Tổ chức xếp hạng Academic Ranking of World Universities (ARWU) của ĐH Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) vừa công bố bảng xếp hạng 1.000 ĐH uy tín trên thế giới. Đặc biệt, Việt Nam vinh dự có một trường ĐH đầu tiên được xếp vào bảng xếp hạng này, cụ thể là Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) được xếp hạng trong nhóm từ 901 – 1000.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Vị trí xếp hạng của TDTU trên bảng xếp hạng ARWU |
Điểm nổi bật của ARWU là sự khách quan trong đánh giá. ARWU hoàn toàn không dựa vào dữ liệu chủ quan do các đại học cung cấp và quan trọng là không dựa vào khảo sát như các hệ thống xếp hạng đại học khác mà tự mình thu thập dữ liệu của 4 tiêu chí trên, căn cứ vào các cơ sở dữ liệu của thế giới. Mặc dù, ARWU đã tham gia xếp hạng đại học thế giới trong 16 năm qua, nhưng tính đến năm 2018 vẫn không có đại học nào của Việt Nam được ARWU xếp hạng. Năm nay 2019, bảng xếp hạng xuất hiện TDTU của Việt Nam.
Sinh viên quốc tế học tập và nghiên cứu tại TDTU |
Việc TDTU được xếp hạng bởi ARWU là không đơn giản, mà đó là quá trình vượt khó đầy thử thách và chiến lược của trường trong bối cảnh hiện nay. Từ năm 2007, TDTU đã hoạch định và ban hành Kế hoạch phát triển 30 năm với mục tiêu trở thành một đại học nghiên cứu hàng đầu Châu Á và vào TOP 500 đại học nghiên cứu tinh hoa của thế giới.
Từ đó, TDTU đã có những đầu tư nhân lực, vật lực, điều kiện đầy quyết tâm để từ đó, có những bước phát triển vượt bậc về nhiều mặt và kết quả hôm nay đã được ARWU xếp hạng là hoàn toàn xứng đáng. Hiện nay, theo thống kê của Web of Science, tính từ ngày 1-8-2018 đến ngày 31-7-2019, TDTU dẫn đầu cả nước về công bố quốc tế với 1.407 công trình trên các tạp chí hàng đầu thế giới thuộc danh mục ISI. Xếp ở các vị trí tiếp theo là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với 755 công trình; ĐH Quốc gia TPHCM: 618 công trình; ĐH Quốc gia Hà Nội: 307 công trình; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: 271 công trình.
Về tốc độ phát triển, Trường ĐH Tôn Đức Thắng tăng gần gấp đôi giữa năm sau và năm trước; đồng thời duy trì tốc độ này hầu như trong suốt 5 năm qua. TDTU cũng đặt mục tiêu đến năm 2024, tổng công bố quốc tế mỗi năm của trường sẽ đạt ít nhất 6.000 công trình, tương đương với những đại học hàng đầu của ASEAN (trừ một vài đại học TOP 3 khu vực). Song song đó, ĐH này đã thành công vượt bậc nhiều mặt, từ giáo dục, khoa học công nghệ, đến quốc tế hóa, xếp hạng đại học và kiểm định trường học, kiểm định chương trình.
Đứng đầu bảng xếp hạng ARWU là các đại học lừng danh của thế giới lần lượt như ĐH Harvard (Mỹ), ĐH Stanford (Mỹ), ĐH Cambridge (Anh quốc), MIT (Mỹ), ĐH California ở Berkeley (Mỹ), ĐH Princeton (Mỹ), ĐH Oxford (Anh quốc). Đứng trên TDTU một bậc trong bảng xếp hạng của ARWU, hạng 701 – 800, gồm các đại học rất uy tín như ĐH Orleans (Pháp), ĐH Mississippi (Mỹ), ĐH Akron (Mỹ)... Trong cùng nhóm 901- 1000 với TDTU, có các đại học uy tín của thế giới như ĐH Binghamton (Anh Quốc), ĐH Khoa học và Công nghệ Quốc gia Đài Loan(Trung Quốc), ĐH Bang New Mexico (Mỹ), ĐH Southern Cross (Úc), ĐH Massachusetts ở Boston (Mỹ), ĐH Neuchatel (Thụy Sĩ), ĐH New Orleans (Mỹ), ĐH Stirling (Anh Quốc).
Trong số 10 đại học thuộc Mạng lưới hợp tác đại học quốc tế (UCI) mà TDTU là đại học Việt Nam duy nhất, đồng thời là Chủ tịch nhiệm kỳ đầu tiên chỉ có TDTU được xếp hạng 901-1000; 2 đại học khác là ĐH Trieste (Ý) và ĐH Hasselt (Bỉ) được ARWU xếp 601-700 trong năm nay. 7 đại học khác, kể cả ĐH Khoa học và Công nghệ Quốc gia Cao Hùng (Đài Loan), ĐH Quốc gia Pukyong (Hàn Quốc), những đại học lâu đời và nổi tiếng vẫn chưa vào được bảng này.
Việc Việt Nam lần đầu tiên có một đại học được ARWU xếp hạng như TDTU là một vinh dự rất lớn, đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển của hệ thống giáo dục Việt Nam. Kết quả này cho thấy Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa tự chủ đại học, vì một khi được tự chủ thì các đại học mới có thể phát triển một cách đầy đủ và toàn diện. Như vậy, mới có hi vọng đất nước có thêm một số đại học được xếp hạng trong bảng này.
Theo THANH HÙNG/SGGPO