Trà Bồng: Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục

10:08, 21/08/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, huyện Trà Bồng đã chú trọng đầu tư cho giáo dục. Nhờ đó, chất lượng dạy và học trên địa bàn ngày càng được nâng cao. Đến nay, toàn huyện có 8/28 trường ở các cấp học đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ học sinh (HS) tốt nghiệp THCS đạt 99%; tiểu học 99%; 100% trẻ mầm non ra trường đúng độ tuổi.  

TIN LIÊN QUAN

Đầu tư cơ sở vật chất

"Hầu hết các trường học ở huyện Trà Bồng đã được xây dựng kiên cố. Trẻ em đến trường có đầy đủ sách, vở để học. Tình trạng học ghép giảm đi rất nhiều. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao", Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng Đinh Thị Thu Hương cho biết.

Theo bà Hương, đầu tư cơ sở vật chất trường học là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Hằng năm, trước khi vào năm học mới, ngành giáo dục đã tham mưu huyện trích kinh phí đầu tư sửa chữa, xây dựng mới phòng học; đầu tư mua sắm các trang thiết bị dạy và học. Mạng lưới trường lớp học trên địa bàn ngày càng hoàn thiện.

Trường Mầm non Trà Sơn (Trà Bồng) được đầu tư khang trang, tạo điều kiện tốt cho trẻ học tập, vui chơi.
Trường Mầm non Trà Sơn (Trà Bồng) được đầu tư khang trang, tạo điều kiện tốt cho trẻ học tập, vui chơi.

Điển hình như các trường học ở xã Trà Sơn, trước đây cơ sở vật chất không đảm bảo, công tác dạy và học gặp nhiều khó khăn. Nhưng hiện nay, các trường học ở đây đã được xây dựng kiên cố. Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Trà Sơn Đặng Thị Hồng chia sẻ: Do địa hình cách trở nên trước đây trường có đến 4 điểm trường lẻ. Nhờ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ, từ năm học 2017 - 2018 đến nay, trường đã tổ chức dạy học hai buổi/ngày, chất lượng giáo dục được nâng cao đáng kể.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Sơn cũng  được xây dựng khang trang. Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Sơn Đoàn Thị Ngọc Lan cho biết: Trường đang phấn đấu hoàn thành các tiêu chí để đạt trường chuẩn quốc gia vào cuối năm 2019. Hơn 3 năm qua, trường tổ chức giảng dạy 2 buổi/ngày. Nhờ đó, chất lượng giáo dục đã được nâng cao. Hiện trường đang được đầu tư thêm 3 phòng bộ môn và sửa chữa lại một số phòng ở bán trú cho học sinh.

"Những năm gần đây, huyện đã tăng cường đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục qua từng năm học. Trong năm học 2019 - 2020, ngành giáo dục huyện Trà Bồng đẩy mạnh thực hiện 6 giải pháp trọng tâm để tiếp tục giữ và nâng cao chất lượng giáo dục. Huyện phấn đấu đến năm 2020 có 36% cơ sở giáo dục mầm non; 66,7% trường tiểu học; 40% trường tiểu học - THCS và 80% trường THCS đạt chuẩn quốc gia".

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng ĐINH THỊ THU HƯƠNG

Nhiều giải pháp sáng tạo

Thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, huyện Trà Bồng đã xây dựng Đề án nâng cao chất lượng giáo dục, giai đoạn 2015 - 2020. Trên cơ sở này, bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, ngành giáo dục đã chỉ đạo các đơn vị trường học phải có những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Trà Sơn Đặng Thị Hồng, HS ở trường đa số là con em đồng bào Cor, cuộc sống khó khăn. Tình trạng học sinh bỏ học, học giã gạo, đến trường chưa đúng độ tuổi khá nhiều. Trước tình hình đó, ban giám hiệu nhà trường đã phân công giáo viên chủ nhiệm theo dõi từng hoàn cảnh của HS, tìm hiểu nguyên nhân để có những giải pháp phù hợp.

Giáo viên đến từng nhà động viên HS đến lớp; đồng thời trường tổ chức nhiều hoạt động để thu hút HS như: Xây dựng mô hình thư viện xanh, tổ chức các trò chơi dân gian... nhằm tạo cho các em sự hứng thú khi đến trường. Nhờ đó, chất lượng giáo dục ở trường được nâng lên. Năm học 2018 - 2019, toàn trường có 390 HS, thì có 88 HS hoàn thành tốt; 288 em hoàn thành; 100% HS ra lớp đúng độ tuổi. Trong năm học 2019 - 2020, trường sẽ xây dựng câu lạc bộ cầu lông, cờ vua, thơ văn, nhằm tạo sân chơi lành mạnh cho HS.

Đối với Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Sơn, đội ngũ giáo viên đã tăng cường hỗ trợ nhau trong công tác giảng dạy. Hằng năm, trường tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; đồng thời tổ chức các hoạt động bổ trợ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, học ngoại khóa để thu hút HS đến trường.

Tăng cường tiếng Việt cho học sinh

dân tộc thiểu số

Thời gian qua, tại Trường Tiểu học Trà Thủy (Trà Bồng) luôn vang tiếng đọc bài "ê, a" của học sinh (HS). Đó là những HS được các cô giáo dạy tăng cường tiếng Việt trước khi vào học lớp 1. Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Thủy Võ Thị Thu Hà cho hay: Ngay từ đầu tháng 7, trường đã triển khai dạy tiếng Việt cho HS chuẩn bị vào lớp 1. Sau 4 tuần giảng dạy, giáo viên tiếp tục lồng ghép trong tiết học của chương trình chính khóa. Có như vậy mới giúp HS người dân tộc thiểu số tiếp cận tốt các bài học khi chính thức bước vào lớp 1.

Cô và trò Trường Tiểu học Trà Thủy (Trà Bồng) trong tiết học tăng cường tiếng Việt.                   Ảnh: Tr.Phương
Cô và trò Trường Tiểu học Trà Thủy (Trà Bồng) trong tiết học tăng cường tiếng Việt. Ảnh: Tr.Phương
Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Trà Thủy đã phân công những giáo viên có kinh nghiệm, nhiệt huyết với nghề đảm nhận nhiệm vụ dạy tiếng Việt cho HS chuẩn bị vào lớp 1. Đây là những giáo viên biết tiếng của người dân tộc thiểu số. Các cô giáo đã tận tình hướng dẫn cho HS tư thế ngồi, cầm bút, viết những nét cơ bản, tập cho các em cách phát âm, giới thiệu về bản thân mình bằng tiếng Việt, những kỹ năng giao tiếp với bạn bè, thầy cô...

Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, HS vùng dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi trong tỉnh thực hiện trong 2 năm qua bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Chị Võ Thị Hoa, giáo viên Trường Tiểu học số 1 Trà Sơn (Trà Bồng) chia sẻ: Đề án góp phần giúp HS nắm được vốn tiếng Việt tốt hơn khi bước vào lớp 1. Ngoài ra, giáo viên sẽ giúp các em làm quen với môi trường học tập mới, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, sử dụng được ngôn ngữ tiếng Việt khi giao tiếp với bạn bè, thầy cô giáo. Từ đó, giáo viên sẽ dễ dàng triển khai chương trình chính khóa khi các em chính thức bước vào lớp 1.  

Thực tế, sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, HS vùng dân tộc thiểu số đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở miền núi. Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT) Nguyễn Thị Thành cho biết: Rào cản về ngôn ngữ là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục tiểu học ở miền núi còn thấp. Vì vậy, việc hỗ trợ các em biết và sử dụng thông thạo tiếng Việt ngay những lớp đầu cấp là một trong những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở miền núi.             

Mai Hạ- Tr.Phương
 

.