Đạo đức học đường: Những vấn đề đặt ra

10:08, 20/08/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh (HS), sinh viên (SV) là vấn đề quan trọng đối với các cơ sở giáo dục hiện nay. Một trong những mục tiêu của đổi mới giáo dục là rèn luyện kỹ năng, chuyển trọng tâm vào giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách cho HS, nhằm tạo ra môi trường giáo dục thân thiện.
TIN LIÊN QUAN

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong HS, SV là một trong 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2019 - 2020.

Thiếu kỹ năng sống

Thời gian qua, do sự tác động đa chiều của đời sống xã hội đã tạo nên những “mảng tối” trong việc giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách HS. Do  vậy, đạo đức học đường đang là thách thức lớn đối với mỗi nhà trường và thầy cô giáo trong quá trình giáo dục HS.
Các đơn vị trường học ngày càng tăng cường các hoạt động ngoại khóa. Trong ảnh: Cô và trò Trường Tiểu học Đức Thắng (Mộ Đức) trong giờ ngoại khóa.
Các đơn vị trường học ngày càng tăng cường các hoạt động ngoại khóa. Trong ảnh: Cô và trò Trường Tiểu học Đức Thắng (Mộ Đức) trong giờ ngoại khóa.

Bên cạnh sự tác động tiêu cực từ môi trường xã hội thì chương trình giáo dục, môi trường sư phạm ở mỗi trường học cũng tác động không nhỏ đến việc hình thành nhân cách, đạo đức của HS. Tuy nhiên, chương trình giáo dục chưa thực sự chú trọng việc giáo dục đạo đức, hình thành những kỹ năng mềm cho HS. Các em rất hạn chế trong việc ứng xử với những vấn đề xảy ra trong cuộc sống.

Đơn cử như vụ việc trên mạng xã hội lan truyền 2 đoạn clip ghi lại cảnh một nữ sinh bắt 3 nữ sinh Trường THCS Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) quỳ và đánh tới tấp kèm những lời hăm dọa khiến dư luận phẫn nộ. Điều đáng nói ở đây là, nữ sinh trực tiếp đánh bạn vừa rời ghế nhà trường vài tháng, nhưng lại có những hành động côn đồ. Trong khi đó, 3 nữ sinh bị đánh lại thiếu những kỹ năng cần thiết. Các em chưa biết xử lý các tình huống xảy ra với chính bản thân mình.  

Đâu là giải pháp?

Lâu nay, chúng ta vẫn nghĩ giáo dục đạo đức, lối sống là trách nhiệm của nhà trường. Tuy nhiên, đạo đức HS chịu sự tác động cả ba môi trường, đó là nhà trường, gia đình và xã hội. Việc hình thành và rèn luyện đạo đức học sinh phải trên cơ sở của các môi trường ấy. Trong đó, gia đình và nhà trường đóng vai trò chủ đạo.

Gia đình là nơi hình thành nhân cách trẻ từ rất sớm và là yếu tố tác động rất lớn đến các em. Nhà trường cần hình thành cho các em những khái niệm về giá trị cuộc sống, những kỹ năng mềm trong ứng xử với sự thay đổi của xã hội. Cô giáo Trần Thị Thu Hà, Trường THPT chuyên Lê Khiết cho rằng: “Người thầy có vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, hình thành những kỹ năng mềm cho học sinh. Nếu người thầy thực sự có tâm sẽ hết lòng với học trò không chỉ kiến thức, tri thức khoa học mà còn chứa đựng những tâm huyết dạy kỹ năng cho học trò”.

Bản thân HS phải luôn rèn luyện những kỹ năng giao tiếp trong môi trường giáo dục thân thiện. Các em phải nắm được kỹ năng giao tiếp với bạn bè, thầy cô. Bên cạnh đó, nhà trường cần đẩy mạnh các hoạt động giáo dục tập thể, hướng HS phát huy tinh thần đoàn kết, sống có niềm tin và hướng thiện. Để làm được những điều đó đòi hỏi các thầy cô giáo phải là những tấm gương sáng về nhân cách, đạo đức cho HS noi theo.

Dưới góc độ của một nhà quản lý giáo dục, Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu cho rằng: Bất cứ môi trường sư phạm nào thì đạo đức, tác phong mô phạm của nhà giáo cũng luôn nghiêm túc. Học sinh phải kính trọng, lễ phép với thầy cô giáo. Quan hệ, ứng xử trong môi trường giáo dục cũng phải có khuôn phép.

Hình ảnh của người thầy không chỉ đẹp trên bục giảng, trong môi trường sư phạm mà phải đẹp trong tất cả các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường. Nhà trường nào làm được điều này sẽ lan tỏa, tác động đến từng HS. Từ đó, các em sẽ tự rèn luyện, điều chỉnh bản thân để trở thành những con ngoan, trò giỏi.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 

.