầu trang bị lớn, chứ không phù hợp với những đơn vị có nhu cầu mua sắm riêng lẻ, số lượng ít (do hư hỏng đột xuất phải thay thế) vì mua sắm tập trung tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng tới công tác chuyên môn.
Đặc thù của ngành giáo dục là năm học không song hành cùng với tài khóa của năm tài chính, nên việc mua sắm tập trung từ nguồn ngân sách được phân khai ở đầu năm rất bất cập, dẫn đến tình trạng thiết bị được cung cấp vào thời điểm đã qua hết học kỳ I của năm học. Do vậy, đối với các thiết bị phục vụ trong trường học nên giao tự chủ về kinh phí và mua sắm cho các đơn vị sử dụng ngân sách.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG